Các quốc gia sử dụng F/A-18
CF-18A và CF-18B của Canada
Canada là khách hàng xuất khẩu đầu tiên của Hornet, họ mua F/A-18 nhằm thay thế CF-104 Starfighter, McDonnell CF-101 Voodoo và CF-116 Freedom Fighter.
Lực lượng Không quân Hoàng gia Canada (Royal Canadian Air Force/RCAF) lựa chọn và đặt mua 98 chiếc F/A-18A (ký hiệu ở Canada là CF-188A/CF-18A) và 40 chiếc F/A-18B (CF-188B/CF-18B) vào năm 1980.
62 chiếc CF-18A và 18 chiếc CF-18B đã tham gia vào các dự án Hiện đại hóa hoàn thành trong hai giai đoạn. Chương trình này được đưa ra vào năm 2001 và chiếc máy bay cập nhật lần cuối đã được giao trong tháng 3/2010.
Mục đích là nhằm cải tiến khả năng không đối không và không đối đất, nâng cấp các hệ thống điện tử hàng không và hệ thống phòng thủ, thay thế các hệ thống liên lạc và liên kết dữ liệu trên CF-18 theo chuẩn của F/A-18C và F/A-18D.
F/A-18A, F/A-18B, F/A-18F và EA-18G của Australia
Không quân Hoàng gia Australia (Royal Australian Air Force/ RAAF) đã đặt mua 57 chiếc F/A-18A và 18 chiếc F/A-18B để thay thế Dassault Mirage III vào tháng 10/1981.
F/A-18A/B của Australia được loại bỏ thanh hỗ trợ phóng máy bay ở càng đáp trước, nhưng sau đó gắn một thanh giả vào để giảm rung ở mũi càng đáp trước.
Bổ sung đài liên lạc tần số cao, hệ thống phân tích dữ liệu, hệ thống ghi video và ghi âm được cải thiện, và sử dụng hệ thống hướng dẫn hạ cánh/đài định hướng siêu cao tần ( ILS/VOR - System Landing Instrument/ Very High Frequency Omnidirectional Range) thay cho hệ thống hướng dẫn hạ cánh trên tàu sân bay.
Ngày 3/5/2007, Chính phủ Australia ký một hợp đồng 2,9 tỷ USD để mua 24 chiếc F/A-18F Super Hornet cho Không quân Hoàng gia (RAAF) như một sự thay thế tạm thời cho F-111.
24 chiếc F/A-18F này được trang bị theo tiêu chuẩn của Super Hornet Block II, và vào năm 2013, Australia ký thêm một hợp đồng nữa đặt mua 12 chiếc EA-18G Growler.
EF-18A và EF-18B của Tây Ban Nha
Không quân Tây Ban Nha (Ejército del Aire) đặt mua 60 chiếc F/A-18A và 12 chiếc F/A-18B vào năm 1985, ký hiệu là EF-18A và EF-18B (“E” là “España” - Tây Ban Nha).
Đến thập niên 1990, những chiếc EF-18A và EF-18B nâng cấp lên chuẩn EF-18A+ và EF-18B+, với các trang bị tương tự F/A-18C và F/A-18D.
Vào năm 1995, Tây Ban Nha mua lại 24 chiếc F/A-18A Hornet của Hải quân Mỹ, với tùy chọn mua thêm 6 chiếc. Công việc chuyển giao từ tháng 12/1995 đến tháng 5/1998. Trước khi giao hàng, 24 chiếc này đã được nâng cấp thành EF-18A+.
F/A-18C và F/A-18D của Kuwait
Không quân Kuwait (Al Quwwat Aj Jawwaiya Al Kuwaitiya) đặt mua 32 chiếc F/A-18C và 8 chiếc F/A-18D Hornet vào năm 1988 để thay thế các máy bay A-4KU Skyhawk đã lỗi thời. Công việc giao hàng bắt đầu vào tháng 10/1991 cho đến tháng 8/1993.
F-18C và F-18D của Phần Lan
Không quân Phần Lan (Suomen ilmavoimat) đặt mua 57 chiếc F-18C và 7 chiếc F-18D. Tất cả số F-18D được chế tạo tại St Louis, và sau đó tất cả F-18C đã được lắp ráp tại Phần Lan.
F-18C/D Hornet của Phần Lan dùng để thay thế MiG-21 Bis và Saab 35 Draken và chỉ được sử dụng cho tác chiến phòng không, do đó không có “F/A” trong F-18 của Phần Lan.
Phần Lan nâng cấp phi đội F-18 với hệ thống điện tử mới, bao gồm cả mũ phi công hiển thị (HMS), màn hình hiển thị buồng lái mới, cảm biến và các liên kết dữ liệu theo chuẩn NATO.
Một số chiếc F-18C sẽ được trang bị để mang vũ khí không đối đất như AGM-158 JASSM, trở lại khả năng tấn công như cấu hình của F/A-18 ban đầu. Việc nâng cấp cũng bao gồm mua sắm và trang bị tên lửa AIM-9X Sidewinder và AIM-120C-7 AMRAAM.
Đây là gói Nâng cấp giữa vòng đời (Mid-Life Upgrade/MLU) ước tính có giá từ 1 - 1,6 tỷ Euro và công việc dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2016. Sau khi nâng cấp máy bay tiếp tục ở lại phục vụ hoạt động cho đến 2020 - 2025.
F/A-18C và F/A-18D của Thụy Sĩ
Lực lượng Không quân Thụy Sĩ đặt mua 26 chiếc F/A-18C và 8 chiếc F/A-18D Hornet vào tháng 1/1996.
Vào cuối năm 2007, Thụy Sĩ yêu cầu nâng cấp F/A-18C/D theo Chương trình Nâng cấp 25 (Upgrade 25 Program), để kéo dài tuổi thọ hữu ích của F/A-18C/D có trong trang bị.
Chương trình này bao gồm nâng cấp đáng kể cho hệ thống điện tử và máy tính, trang bị hệ thống quang điện tử hồng ngoại ATFLIR, lắp hệ thống cảnh báo radar khóa AN/ALR-67(V)3 và thiết bị tác chiến điện tử.
F/A-18D của Malaysia
Không quân Hoàng gia Malaysia (Tentera Udara Diraja Malaysia) có 8 chiếc F/A-18D. Công việc giao hàng bắt đầu từ tháng 3/1997 đến tháng 8/1997.
Các phiên bản đặc biệt
F-18 HARV (High Alpha Research Vehicle)
Một chiếc F-18 1 chỗ ngồi cải tiến thành phương tiện nghiên cứu góc tấn cao Alpha cho NASA. Sử dụng động cơ có vòi phụt đa hướng (TVC), hệ thống điều khiển bay được cải tiến và vẽ một số đường viền trên máy bay.
X-53 AAW (Active Aeroelastic Wing)
Một chiếc F/A-18 của NASA đã được sửa đổi để trình diễn công nghệ cánh chủ động theo tính khí đàn hồi.