Các cơ sở ngoại giao Mỹ được quân đội bảo vệ, sơ tán thế nào?

Nhật Huy |

(Soha.vn) - Trách nhiệm bảo vệ các cơ sở, địa điểm ngoại giao của Mỹ thuộc về một đơn vị chuyên trách do lực lượng thủy quân lục chiến đảm nhiệm.

Rạng sáng thứ Bảy tuần trước, hơn 150 nhân viên của đại sứ quán Mỹ tại Tripoli, Lybia, bao gồm 80 lính thủy quân lục chiến, đã được sơ tán khỏi nước này sang nước láng giềng Tunisia bằng đường bộ do lo ngại sau những cuộc đụng độ đẫm máu giữa các phe phái nổi dậy tại Tripoli. Đây không phải là lần đầu tiên một cơ sở ngoại giao của Mỹ phải được sơ tán do các lo ngại về an ninh.

Kể từ sau vụ lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi bị tấn công làm đại sứ nước này ở Lybia thiệt mạng hồi tháng 9/2012, Mỹ đã tăng cường các biện pháp an ninh cho các cơ sở ngoại giao cũng như các phương án di tản nếu cần thiết. Thông thường, nhiệm vụ bảo vệ cho các quan chức ngoại giao cấp cao Mỹ ở nước ngoài là trách nhiệm của Cục an ninh ngoại giao, thuộc Bộ ngoại giao Mỹ. Đơn vị này có khoảng 1.500 thành viên, nhiều người trong số đó từng phục vụ trong quân đội. 2 trong số 4 người thiệt mạng trong vụ Benghazi là thành viên của đơn vị này, và cả 2 đều từng là lình đặc nhiệm SEAL.

Trong khi đó, trách nhiệm bảo vệ các cơ sở, địa điểm ngoại giao của Mỹ thuộc về một đơn vị chuyên trách do lực lượng thủy quân lục chiến đảm nhiệm. Nhiệm vụ của đơn vị này trước tiên là đảm bảo an toàn cho các thông tin, tài liệu mật bên trong các cơ sở ngoại giao. Sau đó mới là đến nhiệm vụ bảo vệ con người và tài sản khác. Trong trường hợp cơ sở ngoại giao bị tấn công, lính thủy quân lục chiến sẽ giữ chân những kẻ tấn công đủ lâu để các nhân viên ngoại giao có đủ thời gian tiêu hủy tài liệu. Trong số 285 cơ sở ngoại giao của Mỹ ở các nước, có khoảng hơn 150 cơ sở là có thủy quân lục chiến triển khai.

Đơn vị đặc trách bảo vệ cơ sở ngoại giao hiện có khoảng 1200 thành viên

Sau vụ Benghazi, quân số của đơn vị chuyên trách này được tăng lên gấp đôi, từ 1.200 lên 2.200. Ngoài ra, thủy quân lục chiến Mỹ còn triển khai thêm một số đội phản ứng nhanh ở những khu vực có nguy cơ an ninh cao. Một trong số những đơn vị phản ứng nhanh này đã được triển khai tại sứ quán ở Kiev hồi cuối tháng 2 vừa qua, sau khi Tổng thống Yanukovich bị lật đổ.

Tuy nhiên, trong trường hợp một cơ sở ngoại giao bị tấn công quy mô lớn, lực lượng bảo vệ tại chỗ chỉ có thể kìm chân đối phương trong một thời gian nhất định. Vì vậy phương án tốt nhất vẫn là sơ tán khi có nguy cơ xảy ra một tấn công, như trong trường hợp của sứ quán Mỹ ở Tripoli hôm thứ Bảy tuần trước.

Thường thì trực thăng sẽ được sử dụng làm phương tiện sơ tán nhờ sự cơ động của nó. Thủy quân lục chiến Mỹ thường xuyên duy trì một phi đội máy bay MV-22 Osprey tại căn cứ Sigonella trên đảo Sicily, cách Tripoli khoảng 515km. So với trực thăng truyền thống, V-22 có lợi thế về tốc độ, rất thích hợp cho những tình huống khẩn cấp. Với cùng khoảng cách trên, nếu như V-22 mất khoảng 1 tiếng 20 phút để bay từ Sigonella đến Tripoli thì một trực thăng như CH-47 Chinook có thể phải mất hơn 2 tiếng.

MV-22 và KC-130J

Cùng triển khai với MV-22 là 3 máy bay tiếp nhiên liệu trên không KC-130J Super Hercules. Mỗi chiếc KC-130J có thể chở theo 40 tấn nhiên liệu. Thậm chí nếu cần, KC-130J cũng có thể đảm trách thêm nhiệm vụ cảnh giới, hỗ trợ hỏa lực nếu được trang bị bộ thiết bị Harvest Hawk, gồm 1 cảm biến quang điện tử, 4 tên lửa Hellfire II và 10 tên lửa .

Tên lửa Hellfire II trên KC-130J

Khi sơ tán đại sứ quán tại Tripoli, người Mỹ sử dụng phương án ít ồn ào hơn là di chuyển bằng đường bộ. Tuy vậy vẫn có MV-22 chở theo thủy quân lục chiến bay bên trên để hỗ trợ khi cần. MV-22 được trang bị súng máy M240 hay M2 đặt ở đuôi máy bay và do xạ thủ điều khiển, hoặc từ súng máy đa nòng điều khiển từ xa đặt ở bụng máy bay. Song chúng chỉ đóng vai trò phòng vệ cho máy bay khi bị tấn công. Hỗ trợ hỏa lực chính sẽ đến từ các phương tiện khác như AC-130 hay như trong trường hợp tại Lybia là những chiếc F-16 cất cánh từ sân bay Aviono, Ý.

Tháp súng điều khiển từ xa của MV-22
AC-130

Trong chiến dịch lần này tại Lybia, Mỹ có thể tận dụng những căn cứ quân sự quanh khu vực Địa Trung Hải. Trong những trường hợp không có những căn cứ như vậy, họ có thể sử dụng những tàu hỗ trợ đổ bộ như những căn cứ nổi cho lực lượng thủy quân lục chiến. Những chiếc MV-22 có thể xuất phát từ đây cùng với trực thăng vũ trang AH-1Z Cobra hay chiến đấu cơ lên thẳng AV-8B Harrier cho vai trò hỗ trợ hỏa lực.

Tàu hỗ trợ đổ bộ USS Bataan

MV-22 và AV-8B triển khai từ tàu hỗ trợ đổ bộ

 

MV-22 Osprey được tiếp dầu trên không

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại