Chương trình Ratnik tạo tiếng vang lớn
Một trong những ví dụ điển hình của xu hướng nói trên là chương trình Ratnik, hay còn gọi là “Chiến binh tương lai” của Nga.
Tổ hợp trang thiết bị chiến đấu cá nhân Ratnik do Công ty Kirasa phát triển theo đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng Nga từ năm 2011.
Các binh sĩ trong trang phục Ratnik của Nga. Ảnh: rostec.ru
Hệ thống Ratnik được thiết kế phù hợp với các tính chất đặc biệt của thời tiết và nhiều yếu tố khác, bao gồm khoảng 50 trang thiết bị như vũ khí, thiết bị quan sát ngày và ban đêm, giáp bảo vệ, hệ thống thông tin liên lạc, định vị, dẫn đường, cấp cứu và ngắm bắn mục tiêu.
Nhiều “phụ tùng” như vậy nhưng khi cần, các binh sĩ có thể lắp ráp Ratnik chỉ... “trong nháy mắt”.
Đặc biệt, theo ông Oleg Martianov, thành viên Ủy ban Công nghiệp Quốc phòng Liên bang Nga, bên cạnh thiết kế ưu việt cho hoạt động chiến đấu, trang phục Ratnik còn nổi bật nhờ khả năng bảo vệ tối đa các binh sĩ mỗi khi lâm trận.
Được biết, Ratnik có thể bảo vệ đến 90% bề mặt cơ thể và có khả năng bảo vệ cao hơn 70% so với các loại áo giáp thế hệ trước.
Trang phục này không chỉ bảo đảm an toàn cho người mặc khi gặp phải những ngọn lửa trực tiếp hoặc những mảnh đạn nhỏ, mà còn biến họ thành những “chiến binh vô hình” trước tia hồng ngoại từ ống ngắm ban đêm của đối phương.
Trên mũ của trang phục Ratnik còn được gắn camera, với chức năng ghi lại toàn bộ diễn biến trận đánh cùng một màn hình nhỏ kết nối với thước ngắm của vũ khí, để giúp các binh sĩ ngắm bắn chuẩn xác hơn.
Ngoài ra, Ratnik cũng có khả năng điều chỉnh để phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau như: Lính bộ binh thông thường, lính chống tăng, xạ thủ súng máy, lái xe và trinh sát…
Về vũ khí, súng AK-12 được coi là lựa chọn hàng đầu để đi kèm với trang phục “Chiến binh tương lai Ratnik”. Tuy nhiên, hiện các chuyên gia của Nga vẫn đang cân nhắc về vấn đề này.
Sau quá trình thử nghiệm, tháng 1 vừa qua, một số bộ Ratnik đầu tiên đã được chuyển giao và đưa vào biên chế của quân đội Nga. Phiên bản Ratnik chính thức dự kiến cũng sẽ được thông qua trong năm nay.
Tại Triển lãm Công nghiệp Quốc phòng IDEX-2015 diễn ra ở Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) vừa qua, Nga đã giới thiệu phiên bản dành cho xuất khẩu của tổ hợp trang thiết bị Ratnik.
Theo ông Sergei Chemezov, người đứng đầu Tập đoàn Quốc phòng Rostec của Nga, trong lần ra mắt vừa qua, Ratnik đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ nhiều đối tác của Nga.
Trào lưu mới
Không chỉ riêng quân đội Nga mà quân đội nhiều nước khác, đặc biệt là các quốc gia có tiềm lực quân sự mạnh, cũng đang tích cực nghiên cứu và phát triển trang phục chiến đấu hiện đại cho các binh sĩ.
Pháp là một trong số những quốc gia đã triển khai thành công Felin, hệ thống trang bị toàn diện dùng cho lực lượng bộ binh.
Trang phục Felin đã bắt đầu được cấp phát cho quân đội Pháp kể từ năm 2010 và đến nay, nếu xét về tính ưu việt, Felin vẫn được coi là đối thủ xứng tầm của hệ thống Ratnik mà Nga đang phát triển.
Thậm chí, số lượng trang thiết bị được tích hợp trong hệ thống Felin còn vượt trội so với Ratnik, với khoảng 150 thành phần khác nhau. Chỉ riêng chiếc mũ bảo vệ đã có tới 13 thiết bị đi kèm như kính nhìn đêm, tấm che mặt, camera…
Một trong những điểm nổi bật của Felin là thiết bị quang học gắn trên súng trường Famas, giúp các binh sĩ phát hiện mục tiêu dễ dàng trong mọi điều kiện thời tiết.
Khi chiến đấu, người mặc Felin cũng có thể xác định mục tiêu ngay từ vị trí ẩn nấp của mình nhờ một máy tính cá nhân đi kèm hoặc màn hình gắn trên mũ bảo vệ.
Quân đội Đức cũng có hệ thống trang thiết bị cá nhân dành cho các binh sĩ với tên gọi Gladius.
Theo trang spacewar.com, hệ thống Gladius gồm nhiều thiết bị, từ thiết bị điện tử tới bảo vệ thân thể. Đây được coi là thiết kế mang tính tổng thể để đáp ứng những yêu cầu của chiến tranh hiện đại.
Điểm mạnh của Gladius là khả năng tăng cường kết nối giữa các binh sĩ hoặc nhóm binh sĩ với nhau trên chiến trường.
Nhờ hệ thống điện tử tối tân kết nối với vệ tinh, các binh sĩ riêng lẻ sẽ liên tục được cập nhật các thông số về chiến thuật, bao gồm vị trí của đồng đội, tình trạng thực hiện nhiệm vụ, qua đó giúp họ trao đổi thông tin nhanh chóng và phối hợp hiệu quả hơn trong quá trình tác chiến.
Trang phục Gladius cũng bảo đảm cho người lính sống sót trong chiến tranh sinh hóa.
Tương tự, một số quốc gia khác cũng đã và đang nghiên cứu các trang phục “số hóa” cho các binh sĩ của mình như: Chương trình Fist của Anh, Comfut của Tây Ban Nha, Imess của Thụy Điển…
Riêng quân đội Mỹ đã dày công phát triển hệ thống trang thiết bị chiến đấu cá nhân Land Warrior, song chương trình này đã gặp phải không ít trục trặc.
Điểm chung của các chương trình nói trên là nhằm xây dựng các đội quân thiện chiến hơn trong tương lai.
Bằng cách nâng cao khả năng chiến đấu của mỗi binh sĩ, sức mạnh tổng thể của quân đội các nước cũng được nhân lên và giúp họ có nhiều lợi thế hơn trên chiến trường.
Hơn nữa, với sự trợ giúp của các trang thiết bị hiện đại, các binh sĩ chắc chắn sẽ cảm thấy tự tin hơn trong quá trình chiến đấu.
Bởi vậy, các chương trình như: Ratnik, Fist, Comfut, Imess… trên thực tế còn có tác dụng lớn trong việc thúc đẩy tinh thần của mỗi binh sĩ.