Vượt mặt Mỹ
Số liệu Viện nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm vừa công bố cho thấy, xuất khẩu vũ khí của Nga trong năm 2013 lần đầu tiên đã vượt Mỹ với doanh thu nhiều hơn 2 tỷ USD nhờ tăng trưởng mạnh mẽ 35%.
Tờ International Business Times ngay lập tức đặt câu hỏi rằng: liệu Mỹ đã đánh mất các thị trường vũ khí quốc tế và Nga sắp soán toàn diện ngôi vị số một của Mỹ - với mức xuất khẩu bình quân lên tới 7 tỷ USD/năm.
Chưa có dự báo nào về vị thế của Mỹ ở các thị trường vũ khí quốc tế trong thời gian tới bởi Mỹ vẫn đang áp đảo về số lượng doanh nghiệp vũ khí trong tốp 100 công ty lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, nhiều số liệu và phân tích cho thấy, giá cả thấp, chỉ bằng khoảng 30 - 40% so với các sản phẩm gần tương đương của Mỹ và chất lượng đang ngày được cải thiện của vũ khí Nga đang cạnh tranh gay gắt với Mỹ.
Điều đáng nói là Nga dưới thời Tổng thống Putin đang tập trung vào hai con bài chiến lược là năng lượng và vũ khí quân sự. Hồi tháng 7/2014, Tổng thống Putin đánh giá cao những tiến bộ trong hoạt động thương mại xuất khẩu vũ khí của nước này và cho rằng Nga sẽ đảm bảo sự phát triển của hệ thống hợp tác quân sự nhằm tăng cường sự hiện diện của đất nước này trong thị trường vũ khí toàn cầu.
Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin đã trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới.
Theo công bố của Nga, trong nửa đầu năm 2014, nước này xuất khẩu vũ khí đạt trị giá 5,6 tỷ USD, một con số được Tổng thống Vladimir Putin coi là rất ấn tượng. Giá trị các đơn đặt hàng cũng đã tăng vọt từ mức 35 tỷ USD hồi đầu năm lên gần 50 tỷ USD hồi đầu tháng 7.
Trong kế hoạch, Nga dự kiến sẽ tăng doanh số vũ khí lên 50 tỷ USD vào năm 2020, đảm bảo giành vị trí đứng đầu các nước xuất khẩu vũ khí trên thế giới thế giới. Đặc biệt, ông Putin cho rằng Nga nên duy trì vị trí thống trị trong việc cung cấp tàu hải quân trên thế giới với dự báo cho rằng các nước sẽ bơm khoảng 100 tỷ USD để trang bị đội tàu trong vài năm tới.
Trong khoảng 5 năm vừa qua, Nga đã trở thành nước dẫn dầu trong xuất khẩu tàu và tàu ngầm và chiếm 27% thị phần thế giới trong lĩnh vực này.
Rất nhiều mặt hàng vũ khí của Nga có doanh thu tăng vượt bậc 40 - 60% trong vài năm gần đây, tập trung vào các mặt hàng như súng, tên lửa và các loại máy bay chiến đấu như: hệ thống tên lửa Buk M1-2, các loại máy bay chiến đấu Su-30, MiG-29, Mi-35...
Đây là các mặt hàng có thể góp phần giúp Nga dưới thời Putin xác lập ngội vị số một trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu vũ khí.
Chiến lược lợi đôi đường
Không hề giấu giếm, Tổng thống Putin trong gần 15 năm cầm quyền vừa qua đã cho thấy rõ các quân bài chiến lược để giúp Nga nổi lên trở lại là một cường. Trong đó không thể bỏ quan năng lượng và xuất khẩu vũ khí quân sự.
Rất nhiều mặt hàng vũ khí của Nga có doanh thu tăng vượt bậc 40 - 60% trong vài năm gần đây.
Quân bài khí đốt đã được ông Putin áp dụng nhiều lần với Ukraine. Nó cũng là quân bài để đe dọa một Liên minh châu Âu đang theo Mỹ để áp hàng loạt các lệnh trừng phạt lên Nga.
Tuy nhiên, vũ khí có lẽ mới là quân bài hiểm của Nga trong bối cảnh rất nhiều nước ở châu Phi, châu Á và Trung Đông đang chạy đua vũ trang, tăng cường chi tiêu lớn cho vũ khí, khí tài. Với quân bài này, Nga dùng một mũi tên trúng nhiều đích.
Trong bối cảnh trật tự thế giới có dấu hiệu thay đổi, căng thẳng leo thang ở nhiều nơi, Nga đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu và sản xuất vũ khí hiện đại để nâng cao năng lực quốc phòng của mình cũng như xuất khẩu để thu ngoại tệ.
Với những nỗ lực đầu tư không ngừng nghỉ vào sản xuất và xuất khẩu vũ khí, Nga đã lần đầu tiên vượt Mỹ về xuất khẩu trong lĩnh vực này. Trong thời gian tới, vị trí của Mỹ có thể tiếp tục bị đe dọa bởi châu Phi, châu Á và Trung Đông là các thị trường trọng điểm của nước Nga, nhất là trong bối cảnh Mỹ và châu Âu đang thực thi các biện pháp trừng phạt Nga lên một số lĩnh vực như quốc phòng, năng lượng và tài chính.
Trong khi đó, vị trí ông trùm xuất khẩu vũ khí của Mỹ còn bị đe dọa bởi ngân sách quốc phòng của các nước trong khu vực Tây Âu, trung Âu và bắc Mỹ, bao gồm cả Mỹ đang giảm đi trông thấy.
Một điểm đang khiến cho vũ khí Nga hấp dẫn nhiều nước như Trung Quốc, Ấn Độ... là chất lượng vũ khí của Nga đang được nâng nhưng giá thành lại khá thấp, chỉ bằng 30-40% so với hàng gần tương đương của Mỹ.
Ngay cả EU vốn là đồng minh của Mỹ, giao thương vũ khí với Nga cũng khá sôi động. Động thái Pháp cố bán cho Nga hai chiếc tàu sân bay trực thăng ngay thời điểm EU đang thảo luận các biện pháp trừng phạt lên Nga vừa qua cho thấy nhiều nước vẫn muốn hợp tác với Kremlin về phương diện này. Ước tính mỗi năm EU xuất khẩu 300 triệu euro vũ khí sang Nga và ở chiều ngược lại, nhập khoảng 3,2 tỷ euro vũ khí từ Nga.
Với Trung Quốc, vũ khí của Nga, nhất là các máy bay chiến đấu đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của nước này. Và Trung Quốc có thể sẽ trở thành một bạn hàng lớn của Nga trong nhiều năm tới.