Với mục tiêu đưa lực lượng tác chiến điện tử của quân đội tiến lên chính quy, tinh nhuệ và hiện đại, Việt Nam đang xem xét mua sắm và đưa vào trang bị các phương tiện chiến tranh điện tử tối tân. Trong đó, việc mua mới các phương tiện tác chiến điện tử từ Nga được xem là giải pháp phù hợp hơn cả về chất lượng, độ tin cậy cũng như giá thành sản phẩm.
Trong số những hệ thống vũ khí tác chiến điện tử tiên tiến nhất đang được Nga xúc tiến xuất khẩu ra nước ngoài, trong đó ưu tiên Việt Nam – một trong những khách hàng lớn nhất của Nga, thì các tổ hợp Krasuha-2, Moskva-1 và Rtut-BM là những ứng viên sáng giá nhất.
Tổ hợp tác chiến điện tử hiện đại Krasuha-2.
Như chúng ta đã biết, tác chiến điện tử có 3 nhiệm vụ chủ yếu bao gồm: trinh sát điện tử, bảo vệ hệ thống điện tử và chế áp hệ thống điện tử. Trinh sát điện tử có thể hiểu đơn giản là dùng các phương tiện điện tử trên mặt đất, mặt nước và trên không để trinh sát quân sự. Bảo vệ hệ thống điện tử là bảo vệ cho các phương tiện điện tử của ta làm việc an toàn, ổn định, trước sự gây nhiễu và đánh phá của kẻ thù. Chế áp điện tử là toàn bộ các hoạt động làm tê liệt hoặc hạn chế hiệu quả sử dụng các phương tiện điện tử của đối phương. Chế áp điện tử có 2 hình thức tiến hành đó là chế áp cứng và chế áp mềm.
Chế áp cứng là phá huỷ một phần hoặc hoàn toàn phương tiện điện tử bằng hỏa lực, bằng xung lực hoặc các năng lượng khác. Trong khi đó, chế áp mềm là dùng nhiễu vô tuyến điện tử tác động lên các phương tiện vô tuyến điện tử trinh sát, các hệ thống thông tin liên lạc và điều khiển nhằm thay đổi chất lượng thông tin của đối phương.
Có thể khẳng định rằng, tác chiến điện tử trong chiến tranh hiện đại thực sự là một bài toán không hề dễ dàng đối với Việt Nam chúng ta. Lực lượng tác chiến điện tử của chúng ta chưa đủ sức để có thể phản công điện tử bằng hình thức chế áp cứng khi mà đối phương của chúng ta đang sở hữu những phương tiện tác chiến điện tử vô cùng hiện đại. Hơn nữa, với tiềm lực kinh tế như hiện tại, Việt Nam không có đủ khả năng để “tậu” về những phương tiện chiến tranh điện tử có công nghệ cao và giá thành đắt đỏ như vậy.
Moskva-1
Tuy nhiên, chúng ta lại hoàn toàn có khả năng trinh sát điện tử, bảo vệ hệ thống điện tử và chế áp mềm điện tử đối phương dựa trên những khí tài tác chiến điện tử mà Liên Xô/Nga cũng như những kinh nghiệm mà quân đội ta tích lũy được từ các cuộc chiến tranh giữ nước.
Ngày nay, tác chiến điện tử đang diễn ra với mức độ cao hơn, tinh vi hơn và cũng đa dạng hơn rất nhiều. Hiểu rõ được vị trí cũng như vai trò của tác chiến điện tử, quân đội ta đang đẩy mạnh hiện đại hóa lực lượng tác chiến điện tử thông qua việc mua sắm thêm các phương tiện chiến tranh điện tử hiện đại từ nước ngoài, đặc biệt là Nga – nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Việt Nam.
Cả ba ứng viên sáng giá Krasuha-2, Moskva-1 và Rtut-BM mà Việt Nam đang quan tâm đều là những phương tiện tác chiến điện tử hiện đại, chúng có thể thực hiện một trong các nhiệm vụ trinh sát điện tử, bảo vệ điện tử, chế áp mềm vô tuyến điện tử hoặc có thể thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ khác nhau cho nên, như đã phân tích ở trên, các tổ hợp tác chiến điện tử này rất phù hợp với lực lượng tác chiến điện tử của Việt Nam.
Rtut-BM
Moskva-1 có thể hoạt động ở chế độ radar thụ động, phát hiện các phương tiện bay bằng cách dò theo bức xạ. Ngoài ra, 1L266E có thể gây nhiễu đối với các loại radar hiện đại hiện đang lắp trên các máy bay của đối phương, kể cả máy bay không người lái. Đài radar thụ động này vừa có khả năng trinh sát, chế áp mềm vô tuyến điện tử một cách hiệu quả lại vừa phát hiện chính xác mục tiêu ở cự ly lên tới 400 km để tiêu diệt bằng các loại tên lửa phòng không.
Trong khi đó, các tổ hợp chế áp điện tử và trinh sát điện tử Krasuha-2 lại có khả năng bảo vệ một cách có hiệu quả các đơn vị và các mục tiêu cố định chống lại các loại vũ khí chính xác cao cũng như các hệ thống chỉ thị và phát hiện mục tiêu của đối phương. Ngoài ra, Krasuha-2 còn có khả năng chế áp các đài radar quan sát trên không giống như hệ thống radar đặt trên máy bay chỉ huy – cảnh báo sớm của đối phương. Với Krasuha-2, hệ thống điện tử trên các phương tiện chiến đấu của đối phương trong vòng bán kính lên tới 300 km đều có thể dễ dàng bị vô hiệu hóa.
