Tháng 3-1959, Bộ đội Hải quân vinh dự đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Người căn dặn: "Dù ở nhiệm vụ nào cũng thường xuyên rèn luyện toàn diện, phấn đấu không ngừng để bản thân tiến bộ và xây dựng Hải quân mau chóng trưởng thành".
Khi đến thăm cán bộ, chiến sĩ của biên đội tàu sắt đầu tiên, Bác căn dặn: "Các chú xây dựng Hải quân thì phải học tập các nước anh em là đúng.
Nhưng không phải học như thế nào thì làm y nguyên như thế, mà phải vận dụng vào điều kiện nước ta sao cho thích hợp, kể cả việc dùng chữ. Phải biết cách giữ gìn, bảo quản tàu thuyền được tốt, được bền".
Bác còn dạy cách xếp, cuộn dây trên tàu, cách đo sâu bằng dây dọi, cách chống, chèo thuyền và cả động tác lái tàu khi tàu rời bến, cập bến.
Năm 1961, trong lần về thăm Bộ đội Hải quân lần thứ hai, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ, Người chỉ rõ: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.
Hải quân đánh bộ luyện tập. Ảnh: Trọng Thiết
Trong điều kiện miền Bắc còn nhiều khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng hải quân phù hợp với tiềm lực phát triển kinh tế, điều kiện môi trường, chiến trường sông, biển nước ta.
Người nói: “Hải quân Việt Nam phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại, nhưng không được quên truyền thống đánh giặc của Tổ tiên. Phải xây dựng Hải quân của nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam, chứ không phải Hải quân của thế giới”.
Người đồng thời chỉ rõ con đường xây dựng HQNDVN phải là con đường nâng cao ý thức độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường.
Muốn vậy, “Phải coi trọng công tác lãnh đạo, chỉ huy; chăm lo cải thiện đời sống tinh thần, vật chất, nâng cao chất lượng kỹ thuật tàu. Thường xuyên rèn luyện toàn diện, phấn đấu không ngừng tiến bộ để xây dựng Hải quân mau chóng trưởng thành”.
Đến thăm những con tàu, đơn vị đảo, Bác Hồ nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ hải quân phải không ngừng trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng, lòng yêu quê hương đất nước.
Cụ thể là cán bộ, chiến sĩ hải quân phải “yêu đảo như nhà mình, phải chịu khó cải tạo, xây dựng thành những mảnh đất vừa giàu, vừa đẹp, vừa có lợi cho mình, vừa ích cho đất nước”.
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, HQNDVN đã vừa kế thừa truyền thống đánh giặc của ông cha, vừa tìm cách đánh phù hợp với vũ khí, trang bị và điều kiện cụ thể của nước ta.
Năm 1966, lực lượng Đặc công Hải quân ra đời. Trong 7 năm liên tục chiến đấu trên chiến trường Cửa Việt-Đông Hà (1966-1973), Đặc công Hải quân đã tổ chức đánh hơn 300 trận, đánh chìm hàng trăm tàu thuyền Mỹ-ngụy, phá hủy hàng ngàn tấn phương tiện chiến tranh.
Năm 1961, Đoàn 125 thành lập và con đường vận tải chiến lược: “Đường Hồ Chí Minh trên biển” ra đời. Trong 15 năm (từ năm 1961 đến 1975), Đoàn 125 đã vận chuyển hàng chục nghìn tấn vũ khí, hàng hóa và hàng chục vạn lượt người chi viện cho miền Nam đánh Mỹ.
“Đường Hồ Chí Minh trên biển” là một nét độc đáo của chiến tranh nhân dân trên chiến trường sông, biển của Đảng ta, mà Quân chủng Hải quân trực tiếp tổ chức thực hiện.
Từ sau năm 1975 đến nay, HQNDVN đã nỗ lực phát huy nội lực, huy động nhiều nguồn lực, tạo nên sức mạnh tổng hợp, khôn khéo, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo; góp phần giữ vững ổn định chính trị để xây dựng và phát triển đất nước.
Gần 10 năm qua, Bộ đội Hải quân tích cực tuyên truyền biển, đảo, góp phần quan trọng nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ và nhân dân đối với việc bảo vệ và khai thác các nguồn lợi từ biển, đảo để xây dựng và phát triển đất nước.
Bộ đội Hải quân đã chủ động, sáng tạo phối hợp với các ngành, các cấp địa phương phát triển kinh tế-xã hội trên các vùng biển, đảo, nhất là các đảo xa bờ.
Lực lượng sản xuất, kinh doanh của Quân chủng Hải quân luôn đi đầu và đạt hiệu quả cao trong khai thác cảng biển, đánh bắt, nuôi trồng hải sản, bảo đảm các dịch vụ hậu cần nghề cá ở các đảo xa bờ, tạo điều kiện giúp đỡ ngư dân đánh bắt ở các vùng biển xa.
Lực lượng tàu và cán bộ, chiến sĩ hải quân trên các đảo luôn là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân lao động, sẵn sàng làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn, chữa bệnh và sửa chữa tàu thuyền ngư dân khi gặp nạn trên biển.
Thành tích của Bộ đội Hải quân đã được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và nhân dân đánh giá cao.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ HQNDVN luôn vững vàng nơi tiền tiêu sóng gió.
Nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng có chủ trương đúng đắn trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển.
Bộ đội Hải quân trực tiếp xử lý có hiệu quả các tình huống; bảo vệ và hỗ trợ các hoạt động kinh tế biển; thực hiện tốt nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn; đi tiên phong tạo cơ sở mọi mặt cho sự phát triển kinh tế-xã hội trên các vùng biển, đảo, nhất là các vùng biển, đảo xa bờ.
Bộ đội Hải quân phối hợp cùng các lực lượng, từng bước xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân trên biển, giữ vững chủ quyền quốc gia và tạo môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.
Hơn nửa thế kỷ thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, HQNDVN đã phát triển thành một quân chủng có đủ 5 thành phần lực lượng binh chủng hiện đại là:
Tàu mặt nước; tàu ngầm; pháo binh-tên lửa bờ; không quân; hải quân đánh bộ, đặc công và lực lượng phòng thủ đảo, phù hợp với điều kiện của nước ta.
Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân đã xây nên truyền thống vẻ vang: “Chiến đấu anh dũng, mưu trí sáng tạo, làm chủ vùng biển, quyết chiến quyết thắng”.
Đồng thời đang quyết tâm xây dựng quân chủng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.