Bộ đội Việt Nam xử lý đạn nguy hiểm như thế nào?

Để xử lý thành công hàng trăm tấn đạn, mìn mỗi năm ngoài chuyên môn vững vàng, sức khỏe dẻo dai, các anh còn có tinh thần “thép”.

Đó là công việc của những người lính thợ xử lý, bảo quản đạn cách ly, Kho K56 (Cục Kỹ thuật Quân khu 1) thường xuyên tiếp xúc với các loại đạn, mìn xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ.

Công việc thầm lặng

Cách trung tâm chỉ huy Kho K56 chừng 7 km, đội xử lý, bảo quản đạn nằm biệt lập, bốn bề là núi bao quanh. Qua tìm hiểu, chúng tôi biết đội có 2 nhiệm vụ chính: Xử lý và bảo quản, cách ly đạn cấp 5 (đạn nguy hiểm cần phải xử lý).

Công tác xử lý đạn thường được tiến hành vào mùa khô, còn bảo quản, cách ly đạn được làm thường xuyên. Biên chế của đội chưa đầy chục người, chủ yếu tiếp nhận, phân loại các loại đạn, dọn dẹp nhà kho, phát quang chống cháy lây và canh gác, chỉ khi nào tiến hành xử lý đạn mới được bổ sung quân số ở kho chính nên công việc khá vất vả.

Tiếp chúng tôi, thượng úy quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Nguyễn Thanh Tùng, đội phó kiêm thủ kho đạn. Với 23 năm tuổi quân, 19 lần trực tiếp tham gia xử lý đạn, thượng úy Tùng chia sẻ: “Hằng năm mỗi lần vào mùa khô, chúng tôi nhận lệnh xử lý các loại đạn cấp 5, quá trình xử lý phải tuân thủ triệt để các quy định bảo đảm an toàn”.

Trong dãy nhà kho chứa đạn cấp 5 có hàng trăm thùng đạn các loại, mùi dầu mỡ, thuốc nổ TNT sực lên rất khó chịu. Đa số đạn đã hoen gỉ, chảy nước, thoáng nhìn có vẻ “hiền lành”, nằm ngay ngắn trong các thùng chứa, nhưng có thể phát nổ bất cứ lúc nào. Các anh trong đội xử lý nói với chúng tôi, mỗi loại đạn khác nhau căn cứ vào tính chất, đặc điểm, thực tế chất lượng đạn mà có biện pháp xử lý phù hợp theo quy định của ngành.

Có nhiều phương pháp xử lý đạn như: Hủy nổ, tháo gỡ, đốt. Mỗi phương pháp lại có quy trình riêng rất chặt chẽ, được chia thành nhiều công đoạn mà các anh gọi là “cơ công” trong đó hủy nổ là phương pháp xử lý nguy hiểm hơn cả.

Theo chân trung tá Nguyễn Xuân Diễn, Phó chủ nhiệm Kỹ thuật Kho K56 theo dõi quy trình xử lý, tôi đếm được có hàng chục công đoạn phải thực hiện. Các công đoạn này chủ yếu tiến hành thủ công bằng sức người là chính.

Trung tá Diễn cho hay: “Do tính chất phức tạp, đạn cấp 5 gồm nhiều chủng loại, trước khi bước vào xử lý, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị quán triệt, làm công tác tư tưởng cho bộ đội xác định tốt nhiệm vụ; tổ chức tập huấn kỹ về quy trình xử lý đối với từng loại đạn, nhất là chấp hành nghiêm các bước trong công tác xử lý”.

Những ngày cao điểm tinh thần thép

“Để xử lý, bảo quản tuyệt đối an toàn, mỗi người lính thợ chúng tôi đều nắm vững tính năng, tác dụng, cấu tạo của các loại đạn, mìn, có nắm chắc hiểu sâu mới “chế ngự” được nó”.

Trung úy QNCN Nguyễn Văn Minh

Mỗi đợt xử lý thường kéo dài cả tháng là giai đoạn căng thẳng về thể lực và tinh thần. Đội ngũ thợ xử lý, bảo quản đạn cách ly được tuyển chọn từ những thợ lành nghề, có kiến thức và kinh nghiệm trong xử lý, bảo quản, đặc biệt phải có tinh thần “thép”, không ngại gian khổ, thậm chí hy sinh, biết làm chủ tình huống.

Quá trình xử lý, phải hết sức thận trọng, không được vội vàng, làm tắt, làm ẩu chỉ cần sơ suất nhỏ như va đập, đánh rơi, tạo ma sát giữa các quả đạn sẽ xảy ra mất an toàn, phải trả giá bằng sinh mạng của chính mình và đồng đội. Vì vậy công tác an toàn được đặc biệt quan tâm.

Ngoài được tập huấn kỹ từng giai đoạn, công việc, từ tập “chay”, tập phân đoạn đến tập hoàn chỉnh, khép kín cả quy trình. Mỗi người thợ khi bước vào xử lý đạn, mìn luôn coi đây là trận chiến thực sự, tất cả tập trung cao độ cho công việc, thận trọng, tỉ mỉ, thường xuyên giám sát, giúp đỡ nhau.

Ở những khâu khó nhất như khi xếp đạn xuống hố (hủy nổ), thường do người phụ trách trực tiếp làm. Anh Tùng cho biết: “Về nguyên tắc, khi lính thợ có biểu hiện bất thường như mệt mỏi, sao nhãng công việc người chỉ huy trực tiếp phải nắm được, cho dừng công việc và có phương án thay thế. Tuy nhiên do xác định tốt nhiệm vụ nên nhiều năm nay công tác cách ly, xử lý đạn diễn ra an toàn không có sai sót xảy ra”.

Để xử lý, bảo quản hàng trăm tấn đạn an toàn mỗi năm, theo Ban chỉ huy Kho K56, là kết quả của nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tinh thần nêu gương và ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ được đặt lên hàng đầu.

Cùng với đó các tổ công đoàn làm tốt công tác tham mưu với chỉ huy kho quan tâm, chăm lo đời sống, vật chất tinh thần của người thợ, đầu tư trang thiết bị bảo hộ, chế độ đặc thù quân sự giúp anh em yên tâm công tác. Khó khăn, vất vả là thế nhưng anh em luôn chắc tay nghề, vững ý chí hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Năm 2013 đội xử lý, bảo quản đạn cách ly Kho K56 (Cục Kỹ thuật Quân khu 1) đã thu hồi 28 tấn đạn cấp 5 của các đơn vị trong Quân khu; Trả 115 tấn khối lượng đạn đã xử lý tháo gỡ và bộ phận rời cấp 4 về Bộ; Thanh, xử lý gần 130 tấn đạn cấp 5; Hủy đốt 8,87 tấn đạn kém chất lượng; Hủy nổ 2,07 tấn đạn; Tháo gỡ và hủy đốt thuốc phóng 118,97 tấn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại