Biển Đông: Việt Nam có cách hóa giải 'quân bài chủ' JH-7 Trung Quốc

Hà Dũng |

(Soha.vn) - Tại đảo Hải Nam, trung đoàn 27 thuộc sư đoàn 9, Hạm đội Nam Hải được trang bị máy bay tiêm kích - bom JH-7A. Loại máy bay này được xem như lực lượng chủ lực trên biển của Trung Quốc. Liệu máy bay “made in China” có thực sự là một ẩn số trên biển Đông hay không?

JH-7 - Con bài chủ lực trong mưu đồ biển Đông

Xian JH-7 (Jian Hong-7/ Jian nghĩa là máy bay tiêm kích, Hong nghĩa là máy bay ném bom; Tên ký hiệu của NATO: Flounder) là một loại máy bay tiêm kích-ném bom hai chỗ, hai động cơ đang phục vụ trong Không lực Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân và Không quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

Máy bay được chế tạo bởi Tập đoàn Công nghiệp máy bay Tây An và Viện thiết kế máy bay 602. Đợt máy bay JH-7 đầu tiên được cung cấp cho Không lực Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc giữa thập niên 1990 để thử nghiệm đánh giá và phiên bản cải tiến JH-7A bắt đầu hoạt động trong năm 2004. JH-7 còn có một phiên bản dành cho mục đích xuất khẩu là FBC-1 Flying Leopard. Nhưng hiện tại không có bất kỳ khách hàng quốc tế nào ngó ngàng tới FBC-1.

Vào đầu thập niên 1970, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đặt ra yêu cầu phát triển một loại máy bay tiêm kích ném bom mới nhằm thay thế cho Harbin H-5 và Nanchang Q-5 đã lỗi thời. Vào tháng 12 năm 1988, 6 nguyên mẫu đã được chế tạo và một đợt gồm 12 đến 18 chiếc JH-7 đã được chuyển giao cho Không quân Quân Giải phóng Nhân dân vào đầu thập niên 1990 để thử nghiệm đánh giá.

	JH-7 được xem là máy bay chủ lực của Không lực Hải quân Quân giải phóng nhân dân

JH-7 được xem là máy bay chủ lực của Không lực Hải quân Quân giải phóng nhân dân

JH-7 là máy bay đơn giản và nhẹ hơn so với máy bay Su-24 hay F-111 cánh cụp cánh xòe và rẻ hơn rất nhiều so với máy bay tiêm kích đa chức năng Su-30. JH-7 được thiết kế chuyên dùng cho nhiệm vụ tấn công vào các vị trí quan trọng trên biển. JH-7A là một phiên bản nâng cấp với radar JL-10A PD, hệ thống fly-by-wire mới, kính chắn một mảnh, thêm các giá treo vũ khí, và khả năng mang được tên lửa chống bức xạ của Nga Kh-31 và bom điều khiển bằng laser.

Về đặc tính kỹ thuật, JH-7 có chiều dài 22,32 m; sải cánh 12,7 m; chiều cao 6,57 m; trọng lượng rỗng 14.500 kg; trọng lượng cất cánh tối đa 28.475 kg; máy bay được trang bị 02 động cơ Xian WS9, lực đẩy 54 kN, đốt nhiên liệu lần hai là 91,2 kN mỗi chiếc; vận tốc cực đại 1.808 km/h trên độ cao 11.000 m (36.000 ft); tốc độ tuần tra 903 km/h; tầm bay 3.650 km; bán kính chiến đấu 1.650 km (890 hải lý); trần bay 15 km.

JH-7 có thể mang được 6.500 kg (14.500 lb) vũ khí; được trang bị 01 pháo tự động hai nòng 23 mm GSh-23L, 300 viên đạn; mang tên lửa không đối không PL-5, tên lửa chống tàu Yingji-8K và Yingji-82K, tên lửa chống radar Yingji-91 và được trang bị bom rơi tự do và điều khiển bằng laser.

Điều đặc biệt quan trọng, JH-7 có khả năng tác chiến bình thường trong mọi điều kiện thời tiết như: sương mù, mưa, bão lớn hay nắng gắt... sẵn sàng thực hiện các hoạt động tác chiến cho cả ngày và đêm.

	Các vũ khí được trang bị trên JH-7

Các vũ khí được trang bị trên JH-7A

Theo các thông tin khác nhau, quân đội Trung Quốc có 160-180 máy bay JH-7, loại máy bay này còn đang tiến hành sản xuất liên tục. Hiện nay, Không lực Hải quân Quân giải phóng Nhân dân có 3 trung đoàn trang bị JH-7, mỗi trung đoàn được biên chế từ 24 đến 28 máy bay.

Hạm đội Đông Hải, sư đoàn số 6 có trung đoàn số 16 và 17 đều được trang bị JH-7.

Hạm đội Nam Hải, sư đoàn số 9 có trung đoàn số 27 đặt căn cứ tại đảo Hải Nam trang bị biến thể cải tiến JH-7A.

Gần đây, giới chuyên gia quân sự Trung Quốc có ý định đưa các máy bay JH-7 tới Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam) mà Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép. Với những nước đi này, Trung Quốc muốn tận dụng triệt để khả năng của loại máy bay tiêm kích-ném bom trên trong trường hợp xảy ra xung đột ở biển Đông. Vì vậy, có thể nói rằng, JH-7 thực sự là một ẩn số trên biển Đông mà chúng ta cần tìm cách hóa giải.

Hàng rẻ nên chất lượng đương nhiên thấp

JH-7 là mẫu máy bay tiêm kích-ném bom mới nhất và có tỷ lệ nội địa hóa cao của Trung Quốc. Máy bay đã bắt đầu được nghiên cứu chế tạo từ năm 1973 nên đó chính là điểm yếu của loại máy bay này với những vấn nạn về động cơ, điều khiển và vũ khí tấn công chính xác. Các chuyên gia quân sự đã nhanh chóng chỉ ra những điểm yếu của nó.

JH-7 là một máy bay tấn công ném bom xâm nhập sâu trong mọi thời tiết, với chỗ ngồi trong buồng lái kiểu side-bay-side (hai phi công ngồi cạnh nhau), trang bị hệ thống đối phó điện từ (ECM) và khả năng quét địa hình tương tự như General Dynamics F-111. Các nhà phân tích phương Tây phân tích thiết kế JH-7 có thể bị ảnh hưởng bởi F-111, tất nhiên là với chất lượng và độ tin cậy thấp hơn nhiều.

Những chiếc JH-7 đầu tiên sử dụng động cơ nhập khẩu Rolls-Royce Spey Mk.202. Sau đó, chúng được thay thế bởi động cơ sản xuất nội địa theo giấy phép chế tạo của Spey Mk.202 có tên gọi ở Trung Quốc là WoShan-9 (WS-9). Loạt JH-7 đầu tiên sử dụng động cơ nội địa WS-9 ra đời giữa thập niên 90 nhưng chất lượng quá kém, bị không quân từ chối tiếp nhận nên chỉ được 50 chiếc là đã ngừng sản xuất để nâng cấp lên JH-7A với động cơ RD-93 của Nga.

Do trình độ công nghệ chế tạo động cơ của Trung Quốc còn nhiều lạc hậu nên JH-7 chỉ có tốc độ trung bình với động cơ Mk.202/WS-9, khả năng mang vũ khí là 6.5 tấn, thấp hơn so với Sukhoi Su-24 và Su-30 (8 tấn), và General Dynamics F-111 (14 tấn). Thậm chí, loại máy bay này còn được đánh giá là không bằng tiêm kích bom cổ lỗ của Nga là Su-24.

	Động cơ WS-9 do Trung Quốc chế tạo được trang bị cho JH-7

Động cơ WS-9 do Trung Quốc chế tạo được trang bị cho JH-7

Hiện Trung Quốc chỉ mới công nhận có hai vụ tai nạn của JH-7 xảy ra tại triển lãm hàng không, còn trong huấn luyện thì không có thông tin nào:

Ngày 19 tháng 7 năm 2009, một chiếc JH-7 đã bị rơi khi đang bay biểu diễn trong một cuộc triển lãm hàng không tại Trung Quốc, khiến hai phi công thiệt mạng do không nhảy được ra ngoài.

Ngày 14 tháng 10 năm 2011, một chiếc JH-7A cũng đã bị rơi khi đang bay biểu diễn trong một cuộc triển lãm hàng không tại Trung Quốc. Một phi công thiệt mạng, phi công còn lại nhảy được ra ngoài an toàn.

Tuy chất lượng thấp hơn nhiều nhưng JH-7 là máy bay đơn giản và nhẹ hơn so với máy bay Su-24 hay F-111, đồng thời rẻ hơn rất nhiều so với máy bay tiêm kích đa chức năng Su-30. JH-7 chính là đại diện tiêu biểu cho xu hướng vũ khí của Trung Quốc “hàng rẻ, số lượng nhiều để bù chất lượng”.

Hóa giải ẩn số JH-7 trên biển Đông

Do yếu tố địa lý nên với tầm hoạt động chỉ 1.650 km cùng khả năng cơ động yếu nên có thể nói rằng JH-7 không có nhiều thời gian tác chiến trên biển Đông. Trung Quốc có ý định bố trí JH-7 trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa mà họ đang chiếm đóng trái phép, chính ý định này đã bộc lộ điểm yếu về tầm hoạt động và khả năng cơ động của JH-7.

Trước hết, phải khẳng định rằng ý định bố trí JH-7 trên đảo Phú Lâm là không khả thi. Đảo Phú Lâm chỉ là đảo nhỏ, địa hình đơn giản nên khó bố trí hệ thống phòng thủ. Quân ta chỉ cần sử dụng một lực lượng nhỏ gọn, bí mật và bất ngờ tập kích sẽ dễ dàng phá hủy các máy bay cũng như đường băng, từ đó vô hiệu hóa JH-7 ngay khi chưa kịp cất cánh.

	Trung Quốc có ý định đưa JH-7 ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam) mà Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép

Trung Quốc có ý định đưa JH-7 ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam) mà Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép

	Tên lửa đối đất 3M-14E được trang bị trên tàu ngầm Kilo 636 Việt Nam sắp tiếp nhận có tầm bắn 275 km, đầu đạn 400 kg có thể làm tê liệt căn cứ xuất phát của đối phương

Tên lửa đối đất 3M-14E được trang bị trên tàu ngầm Kilo 636 Việt Nam sắp tiếp nhận có tầm bắn 275 km, đầu đạn 400 kg có thể làm tê liệt căn cứ xuất phát của đối phương

Chỉ còn phương án điều động máy bay JH-7 từ đảo Hải Nam ra các vùng biển có thể xảy ra xung đột. Khi đó, nếu Việt Nam dùng các tiêm kích như Mig-21, Su-22, Su-30MK2, Su-30MK2V đánh chặn trên đường hành quân buộc JH-7 phải cơ động, tránh hỏa lực hoặc tham chiến. Với những cuộc chiến kiểu này, bên phòng thủ bất cứ khi nào cũng dễ dàng giành chiến thắng do nắm được yếu tố bí mật, bất ngờ.

	Máy bay Su-30MK2 Việt Nam tuần tra trên quần đảo Trường Sa

Máy bay Su-30MK2 Việt Nam tuần tra trên quần đảo Trường Sa

Ngoài ra, khi JH-7 cơ động vòng tránh hay chiến đấu sẽ rất hao nhiên liệu và phần dành cho tác chiến sau đó hầu như không còn bao nhiêu, thậm chí có khi không đủ để quay về căn cứ. Đấy là chưa kể hệ thống vũ khí của JH-7 còn rất lâu nữa mới so sánh được với vũ khí của Nga trên các tiêm cường kích mà Việt Nam sở hữu.

Ngay cả khi đã vượt qua hỏa lực phòng không nhiều tầng lớp của Không quân Việt Nam thì hỏa lực phòng không trên các tàu chiến Việt Nam cũng hoàn toàn hóa giải được các tên lửa chống tàu mà JH-7 mang theo.

Với những bất lợi như trên hoàn toàn có thể giải thích vì sao Trung Quốc luôn nóng lòng mong muốn được sở hữu một tàu sân bay đúng nghĩa.

Tuy nhiên không vì thế mà Việt Nam được phép lơ là, mất cảnh giác với JH-7. Chúng ta phải luôn dự báo được tình hình, chủ động sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống nhằm giữ vững chủ quyền biển đảo.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại