* Tiêm kích hạm J-15 Trung Quốc có biệt danh Flying Shark (Cá mập bay) và F/A-18 E/F đặt biệt danh Super Hornet (Siêu ong bắp cày).
Trong số ra mới nhất, Tạp chí Khán Hòa đã đưa ra giả định về một cuộc xung đột trên biển giữa Mỹ và Trung Quốc vào năm 2018. Trong đó, cuộc đấu giữa 2 loại máy bay tiêm kích hạm chủ lực F/A-18 E/F (Mỹ) và J-15 (Trung Quốc) sẽ là yếu tố quyết định thắng bại.
Bài viết xét trên tất cả các góc độ: kết cấu máy bay; tầm bay; thiết bị dẫn đường và điện tử; trang bị vũ khí. Qua đó rút ra kết luận: F/A-18 E/F của Mỹ có nhiều ưu điểm nổi trội hơn so với J-15 .
Tuy máy bay F-35C của Mỹ đã bắt đầu huấn luyện trên tàu sân bay từ đầu năm nay và có kế hoạch trang bị chính thức trên tàu sân bay vào năm 2014 nhưng chủ yếu là để thay thế cho F/A-18 A/B, còn F/A-18 E/F sẽ phục vụ ít nhất đến năm 2020 mới có thể thay thế.
Vì vậy, Khán Hòa đặt ra cuộc đấu vào năm 2018 để J-15 chọn đối thủ là F/A-18 E/F cho “công bằng”. Vì dĩ nhiên nếu cuộc đấu diễn ra muộn hơn, tàu sân bay Mỹ sử dụng F-35C, J-15 sẽ không xứng tầm để so với nó.
Thiết kế và cơ động: J-15 vượt hơn
Về thiết kế, F/A-18 E/F được định hướng là máy bay cường kích nên về tính cơ động nó không thể sánh bằng loại máy bay chuyên dụng tiêm kích như J-15 được.
Nhưng xét về tính năng tiêm kích hạm, khả năng tiến công của F/A-18 E/F với hệ thống vũ khí đa dạng lại hơn rất nhiều so với J-15.
Bài viết phân tích, xét về lựa chọn ban đầu của Nga là tiêm kích Su-33 và F/A-18 E/F, đều cho thấy cả 2 đều hướng tới một thiết kế máy bay tiêm kích hạm cỡ lớn để mang được nhiều nhiên liệu, tăng bán kính tác chiến và tải trọng vũ khí, J-15 cũng không nằm ngoài quy luật ấy.
Về phương diện động cơ, J-15 sử dụng động cơ AL-31F với lực đẩy 12.500kg, còn F/A-18 E/F sử dụng động cơ F414 với lực đẩy thấp hơn là 10.025kg. Điều này rõ ràng là làm tốc độ và khả năng cơ động của F/A-18 E/F không bằng J-15 như đã kể trên.
Đánh giá khách quan, về lí thuyết thì J-15 nhỉnh hơn F/A-18 E/F trong các tham số: kích thước, tốc độ leo cao và trần bay, bán kính tác chiến và tính cơ động.
Xét về lí thuyết, trong không chiến 1 chọi 1 với điều kiện trình độ phi công như nhau, F/A-18 E/F không chắc đã thắng được J-15.
Tuy nhiên với điểm yếu là cất cánh theo dạng bật lướt, J-15 phải giảm tải trọng, lượng nhiên liệu và vũ khí mang theo thấp hơn nhiều so với thiết kế tối ưu làm khả năng chiến đấu thực tế của nó không cao như tưởng định.
Hệ thống điện tử: F/A-18E/F vượt lên
So sánh các hệ thống hệ thống dẫn đường, radar và hệ thống điện tử, rõ ràng là F/A-18 E/F hơn rất nhiều so với J-15 được chế tạo theo nguyên mẫu Su-33 sản xuất từ những năm 1980. Hơn nữa nó còn có kinh nghiệm thực chiến rất phong phú.
