Biến thể Su-30 nào mạnh nhất hiện nay?

Phi Yến |

Do được trang bị radar N035 Irbis và động cơ kiểm soát vector lực đẩy 2 chiều nên Su-30M2 của Không quân Nga còn có tên gọi không chính thức là Su-35UBM.

Gia đình máy bay chiến đấu Su-30 gồm rất nhiều biến thể được thiết kế cho các mục đích khác nhau. Dưới đây là bảng xếp hạng thứ tự các phiên bản Su-30 mạnh nhất hiện nay:

1. Su-30M2

Tiêm kích Su-30M2 của Không quân Nga

Su-30M2 là phiên bản nội địa hóa dành riêng cho Không quân Nga, do Liên hiệp sản xuất máy bay Komsomolsk-on-Amur (KnAAPO) chế tạo dựa trên dòng máy bay chiến đấu đa năng nổi tiếng Su-30MK2.

Được thiết kế hoàn toàn dựa trên Su-30MK2 nên kích thước bề ngoài của Su-30M2 không có gì khác biệt. Tuy nhiên các thiết bị điện tử hàng không của Su-30M2 lại có sức mạnh vượt trội so với bản xuất khẩu Su-30MK2.

Trong đó đáng kể nhất là việc lắp đặt radar N035 Irbis (loại radar trang bị cho Su-35S) đã được thử nghiệm thành công và máy bay còn được trang bị động cơ kiểm soát vector lực đẩy 2 chiều (2D TVC) AL-31FP (loại lắp trên Su-30MKI).

Do được thiết kế với 2 chỗ ngồi và có nhiều thành phần tương đồng với Su-35S cũng như Su-27SM2/SM3 nên hiện nay Không quân Nga chủ yếu sử dụng Su-30M2 để đào tạo phi công cho 2 loại tiêm kích này.

Su-30M2 thậm chí còn đang được Không quân Nga gọi bằng tên định danh không chính thức là Su-35UBM.

2. Su-30MKI/ Su-30SM

Tiêm kích Su-30MKI của Không quân Ấn Độ

Su-30MKI là một biến thể do Tập đoàn Sukhoi (Nga) và HAL (Ấn Độ) hợp tác phát triển dành riêng cho Không quân Ấn Độ. Su-30MKI là máy bay tiêm kích hạng nặng được thiết kế với nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không, hoạt động tầm xa.

Do các máy bay chiến đấu xuất khẩu thường bị Nga cắt giảm tính năng nên phía Ấn Độ tỏ ra không hài lòng.

Chính vì vậy, họ đã tiến hành lắp các thiết bị điện tử tối tân của Pháp và Israel lên máy bay bên cạnh các thành phần chủ yếu của Nga như radar NIIP N011M BARS PESA và động cơ 2D TVC AL-31FP.

Su-30MKI được đánh giá chính là biến thể mạnh nhất của gia đình tiêm kích Sukhoi Su-30.

Tiêm kích Su-30SM của Không quân Nga

Trong suốt nhiều năm, nước Nga chủ yếu sản xuất Su-30 phục vụ mục đích xuất khẩu. Mãi gần đây, người Nga mới tự trang bị cho mình những chiếc Su-30 hiện đại.

Biến thể Su-30SM được Nga lựa chọn chính là dựa trên thiết kế vốn rất thành công từ Su-30MKI dành cho Không quân Ấn Độ.

Ngoài những thiết bị điện tử hàng không độc quyền của Nga, thay thế vị trí các thiết bị của Pháp và Israel thì thiết kế khí động học nguyên khối, cánh mũi, động cơ điều khiển vector lực đẩy 2 chiều AL-31FP và radar BARS N011M của Su-30MKI vẫn được giữ nguyên.

3. Su-30MK2

Tiêm kích Su-30MK2 của Không quân Việt Nam

Su-30MK2 do Tổ hợp Komsomolsk-on-Amur sản xuất là phiên bản hiện đại hóa từ Su-30MK với khả năng cường kích đánh biển được nâng cao đáng kể.

Máy bay được trang bị tổ hợp ngắm bắn đa nhiệm SUV-VEP bao gồm radar N001 và OLS-30 có phạm vi theo dõi mục tiêu trên không khoảng 150 km, phát hiện tàu sân bay và xuồng cao tốc từ cự ly tương ứng 250 km và 70 km.

Radar của Su-30MK2 có thể theo dõi 10 mục tiêu và điều khiển tên lửa tiêu diệt 2 mục tiêu (1 xa 1 gần) cùng lúc.

Động cơ trang bị cho Su-30MK2 là AL-31F không có kiểm soát vector lực đẩy 2 chiều nhưng có tuổi thọ cao hơn đáng kể so với AL-31FP, tỏ ra thích hợp với một chiếc máy bay chiến đấu đa năng thiên về cường kích đánh biển hơn.

4. Su-30K

Tiêm kích Su-30K khi còn trong biên chế Không quân Ấn Độ

Su-30K là phiên bản tiêm kích chiếm ưu thế trên không dành cho xuất khẩu, được phát triển trên cơ sở Su-27PU của Không quân Nga. Máy bay không có cánh mũi, sử dụng động cơ AL-31F, hệ thống điện tử hàng không chủ yếu theo công nghệ những năm 1990.

Su-30K được trang bị radar N001V có khả năng theo dõi cùng lúc 10 mục tiêu nhưng chỉ có thể dẫn tên lửa tấn công một mục tiêu duy nhất. Phạm vi phát hiện mục tiêu tối đa là 240 km, theo dõi ở cự ly 100 km.

Su-30K nguyên bản có tính năng kỹ chiến thuật tương đối thấp nên Ấn Độ chỉ chấp nhận sử dụng nó như một giải pháp tạm thời, trong khi chờ đợi sự hoàn thiện của Su-30MKI với nhiều đặc tính kỹ chiến thuật ưu việt hơn.

Hiện nay sau khi Ấn Độ trả lại Nga, những chiếc Su-30K này đã được Iraq và Angola mua lại, có thông tin cho rằng chúng sẽ được nâng cấp lên chuẩn Su-30KN với radar N011M BARS nhưng điều này chưa được xác nhận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại