Ngoài ra, sắp tới nhiều quan chức quốc phòng Mỹ còn đến Việt Nam như Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Martin Dempsey (giữa tháng 8), Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel (tháng 11).
Kiểm tra kỹ thuật trực thăng UH-1 (do Mỹ chế tạo, ta thu được sau năm 1975) chuẩn bị bay phục vụ cảnh đổ quân xuống trận địa trong bộ phim Đường Hồ Chí Minh trên biển (tháng 7.2011). Loại trực thăng chiến lợi phẩm này hiện hoạt động rất ít do thiếu phụ tùng thiết bị thay thế - Ảnh: Đỗ Tuấn
Đã đến lúc bỏ cấm vận vũ khí sát thương
Tại Hà Nội ngày 8.8, thượng nghị sĩ John McCain trả lời các nhà báo rằng “Bây giờ là lúc Mỹ nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam sau khi Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ về nhân quyền”. Ông cũng hy vọng việc nới lỏng này có thể tiến hành sớm nhất từ tháng 9 tới.
Theo Reuters, phát biểu này của ông McCain “rất có trọng lượng” theo nhận định của giáo sư Carl Thayer (Úc), chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á và Việt Nam (Đại học New South Wales). Bởi lẽ ông McCain là thành viên Ủy ban Đối ngoại và Quân vụ Thượng viện Mỹ, cũng là người hồi năm 2012 đã bác bỏ đề xuất nới lỏng lệnh cấm này vì lý do ông đưa ra về nhân quyền.
Thượng nghị sĩ John McCain, thành viên Ủy ban Đối ngoại và Quân vụ cùng thượng nghị sĩ Sheldon Whitehouse, thành viên các Ủy ban: Tư pháp, Ngân sách, Kinh tế, Lao động-Tiền lương, Môi trường và Công chính, Thượng viện Mỹ có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 7 - 10.8. Đoàn đã gặp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa.
Tại cuộc họp báo chiều 8.8, ông McCain cho biết Mỹ đánh giá cao những tiến bộ Việt Nam đạt được, trong đó có việc ký công ước chống tra tấn cũng như việc đăng ký các cơ sở tôn giáo.
Mỹ cũng sẵn sàng tăng cường hợp tác quân sự, gia tăng chuyến thăm tàu quân sự đến Việt Nam “theo mức độ Việt Nam chấp nhận được”. Tuy nhiên phía Mỹ không đặt vấn đề thuê căn cứ quân sự ở Việt Nam. Thay vào đó, phía Mỹ sẽ thực hiện hợp tác quân sự thông qua thỏa thuận tiếp cận các cơ sở này như đã có với các nước khác, ông McCain cho biết.
“Vấn đề lệnh cấm bán vũ khí không cần luật riêng mà chỉ cần Quốc hội bày tỏ quan điểm đến nhánh hành pháp. Được biết chính quyền đang xem xét vấn đề này cẩn thận. Sẽ không có dỡ bỏ ngay lập tức mà có những bước khác nhau, và bước ban đầu sẽ được thực hiện sớm”, ông McCain trả lời báo chí tại Hà Nội.
Theo bài báo đăng trên tạp chí của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) ngày 7.8, vấn đề bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam đã được nêu lên nhiều gần đây. Hồi tháng 6.2014, ông Ted Osius, tân đại sứ Mỹ tại Việt Nam trong buổi điều trần trước Uỷ ban Quan hệ đối ngoại Thượng viện (có mặt TNS McCain) rằng những tiến bộ về lĩnh vực nhân quyền tại Việt Nam đồng nghĩa với việc đã đến lúc bỏ cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Dỡ bỏ lệnh cấm sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với cả mối quan hệ song phương và quốc phòng Mỹ - Việt Nam và vị trí chiến lược của Mỹ trong khu vực.
Ngày 4.8, tại Hà Nội, Thượng nghị sĩ Bob Corker, thành viên cao cấp Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam đã nói với thượng tướng Trương Quang Khánh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam rằng Mỹ đang nghiên cứu, tiến tới dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương với Việt Nam. Ông Bob Corker cũng nhắc lại vấn đề này khi tiếp kiến Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ngày 5.8.
Bài báo của CSIS cũng cho biết thêm vào giữa tháng 8 này Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey sẽ thăm Việt Nam, và tháng 11 là chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel. Những chuyến thăm này sẽ cung cấp cơ hội để các quan chức Mỹ đối thoại với Việt Nam về lộ trình dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Những vũ khí nào Mỹ có thể cung cấp cho Việt Nam?
Việt Nam từ lâu đã yêu cầu Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương, xem đó như một biểu hiện thiện chí trong quan hệ giữa hai nước. Năm 2007, chính quyền Bush chỉ mới cho phép bán các vũ khí không gây sát thương cho Việt Nam.
Tạp chí World Politics Review tháng 7.2012 cho biết vào tháng 6.2012, trong chuyến thăm Việt Nam và cảng Cam Ranh, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó là Leon Panetta đã được Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đưa ra một “danh sách dài” các vũ khí, khí tài mà Việt Nam muốn mua của Mỹ, trong đó chủ yếu là các thiết bị phụ tùng cho các vũ khí, khí tài của Mỹ để lại miền Nam Việt Nam sau năm 1975 đến nay đã hư hỏng và không có phụ tùng thay thế. Ngoài ra có thể còn có radar giám sát bờ biển, tên lửa phòng không, máy bay tuần biển.
Tạp chí Defense News tháng 7.2012 cũng cho biết Việt Nam muốn mua các vũ khí và khí tài của Mỹ để nâng tính cơ động và hiện đại hoá quân đội, gia tăng khả năng phòng thủ.
Bài báo của CSIS bình luận rằng Việt Nam muốn mua các loại radar và thiết bị giám sát trinh sát biển. Hồi tháng 5.2014, Việt Nam đã ký gia nhập Sáng kiến chống phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt (PSI), mở ra cơ hội cho hai nước Việt Nam - Mỹ cùng tiến hành các cuộc giám sát chung trên biển trong tương lai.
Theo CSIS, trong vài năm tới Cảnh sát biển Việt Nam được cho là sẽ nhận từ 5 - 6 tàu tuần tra mới mỗi năm từ Mỹ. Việt Nam cũng có thể sẽ nhận một số tàu tuần duyên đã qua sử dụng của Lực lượng tuần duyên Mỹ cùng với gói hỗ trợ 18 triệu USD mà Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã công bố cuối năm 2013 khi thăm Việt Nam. Và mới đây Nhật Bản đã thông báo sẽ cung cấp 6 tàu tuần tra cho Việt Nam trong khoản hỗ trợ 500 triệu yen.
Như vậy, rất có thể những vũ khí và khí tài mà Mỹ sẽ cung cấp cho Việt Nam là dùng để phòng thủ và thực thi pháp luật trên biển, như thượng nghị sĩ McCain nói ngày 8.8 rằng “Ban đầu những mặt hàng mang tính chất đối phó với nguy cơ an ninh từ bên ngoài, trợ giúp cho việc phòng thủ như các thiết bị cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư”.
Một bài báo trên Wall Street Journal ngày 15.7 đã gợi ý rằng đến lúc Mỹ nên bán vũ khí sát thương cho Việt Nam để tăng khả năng tự vệ, với những loại vũ khí phòng thủ hữu ích nhất trong việc đối phó sự tấn công từ bên ngoài, chẳng hạn hệ thống cảnh báo hàng hải, tàu hộ vệ và các tàu thuyền khác, và vũ khí chống hạm. Bài báo này cho rằng dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sẽ giúp tăng cường năng lực răn đe của Việt Nam khi nước này đang chịu áp lực gia tăng từ nước láng giềng.
Bài báo của CSIS kết luận rằng việc Mỹ duy trì lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam quá lâu có thể hạn chế độ sâu rộng của sự hợp tác an ninh song phương Mỹ - Việt Nam, khiến Việt Nam có thể rời xa Mỹ và làm Mỹ rơi vào thế bất lợi so với những nước khác trong các lĩnh vực như kỹ thuật quân sự và chuyển giao công nghệ với một quốc gia ngày càng quan trọng trong khu vực như Việt Nam.
Bạn là người yêu màu xanh áo lính, bạn có đam mê tìm hiểu các loại vũ khí - khí tài trang thiết bị quân sự cũng như chiến thuật - chiến lược - chiến sử của quân đội các nước trên thế giới và muốn có nơi để thể hiện những hiểu biết của mình. Hãy gửi cho chúng tôi tin hoặc bài viết CHƯA TỪNG ĐƯỢC ĐĂNG TẢI trên các báo, trang mạng khác vào địa chỉ email: [email protected]. Nếu tin bài của bạn được đăng tải, bạn sẽ được trả nhuận bút trong vòng 24h và có cơ hội nhận được 500.000 đồng cho những nội dung xuất sắc nhất trong ngày. |