Biến thể cải tiến của F/A-18 E/F mạnh hơn nguyên mẫu của nó gấp bội. Khi mới sản xuất, F/A-18 E/F sử dụng radar APG-73 sau đó sử dụng APG-79, giai đoạn sau còn áp dụng thiết kế khoang vũ khí nằm trong thân nên nâng cao rất nhiều khả năng tàng hình.
Trong không chiến hiện đại, các radar mảng pha tiên tiến phối hợp với các tên lửa đối không tầm trung AIM-120C và tên lửa đối không tầm gần AIM-9X của F/A-18 E/F sẽ phát hiện và khai hỏa trước J-15, chiếm thế chủ động trong tấn công trên không.
Trong khi đó, J-15 trung thành với thiết kế kiểu Su-33, sử dụng hệ thống quan sát hồng ngoại phía trước IRST.
Hiện Trung Quốc đang nghiên cứu chế tạo radar AESA nhưng khoảng cách giữa nghiên cứu chế tạo và sản xuất hàng loạt rất lớn, hiện loại radar AESA mà J-15 đang sử dụng có tính năng rất thấp.
Ở đây còn phải xét đến yếu tố đối kháng hệ thống trong cuộc đấu giữa các hàng không mẫu hạm. Ví dụ như máy bay cảnh báo sớm hiện đại, nhất là các loại có tầm hoạt động rất xa tàu mẹ thì Liêu Ninh của Trung Quốc còn quá lạc hậu so với các tàu sân bay Mỹ.
Các máy bay cảnh báo hiện đại có thể phát hiện máy bay của đối phương từ rất xa giúp F/A-18 E/F nắm được nhiều tham số có tính chất quyết định trong không chiến như: số lượng máy bay, phân tốp, hướng di chuyển, bố trí đội hình… máy bay đối thủ để chủ động chiến thuật đối phó.
Những ưu điểm về lĩnh vực này đã đủ bù đắp cho khiếm khuyết về tính năng cơ động của F/A-18 E/F.
Vũ khí: F/A-18E/F bỏ xa J-15
Về hệ thống vũ khí thì F/A-18 E/F trội hơn hẳn so với J-15, hơn nữa lại đã được khảo nghiệm qua các cuộc chiến tranh Apghanistan, Iraq, Lybia…
F/A-18 E/F mang theo các loại vũ khí như: Tên lửa chống radar AGM-88; tên lửa tấn công ngoài khu vực phòng không AGM-154 có tầm bắn 130km; tên lửa không đối đất SLAM-ER có tầm bắn 250km; tên lửa không đối đất dẫn đường bằng ảnh nhiệt hồng ngoại AGM-65 có tầm bắn 22km; tên lửa chống tàu AGM-84 (trong đó, AGM-84F có tầm bắn tới 315km, AGM-84D tầm bắn 220km).
Tên lửa không đối không của F/A-18 E/F gồm: 4 quả tên lửa không đối không tầm gần AIM-9X; 4 quả tên lửa không đối không tầm trung AIM-120C.
Bom có điều khiển mà F/A-18 E/F mang theo thuộc loại bom dẫn đường bằng vệ tinh JDAM với nhiều dạng đầu nổ khác nhau. Ngoài ra, khi cần thay đổi tính chất nhiệm vụ F/A-18 E/F có thể tương thích sử dụng tất cả các loại vũ khí sử dụng trên không mà Mỹ hiện có.
Trong khi đó, J-15 vẫn đang trong giai đoạn bay thử, hệ thống vũ khí chưa định hình nhưng xét tất cả các loại vũ khí tiên tiến nhất của Trung Quốc hiện nay như: tên lửa không đối không SD-10, PL-12; tên lửa hành trình đối đất và chống hạm dùng cho máy bay chiến thuật YJ-82; tên lửa tấn công ngoài khu vực phòng không KD-88…, tất cả đều thua kém toàn diện so với vũ khí Mỹ, đặc biệt là tầm bắn và khả năng tấn công chính xác.
Nếu J-15 sử dụng tất cả vũ khí tấn công trên không của Nga mà họ có như Kh-31, Kh-58, Kh-59, R-73, R-77, bom điều khiển vệ tinh KAB-500… thì “miễn cưỡng” mới có thể so sánh được với F/A-18 E/F.