Để bảo vệ nguồn nhân lực và trang thiết bị quân sự tránh bị phát hiện và tấn công bởi các loại tên lửa đường đạn và pháo phản lực thì Rtut-BM lại tỏ ra là thứ vũ khí phi tiếp xúc hiệu quả nhất. 1L262E có khả năng gây nổ bom đạn ở độ cao an toàn hoặc thay đổi chế độ làm việc ngòi nổ vô tuyến của các loại bom đạn, tên lửa khi chúng tiếp cận mục tiêu.
Krasuha-2.
Nếu sở hữu những tổ hợp chiến tranh điện tử có tính năng ưu việt như vậy, quân đội ta ta sẽ có đủ khả năng để đối phó với những loại vũ khí công nghệ cao cũng như bất kỳ các hình thức tác chiến điện tử hiện đại nào của đối phương.
Một lý do nữa khiến các tổ hợp tác chiến điện tử này trở thành sự lựa chọn hàng đầu của Việt Nam đó là chúng có khả năng cơ động, độ an toàn và tin cậy cao. Với thiết kế gọn nhẹ dựa trên các khung gầm xe bọc thép với khả năng cơ động cao trên các địa hình khác nhau, các tổ hợp tác chiến điện tử trên rất phù hợp với phương thức tác chiến cơ động, bí mật, bất ngờ của Việt Nam.
Rtut-BM được phát triển trên cơ sở khung gầm MT-LB, loại khung gầm bánh xích có trọng lượng nhẹ (11,9 tấn), kích thước nhỏ gọn, xe có khả năng cơ động cao trên mọi địa hình, bao gồm cả các vùng đầm lầy, băng tuyết và sa mạc. Với trọng tải thông thường lên tới 2 tấn, xe có khả năng vượt chướng ngại sông nước với tốc độ 5–6 km/h. Được trang bị động cơ diesel YaMZ 238, V-8 công suất 240 mã lực cho phép nó đạt tốc độ 61 km/h trên đường tốt, 30 km/h trên đường xấu và tầm hoạt động lên tới 500 km.
Khác với Rtut-BM, Moskva-1 và Krasuha-2 lại được phát triển trên các khung gầm xe bánh hơi. Mặc dù thua kém các xe bánh xích về mức độ bảo vệ tuy nhiên, tuổi thọ động cơ của những xe bọc thép bánh hơi lại cao hơn rất nhiều, có thể gấp 10 lần xe bánh xích.
Kamaz, khung gầm được sử dụng cho đài trinh sát thụ động Moskva-1 đã quá quen thuộc khi mà quân đội ta đang sử dụng rất nhiều các xe tải dựa trên khung gầm này. Các xe Kamaz nổi tiếng thế giới về độ bền, tính năng việt dã, độ tin cậy cao, đơn giản trong bảo dưỡng, cấp độ tiêu chuẩn hóa và có thể lắp lẫn đối với nhiều mẫu xe Kamaz khác nhau.
Khung gầm BAZ-6910
Trong khi đó, Krasuha-2 sử dụng khung gầm vận tải BAZ-6910 (8x8), một biến mới của dòng xe vận tải được dùng làm bệ giá phóng tổ hợp tên lửa phòng không tối tân S-400 Triumf với nhiều tính năng hiện đại. Cabin của BAZ-6910 được trang bị các phương tiện bảo vệ chống phát xạ tần số siêu cao tần. Trên xe có lắp điều hoà không khí Webasto СС4Е có dẫn động điện và lò sưởi không khí độc lập ON-32D-24. BAZ-6910 không chỉ có khả năng chịu tải lớn (tải trọng lên tới 20 tấn), mà còn có khả năng cơ động cực cao. Xe có thể vượt hào rộng 1,5 m, lội sâu 1,4 m, di chuyển với tốc độ 80 km/h trên đường nhựa và tầm hoạt động lên tới 1.000 km.
Hiện nay các tổ hợp tác chiến điện tử Rtut-BM, Moskva-1 và Krasuha-2 đã được đưa vào trang bị trong quân đội Nga với số lượng lớn và đang được KRET xúc tiến xuất khẩu ra nước ngoài tập trung vào các thị trường châu Á, Trung Đông, châu Phi và Mỹ Latin.
Theo một số nguồn tin, chi phí của mỗi tổ hợp tác chiến điện tử Moskva-1 được ước tính trong khoảng từ 9 triệu đến 30 triệu USD tùy thuộc vào cấu hình. Trong khi đó Krasuha-2 cũng chỉ có giá rơi vào khoảng 5 đến 10 triệu USD còn mỗi tổ hợp Rtut-BM có chi phí chỉ trên dưới 2 triệu USD. Với mức giá như vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể “tậu” về những phương tiện chiến tranh điện tử tối tân để góp phần xây dựng lực lượng tác chiến điện tử của quân đội ta chính qui, tinh nhuệ và hiện đại.