Bộ đội tên lửa phòng không Việt Nam qua góc nhìn của người Mỹ

Nhật Huy |

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, hiếm có loại vũ khí nào khiến người Mỹ phải lo sợ hơn tên lửa phòng không S-75 Dvina, hay còn được gọi là SA-2.

Đây là loại tên lửa đã bắn hạ chiếc máy bay do thám U-2 của phi công Francis Gary Powers trên vùng trời Liên Xô năm 1960.

Bảy năm sau đó, chiếc A-4 Skyhawk được điều khiển bởi người hiện nay đang là Chủ tịch ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ - thượng nghị sĩ John McCain, cũng bị bắn rơi bởi loại vũ khí này.

Cuối năm ngoái, David Freed, nhà báo của tạp chí Air & Space (Mỹ) khi đến Việt Nam đã có dịp phỏng vấn những người từng ở phía bên kia chiến tuyến, đặc biệt là Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, nguyên Phó tư lệnh chính trị Quân chủng Phòng không-Không quân.

Qua đó, họ có cái nhìn rõ hơn về bộ đội tên lửa phòng không Việt Nam.

Từ thao trường đến chiến trường

Câu chuyện tướng Nguyễn Văn Phiệt chia sẻ với nhà báo Mỹ bắt đầu từ những ngày đầu tiên gia nhập lực lượng phòng không-không quân, khi ông được gửi đến Liên Xô cùng khoảng 1.000 đồng đội khác để học cách sử dụng SA-2.

Trong suốt 9 tháng, họ học tập và tham gia huấn luyện 14 tiếng mỗi ngày, 7 ngày trong tuần.

Kết thúc khóa học là lần bắn đạn thật với mục tiêu là 2 máy bay không người lái. Khẩu đội của tướng Phiệt khai hỏa và bắn trúng cả 2 mục tiêu.

Một chiếc F-105 suýt trúng tên lửa SA-2 trên bầu trời miền bắc Việt Nam (Ảnh: Bảo tàng không lực Mỹ)

Chiến công đầu tiên của ông và đơn vị mình diễn ra vào ngày 22/10/1966. Hơn 20 máy bay Mỹ khi đó đang trên đường từ Thái Lan hướng về phía Hà Nội.

Khi máy bay còn cách trận địa tên lửa khoảng 60 km, ông cho bật radar theo dõi mục tiêu trên màn hình. Sau khi được lệnh từ cấp trên, ông khai hỏa tên lửa SA-2 và bắn trúng một chiếc F-105 Thunderchief.

Một cựu chiến binh khác mà nhà báo Mỹ được gặp là đại tá Nguyễn Đình Kiên, nguyên sĩ quan điều khiển Tiểu đoàn 57, Trung đoàn 261.

Nhập ngũ khi đang là sinh viên trường Đại học Nông nghiệp, ông trải qua khóa huấn luyện 4 tháng trước khi nhận nhiệm vụ bảo vệ vùng trời khu vực phía nam Hà Nội.

Ông còn nhớ rõ SA-2 là một hệ thống phức tạp như thế nào. Mỗi tháng các chuyên gia Liên Xô đều đến đơn vị một lần để tổng kiểm tra và giải đáp những vấn đề kỹ thuật, và luôn có rất nhiều câu hỏi được đặt ra.

Họ cũng cho ông biết giá thành 1 quả tên lửa khi đó là 100.000 USD, tương đương 700.000 USD thời giá hiện nay.

Mảnh tên lửa SA-2 làm thủng kính buồng lái máy bay Mỹ (Ảnh: Bảo tàng Không lực Mỹ)

Mảnh tên lửa SA-2 làm thủng kính buồng lái máy bay Mỹ (Ảnh: Bảo tàng Không lực Mỹ)

Lần tham chiến đầu tiên của đại tá Nguyễn Đình Kiên là vào ngày 28/2/1968, khi khẩu đội của ông phóng 2 tên lửa vào 1 chiếc A-6 Intruder.

Tuy nhiên, cả 2 đều trượt mục tiêu do chiếc A-6 khi đó được trang bị thiết bị gây nhiễu. Đây là một phần trong những nỗ lực của người Mỹ nhằm đối phó với sự nguy hiểm của SA-2.

Đối phó với SA-2

Ralph Wetterhahn là một cựu đại tá của không quân Mỹ, đã từng bay 180 phi vụ tại Việt Nam với chiến đấu cơ F-4C Phantom và A-7E Corsairs.

Ông này cho biết, từ năm 1966 trở đi, các chiến đấu cơ đều trang bị hệ thống cảnh báo radar, được gọi là RHAW.

Được gắn ở đuôi máy bay, thiết bị này phát hiện tín hiệu từ radar của SA-2. Thông tin được hiển thị trên một màn hình với 3 vòng tròn đồng tâm.

Khi máy bay bị radar quét trúng, một điểm sáng hiển thị trên màn hình cho thấy hướng và khoảng cách của radar đang phát tín hiệu.

Khi tên lửa được phóng đi, một đèn báo động màu đỏ sẽ bật sáng, đồng thời âm thanh cảnh báo được phát ra.

Xe chở radar của hệ thống tên lửa S-75. Ảnh: Air & Space

Xe chở radar của hệ thống tên lửa SA-2. Ảnh: Air & Space

“Khi bay trên vùng trời Hà Nội, màn hình hiển thị luôn phủ kín những chấm sáng, còn tín hiệu cảnh báo âm thanh vang lên liên tục”, Wetterhahn hồi tưởng lại.

Sau đó, những chiếc F-4 bắt đầu được trang bị QRC-160, thiết bị tác chiến điện tử dùng để gây nhiễu radar. Nhìn chung nó tạo được hiệu quả trong thực tế, cho dù đôi lúc gặp vấn đề kỹ thuật.

