Các đơn vị đặc nhiệm là những đội quân luôn phải chiến đấu độc lập và ít nhận được sự hỗ trợ từ đồng đội.
Nhiệm vụ chính của họ rất đa dạng như thu thập thông tin tình báo sâu trong hậu phương đối thủ, phá hoại, huấn luyện du kích chống lại các nhà nước thù địch.
Dù là cuộc chiến nào, tâm lý hay quân sự thì người lính cũng khó thành công nếu không trực tiếp ra chiến trường. Vì vậy, việc đưa điệp viên hay lính đặc nhiệm vào sâu trong lãnh thổ đối phương được thực hiện trong chiến tranh hàng trăm năm về trước với hai nguyên tắc chính: cải trang hoặc ẩn nấp.
Ngay cả trong thời gian chiến tranh, việc xâm nhập vào sâu trong lãnh thổ đối phương là điều hoàn toàn có thể làm được. Nguyên tắc chính của đột nhập bí mật là không bị phát hiện, dù chỉ là một dấu vết nhỏ.
Đây là công việc vô cùng khó khăn, có thể phải đi bộ dài ngày, vượt qua biên giới ở những vùng xa xôi hẻo lánh nhất, nhảy dù từ độ cao hàng chục kilomet, rơi tự do và mở dù cách mặt đất xấp xỉ 100m... hay đeo vài chục kilogram trang thiết bị chui qua cánh cửa áp lực tầu ngầm đường kính 64 cm, bơi 7-8 km để tới một bãi biển hoang vắng không người.
Một chiếc thuyền đa dụng mang theo hai lính đặc nhiệm nằm trên xuồng hơi. Khi đổ bộ, họ sẽ phải tháo hơi và chôn giấu xuồng này trước khi đi sâu vào nội địa.
Hầu hết lính đặc nhiệm tôi luyện kỹ thuật của họ qua kinh nghiệm thực tế chiến trường. Tuy nhiên, không phải vì thế mà họ không có chương trình huấn luyện chung bài bản.
Một trong những tài liệu huấn luyện đặc nhiệm quan trọng nhất của Quân đội Mỹ là cuốn "Cẩm nang hướng dẫn các kỹ thuật đặc nhiệm trên chiến trường FM 31-20". Trong tài liệu này, một phần các kỹ thuật đột nhập của lính đặc nhiệm Mỹ đã được hé lộ.
Đột nhập từ trên không
Đột nhập từ trên không là một kỹ thuật được sử dụng rất phổ biến trên thế giới, đơn giản vì không có một địa điểm nào mà máy bay không thể tới được.
Không những thế, nếu được chuẩn bị kỹ lưỡng và đúng cách thì bằng máy bay, các đơn vị đặc biệt có thể di chuyển tới địa điểm đột nhập trong thời gian nhanh nhất và an toàn nhất.
Sơ đồ khu vực thả dù được sử dụng để thả đồ tiếp tế cho nhóm lính đặc nhiệm khi vị trí chính xác của họ không biết rõ. Máy bay sẽ thả hàng theo sơ đồ trong một khu vực dài 25 km và rộng 1 km.
Để đột nhập bằng đường không, các lực lượng đặc nhiệm Mỹ thường sử dụng ba kỹ thuật chính:
- Nhảy dù từ độ cao thấp và trung bình.
- Nhảy từ độ cao rất lớn và chỉ mở dù ở độ cao thấp (HALO);
- Đổ bộ từ máy bay đã hạ cánh.
Trong những kỹ thuật này, HALO (High Altitude Low Opening) là kỹ thuật có độ khó cao nhưng cũng là kỹ thuật có hiệu quả nhất.
Khi nhảy dù kiểu HALO, các binh sĩ sẽ nhảy khỏi máy bay từ độ cao 8.000m, ở độ cao này, máy bay đột nhập sẽ không thể bị nhìn thấy bằng mắt thường hay bị đối phương nghe thấy.
Sau khi nhảy khỏi máy bay, những binh lính đặc nhiệm này sẽ tự gộp nhóm ngay từ khi rơi tự do trên không và chỉ mở dù khi cách mặt đất dưới 300m.
Việc nhảy dù từ độ cao lớn và chỉ mở dù khi ở độ cao rất thấp sẽ giảm khả năng bị phát hiện của toán lính đặc nhiệm, giảm thời gian rơi trên không, trong giai đoạn mà họ dễ dàng bị phát hiện và bắn hạ.
Chính vì độ khó của kỹ thuật, theo tài liệu huấn luyện FM-31-20, các binh sĩ luôn phải chú ý sáu điểm vô cùng quan trọng:
- Nhảy nhanh: Mọi binh sĩ phải nhảy thật nhanh ra khỏi máy bay cùng nhau, nhờ vậy họ mới có thể dễ dàng tập hợp lại thành nhóm ngay trên không, tránh bị lạc mất đồng đội.
- Cẩn thận với dù dự phòng: Mọi binh sĩ phải thật cẩn thận với dù dự phòng khi đang ở trên máy bay. Nếu dù dự phòng bị bung ngoài ý muốn trước khi nhảy, họ có thể làm máy bay bị thất tốc hoặc bị kéo sang phía bên của máy bay và va chạm vào cánh hay động cơ. Cả hai trường hợp đều dẫn tới việc trả giá bằng nhiều sinh mạng.
- Cẩn thận với cây cối: Vì đây là kỹ thuật tiềm nhập đường không chủ yếu nên các binh sĩ sẽ không tránh khỏi việc phải nhảy dù vào rừng rậm. Họ sẽ luôn phải chuẩn bị tinh thần đối phó với nhiều vết thương nếu bị buộc phải nhảy dù xuống địa hình này.
- Bảo vệ súng: Thông thường, nòng súng phải được bịt cẩn thận bằng nắp hay băng dính để ngăn chặn bụi bẩm vật lạ rơi vào khi nhảy dù. Đồng thời, tất cả các cạnh sắc của súng cũng phải được che chắn để tránh làm binh lính bị thương.
- Đồng hồ đo cao: Chiếc đồng hồ đo cao thường được đặt trên dù dự phòng nằm trước bụng binh sĩ. Chiếc đồng hồ này luôn phải được đảm bảo hoạt động tốt vì, nhất là khi phải nhảy dù vào ban đêm. Đây là phương tiện duy nhất để người lính biết được khi nào anh ta có thể mở dù.
Để cuộc đột nhập đường không có được thành công tốt đẹp, công tác chuẩn bị tình báo phải được thực hiện rất kỹ lưỡng: Hệ thống radar và kiểm soát không lưu của đối phương tốt đến mức nào? Vùng nào có điều kiện phù hợp để nhảy dù hoặc hạ cánh? Liệu có ai trên mặt đất để tiếp đón và hỗ trợ nhóm đổ bộ, tiếp tế cũng như xóa dấu vết khi vực đổ bộ? Sử dụng loại máy bay nào sẽ hợp lý?
Đột nhập từ biển
Tương tự như đổ bộ từ trên không, để đổ bộ từ biển hiệu quả người ta cũng phải tính toán rất nhiều yếu tố từ trước.
Đầu tiên, các vị trí có thể đổ bộ vào đất địch phải được tính toán với các thông số như độ sâu, dòng chảy, các hệ thống phòng thủ bờ biển.
Sau đó, họ sẽ phải tính toán trang thiết bị sao cho phù hợp không bị phá hoại bởi nước biển cũng như phương tiện đổ bộ cần thiết.
Một kỹ thuật đổ bộ yêu thích của lính đặc nhiệm Mỹ là đổ bộ từ tàu ngầm. Bằng kỹ thuật này, rất khó để phát hiện ra họ.
Lính đặc nhiệm Navy SEAL được trực thăng HH-53 bay thấp thả xuống biển.
Đột nhập đường bộ
Đột nhập bằng đường bộ rất giống với kỹ thuật tuần tra tầm xa trong lãnh thổ đối phương. Đây cũng là phương thúc đột nhập an toàn nhất để đổ bộ số lượng lớn lính đặc nhiệm khi không có áp lực về thời gian.
Khoảng cách đột nhập cũng không thành vấn đề vì mọi binh sĩ đặc nhiệm đều được huấn luyện tốt về sức khỏe, khả năng chịu đựng và khả năng sống sót độc lập.
Để có thể nhận được sự giúp đỡ của dân cư địa phương như cung cấp thức ăn, nơi ở, tin tình báo, đột nhập đường bộ là phương pháp hiệu quả nhất.
Hơn nữa, thông thường vị trí đổ bộ từ trên không hay biển thường không trực tiếp nằm trong khu vực có mục tiêu. Do đó, với các kỹ thuật trên, phần nhiều binh lính vẫn phải hành quân dài ngày đường bộ để đến địa điểm tập kết. Do đó, có thể nói rằng, chính bản thân người lính đặc nhiệm được tin cậy hơn nhiều so với kỹ thuật và vũ khí.
"Giấu mình chờ thời"
Cách thứ tư để đưa những binh lính đặc nhiệm vào vùng chiếm đóng của đối phương có vẻ khá đơn giản: Đưa họ đến địa điểm này trước khi quân đội đối phương chiếm đóng nó. Tuy nhiên, cách làm này cần phải có sự hoạt động nhịp nhàng giữa tin tình báo chính xác và khả năng lên kế hoạch chi tiết.
Binh sĩ Mỹ cải trang giống dân địa phương khi tác chiến tại Afghanistan.
Đảm bảo an toàn, bí mật là phần khó nhất trong suốt cả chiến dịch kiểu này, những binh lính cần phải có những địa điểm trú ẩn an toàn (safe house), chôn giấu đạn dược, vũ khí, lương thực và thiết bị để dùng khi cần thiết mà không bị nghi ngờ hay phát hiện.
Những người lính đặc nhiệm có thể dễ dàng sống ẩn mình trong rừng núi hay nông thôn trong thời gian dài. Tuy trong thành phố và khu dân cư, việc sống tuyệt đối bí mật là điều bất khả thi nhưng họ vẫn có thể sống dựa vào những người dân địa phương để tiếp tế nhu yếu phẩm cũng như hỗ trợ thông tin liên lạc.
Mặc dù vô cùng khó khăn và phức tạp, tuy vậy đột nhập vẫn chỉ là bước đầu tiên để có thể hoàn thành nhiệm vụ. Sau khi đột nhập thành công, còn vô vàn khó khăn đang đợi họ trong một cuộc chiến đơn độc, không rõ điểm bắt đầu và cũng không rõ điểm kết thúc.