Reuters cho biết, 2 nghị sĩ Quốc hội Mỹ đã gây áp lực lên Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel để ép không quân Mỹ phải mua 3 chiếc máy bay trinh sát không người lái Global Hawk của Công ty Northrop Grumman. Trước đây, do kế hoạch cắt giảm ngân sách quốc phòng, không quân Hoa Kỳ đã định hủy bỏ hợp đồng này.
2 chính khách đã gây sức ép lên kế hoạch này là nghị sĩ Đảng Cộng Hòa, Chủ tịch Ủy ban Quân sự Hạ viện Buck McKeon và nghị sĩ Đảng Dân Chủ Jim Moran đến từ Bang Virginia - nơi đặt trụ sở của Northrop Grumman.
2 nghị sĩ này đã gửi một bức thư cho Bộ trưởng Chuck Hagel với những ngôn từ rất cứng rắn, chỉ trích hành động không mua Global Hawk của không quân Mỹ là chống đối mệnh lệnh của Quốc hội.
Reuters đã có được một bản sao của lá thư này với thời gian gửi là 13/05/2013. Trước đó, không quân Mỹ đã từng tuyên bố, xem xét hiện trạng phân bổ ngân sách quốc phòng năm 2013, họ quyết định tạm dừng kế hoạch mua Global Hawk, chuyển sang mua máy bay trinh sát U-2 vì giá cả hợp lý hơn.
Dĩ nhiên là Quốc hội Mỹ đã bác bỏ đề nghị của không quân Mỹ và cam kết sẽ tiếp tục giải ngân để tiếp tục hoàn tất kế hoạch mua tổng cộng 30 chiếc Global Hawk, đồng thời yêu cầu không quân phải mua nốt 3 chiếc cuối cùng trong tổng số 30 chiếc.
McKeon và Moran cùng biểu thị: “Quốc hội Mỹ đã bác bỏ đề nghị tạm dừng và bảo lưu kế hoạch vì nhận thấy có những tình tiết khả nghi”. Đồng thời 2 viên nghị sĩ này cũng nhận xét, không quân Mỹ đã “ngang nhiên coi thường” yêu cầu của Quốc hội vì định lợi dụng các khoản đầu tư trước kia.
Trước đó vào ngày 09/05, không quân Mỹ cũng bày tỏ nguyện vọng muốn đàm phán với quốc hội về vấn đề này. Nhưng McKeon và Moran đã bày tỏ lập trường rất cứng rắn trong bức thư gửi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Chuck Hagel: “Chúng tôi đề nghị ông phủ quyết những kế hoạch của họ (chỉ không quân), đồng thời bảo đảm tất cả những hành động của họ đều phải tuân thủ luật pháp”.
Một số chuyên gia quân sự cho rằng, vấn đề hủy bỏ hợp đồng mua bán vũ khí là bình thường nếu đàm phán được và bảo đảm quyền lợi của cả 2 bên. Việc không quân Mỹ không mua Global Hawk nữa mà chuyển sang mua U-2 vì giá rẻ hơn xuất phát từ lí do chính đáng là họ cần tiết kiệm mua sắm theo Kế hoạch cắt giảm chi tiêu quân sự của chính phủ Mỹ.
Việc này lẽ ra không có gì ầm ĩ nhưng nó động chạm đến quyền lợi của nhóm tài phiệt có liên quan đến Northrop Grumman. Các ông trùm tư bản này hoặc trực tiếp là nghị sĩ hoặc hậu thuẫn cho các nghị sĩ quốc hội Mỹ. 3 chiếc Global Hawk có giá rẻ nhất cũng phải tầm 1 tỷ USD, việc hủy bỏ hợp đồng sẽ gây thiệt hại cho các công ty sản xuất vũ khí, nên đã có những sức ép ngấm ngầm nhưng cực lớn từ những “Bàn tay đen”.
Đây cũng không phải lần đầu người ta chứng kiến những sự việc như thế này, cuối tháng 4 vừa qua, Lục quân Mỹ cũng bị Quốc hội ép mua khoảng gần 300 xe tăng Abrams mới trong khi họ đang có 2.400 chiếc Abrams (được coi là thừa) và không có nhu cầu mua thêm nữa.
Việc ngừng sản xuất xe tăng sẽ tiết kiệm được 600-800 triệu USD và tiết kiệm thêm khoảng 3 triệu USD nhờ không phải chi tiền duy trì hoạt động nhà máy. Thậm chí, tư lệnh Lục quân Mỹ, Tướng Ray Odierno bất mãn tuyên bố: “Nếu được lựa chọn, chúng tôi sẽ chi khoản tiền này cho các dự án khác”.
Bất chấp ý kiếm tham mưu về chuyên môn của quân đội, Quốc hội Mỹ khăng khăng giữ ý kiến là vẫn cần tiếp tục mua xe tăng Abrams. Lý do được nêu ra là nhằm duy trì sản xuất loại xe tăng này cũng như việc làm cho công nhân của các các nhà máy đặt tại Lima, bang Ohio trực thuộc Công ty General Dynamics.
Vấn đề này còn được thể hiện rất rõ trong dự án phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35. Đằng sau vấn đề động cơ F-135 trên máy bay này là cuộc đấu đá lợi ích kinh tế kịch liệt giữa 2 công ty hàng đầu của Mỹ là Pratt & Whitney và General Electric và những thế lực ngầm trong nghị viện Mỹ.
Là một trong những động cơ máy bay có lực đẩy lớn hàng đầu thế giới hiện nay, nhưng mức độ hao tổn của loại động cơ này cũng vô cùng nghiêm trọng. Là công ty chịu trách nhiệm phát triển F-135 suốt từ năm 2007-2009, Pratt & Whitney luôn gặp rắc rối với vấn đề động cơ quá nóng, cho đến bây giờ họ vẫn chưa có biện pháp giải quyết triệt để.
Một số chuyên gia công nghệ đã đề nghị, ứng dụng một số kỹ thuật tiên tiến của động cơ thế hệ thứ 6 “Advent” do công ty General Electric chịu trách nhiệm thiết kế vào chương trình phát triển động cơ F-135, thậm chí là yêu cầu thay đổi thiết kế thân máy bay F-35 để thích ứng với loại động cơ thế hệ thứ 6.
Thế nhưng đem công nghệ của động cơ thế hệ thứ 6 của General Electric ứng dụng vào F-135 của Pratt & Whitney lại là vấn đề vô cùng nhạy cảm, miếng bánh đã có chủ chẳng kẻ nào chịu chia cho người khác, đây là sự cạnh tranh lợi ích giữa các tập đoàn kinh tế khổng lồ của Mỹ, mà các ông chủ của nó là những chính khách hoặc các nhà tài trợ chủ chốt cho các đảng phái.
Trong nội bộ nước Mỹ, không ít quan chức và chuyên gia đã nhận thức được những tồn tại không thể khắc phục của động cơ F-135, nhưng các quan chức cao cấp của Chính phủ và quân đội không ai dám lên tiếng chỉ trích và đòi thay đổi vì sợ gặp phải những cú “phản đòn” ghê gớm từ các thế lực chính trị ngầm trong Nghị viện.
Nghị viện, Chính phủ và các quan chức quốc phòng Mỹ rất bối rối, vì sợ những ảnh hưởng nghiêm trọng về chính trị và kinh tế có thể gây ra bởi những vấn đề đơn thuần mang tính công nghệ. Vì vậy, công nghệ tiên tiến của động cơ thế hệ thứ 6 đã không được áp dụng vào chương trình F-35, để đến nỗi nó luôn gặp những trục trặc không đáng có.
Trên đây mới chỉ là những vụ việc mà người ta đã biết, còn rất nhiều những vấn đề tương tự chưa được phơi bày trước công chúng. Như vậy, có thể nhận ra là bất kể là hoạt động mua sắm, chi tiêu gì của Bộ quốc phòng Mỹ cũng đều có sự can thiệp, thậm chí là quyết định của những thế lực ngầm hậu thuẫn cho các trùm tư bản và các công ty sản xuất vũ khí của Mỹ.