Bên cạnh tác chiến điện tử, các phi công Mỹ cũng phát triển kỹ thuật bay mới để đối phó với SA-2.

Họ thường bổ nhào hướng thẳng về phía tên lửa khi nó vừa được phóng đi và đổi hướng đột ngột sau khi tên lửa chuyển sang chế độ dò tìm mục tiêu.

Bên cạnh đó, người Mỹ còn chủ động tấn công các khẩu đội tên lửa phòng không, đặc biệt là bằng tên lửa diệt radar AGM-78.

Được trang bị trên các chiến đấu cơ F-4G và F-105G, AGM-78 có tầm bắn lớn hơn tầm hoạt động của SA-2 và rất linh hoạt.

Nó có thể ngoặt 180 độ sau khi được phóng đi, và có thể tiếp tục nhắm đến radar của đối phương ngay cả sau khi nó ngừng phát tín hiệu.

Thích nghi để thành công

Tướng Phiệt giải thích với phóng viên Air & Space về chiến thuật dùng để đối phó với AGM-78. Theo đó, radar sẽ được ngắt khi máy bay đến gần hơn khoảng cách 40 km.

Bộ đội phòng không sẽ dựa vào thông tin gần nhất về hướng, tốc độ của máy bay để ước đoán vị trí của nó.

Khi vị trí ước đoán của máy bay chỉ còn trong khoảng dưới 2 km thì radar mới được bật lại để theo dõi và dẫn bắn cho tên lửa.

Góp phần cho thành công của chiến thuật này là khả năng xoay 360 độ trong thời gian ngắn của giàn phóng SA-2.

SA-2 được thiết kế để có thể tái triển khai trong thời gian ngắn.

Bộ đội Việt Nam chuẩn bị đưa SA-2 vào tác chiến. (Ảnh: Getty Image)

Bộ đội Việt Nam chuẩn bị đưa SA-2 vào tác chiến. (Ảnh: Getty Image)

Nhưng thông thường, những trận địa tên lửa này được chuẩn bị và ngụy trang rất kỹ lưỡng. Vì vậy, bộ đội tên lửa chỉ di chuyển nếu cho rằng vị trí đã bị máy bay trinh sát Mỹ phát hiện.

Cũng theo trung tướng, trong suốt thời gian chiến tranh, đơn vị do ông chỉ huy đã phóng 89 tên lửa SA-2 từ những trận địa quanh Hà Nội, trúng 21 mục tiêu, trong đó có 4 chiếc B-52, 1 chiếc F-4E Phantom và 1 máy bay cánh quạt AD-6 Skyraider.

Tổng số tên lửa SA-2 được sử dụng cũng tăng nhanh theo thời gian, tương ứng với mức độ leo thang của cuộc chiến.

Nếu như vào năm 1965, trung bình có 30 tên lửa SA-2 được sử dụng một tháng, thì đến giai đoạn 1967-1968, con số này đã tăng lên thành 220.

Trung tướng Phiệt cũng cho biết đơn vị của ông đã bị tấn công 10 lần. Lần nghiêm trọng nhất diễn ra vào ngày 4/9/1972, khi ông nhắm bắn 1 chiếc F-4 nhưng trượt.

Người Mỹ đáp trả bằng AGM-78 khiến 1 chiến sĩ trẻ trong đội hy sinh. Bản thân tướng Phiệt bị thương và mất 1 tháng để hồi phục trong viện quân y.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất với tướng Phiệt là khi Mỹ mở chiến dịch Linebacker II.

Hơn 200 máy bay B-52 ở Guam và Thái Lan cùng hàng trăm máy bay khác của Không quân, Hải quân, Thuỷ quân lục chiến Mỹ tham gia hỗ trợ gây nhiễu và tấn công các vị trí pháo phòng không.

Xác máy bay ném bom B-52 tại hồ Hữu Tiệp, Hà Nội (Ảnh: lifesgreatadventures.com)

Tướng Phiệt nói:

“Ban đầu, chúng tôi cũng rất lo B-52 bởi người Mỹ nói chúng vô hình, nhưng sau đêm đầu tiên, chúng tôi nhận ra rằng B-52 cũng có thể bị tiêu diệt như các loại máy bay khác.

Người Mỹ nói họ muốn ném bom để Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá. Điều này là sai lầm. Không thể dùng sức mạnh để tiêu diệt ý chí của người dân".

Mỹ lúc đó đã sai lầm khi cho các máy bay ném bom B-52 bay đúng theo tuyến đường đã định và độ cao có hơi khác một chút đối với đợt tấn công tiếp theo.

Các máy bay B-52 bay trên độ cao gần 10 km, mỗi chiếc cách nhau khoảng 2 km.

Kết quả là, các đơn vị tên lửa SA-2 của Việt Nam không cần bật radar cũng biết được hướng di chuyển, vị trí của các tốp B-52 và nhắm vào đó mà phóng tên lửa.

Trong 12 ngày đêm đó, Việt Nam bắn rơi 34 máy bay B-52, còn Mỹ chỉ thừa nhận bị rơi 15 chiếc và chết 43 phi công, 49 phi công khác bị bắt làm tù binh.

Theo Phil Chinnery, tác giả cuốn "Air War in Vietnam" cho biết, Bắc Việt Nam đã phóng tổng cộng 1.242 quả tên lửa SA-2 trong 12 ngày đêm này.

Khi được nhà báo Mỹ hỏi về tầm quan trọng của SA-2 đối với kết quả của cuộc chiến, tướng Phiệt trả lời rằng vũ khí tuy rất quan trọng nhưng ý chí con người luôn đóng vai trò quan trọng hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại