Đội hình lai ghép của trực thăng chống ngầm Trung Quốc
Bên cạnh các máy bay săn ngầm cỡ lớn GX-6, Trung Quốc đang có trong trang bị một số loại trực thăng săn ngầm được đánh giá khá cao, đó là Z-9А, Z-9C, Kа-28. Các trực thăng này là lực lượng chống ngầm chủ yếu của các hạm đội Hải quân Trung Quốc.
Trong số này thì Ka-28 là hàng nhập khẩu từ Nga, còn Z-9 với hai biến thể Z-9A và Z-9C là do Trung Quốc tự chế tạo.
Tính đến năm 2006, Hải quân Trung Quốc có 11 chiếc Ka-28. Trực thăng săn ngầm Ka-28 được trang bị các hệ thống trinh sát ngầm bao gồm: Hệ thống phát hiện từ trường tàu ngầm MAD, sonar phát hiện tàu ngầm, thả phao định vị thủy âm.
Ka-28 có thể mang theo ngư lôi, bom sâu, mìn ở trong khoang, khi phát hiện tàu ngầm đối phương, Ka-28 có thể tấn công bằng vũ khí mang theo hoặc phát tín hiệu báo động, thả phao đánh dấu vị trí tàu ngầm cho các lực lượng tấn công khác. Với tốc độ tối đa 270km/h, tốc độ hành trình 205km/h, phạm vi hoạt động 980km, trực thăng Ka-28 có thể trinh sát trên một vùng biển rộng lớn, nhanh chóng phát hiện sớm sự xuất hiện của các tàu ngầm đối phương, phát tín hiệu báo động và sẵn sàng tiêu diệt khi cần thiết. Ka-28 là một trong những trực thăng săn ngầm hiệu quả nhất thế giới hiện nay.
Trực thăng Z-9 được sản xuất bởi Tập đoàn công nghiệp hàng không Cáp Nhĩ Tân, dựa trên loại trực thăng AS-365 theo giấy phép của Tập đoàn Eurocopter. Z-9А là trực thăng của Pháp AS 365 Panther lắp đặt thiết bị dò tìm "Thomson" ngư lôi chống ngầm 244S của Italia. Đây là một kiểu lai ghép thường thấy ở các vũ khí Trung Quốc.
Sau Z-9A, Trung Quốc sản xuất Z-9С theo giấy phép trực thăng AS 365N Dauphin II của Pháp, mang tên lửa hoặc ngư lôi chống ngầm.
Trực thăng săn ngầm Z-9C đang thả phao sonar thủy âm
Z-9C được trang bị một radar tìm kiếm bề mặt KLC-1, băng tần X, radar này được phát triển bởi Viện nghiên cứu điện tử Nam Kinh. Tầm phát hiện mục tiêu cỡ một tàu đánh cá nhỏ khoảng 92km, phát hiện các mục tiêu cở tàu khu trục trung bình khoảng 118km.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia nước ngoài, radar KLC-1 bộc lộ nhiều hạn chế trong môi trường tác chiến điện tử mạnh. Radar này không đủ công suất để có thể vượt qua các nhiễu chặn, thiếu sự linh hoạt trong chế độ nén xung khi đối phó với nhiễu trả lời.
Trực thăng được trang bị hệ thống chống ngầm ASW Type-605, được cho là sao chép lại từ hệ thống tác chiến chống ngầm AN/AQS-13 của Hải quân Mỹ.
Hệ thống này bao gồm một phao sonar thụ động được thả xuống dưới nước để phát hiện và định vị tàu ngầm, một máy thu tín hiệu radio cho phép trực thăng nhận tín hiệu của phao sonar ở cự ly 10km khi đang bay với tốc độ 120km/h.
Về vũ khí trực thăng Z-9C có khả năng mang theo 1-2 ngư lôi chống ngầm hạng nhẹ ET-52. Đây là bản sao từ loại ngư lôi chống ngầm hạng nhẹ A244 của Italia. Ngư lôi này sử dụng đầu dò âm thanh chủ động hoặc bị động với tầm bắn tối đa là 9,5km.
Trực thăng Z-9C được trang bị 2 động cơ Arriel-IC1, công suất 550kW, tốc độ tối đa khoảng 315km/h, tốc độ hành trình 285km/h, tầm hoạt động 1000km, trần bay 6000m. Phi hành đoàn 2 người, có khả năng mang theo 10 binh lính, tải trong hàng hóa tối đa khoảng 2038kg.
Tổng số trực thăng săn ngầm trên các tàu hải quân Trung Quốc bao gồm 42 chiếc: 19 chiếc Z-9А, Z-9С và 4 chiếc Ka-28 trên tàu khu trục, 19 chiếc Z-9А, Z-9С trên khinh hạm.
Như vậy có thể thấy rằng các trực thăng săn ngầm của Trung về số lượng khá đông nhưng chất lượng không thực sự nổi trội. Ngoài các trực thăng săn ngầm Ka-28 khá cũ được coi là đồng bộ thì các trực thăng Z-9 thực chất là một món hàng khá thập cẩm với cách chế tạo máy bay theo mẫu Pháp, tên lửa mẫu của Ý và hệ thống điện tử, trinh sát theo mẫu của Mỹ.
So với Việt Nam đây đều là những loại trực thăng săn ngầm quen thuộc. Trong biên chế của không quân Việt Nam hiện nay đều có mặt các loại máy bay săn ngầm Ka-28 cũng như "hàng xịn" Eurocopter SA 365 (tên gọi khác là AS365 Dauphin 2 - nguyên mẫu của Z-9C)
Tàu ngầm Kilo Việt Nam phá lưới trực thăng săn ngầm
Với lượng trực thăng săn ngầm đi kèm các chiến hạm đông đảo của Trung Quốc, để có thể bảo vệ an toàn cho các tàu ngầm Kilo, Việt Nam cần phải đánh mạnh vào phương tiện mang là các chiến hạm mang trực thăng. Để làm tốt điều này không có cách nào khác là phải thực hiện tác chiến hợp đồng một cách hết sức linh hoạt.
Khi tàu ngầm Kilo 636 làm nhiệm vụ, vào vùng hoạt động của trực thăng săn ngầm của đối phương, ta có thể dùng các phi đội không quân tiêm kích thực hiện làm chủ bầu trời sẵn sàng tiêu diệt các trực thăng săn ngầm của địch. Nên nhớ rằng để tìm ra được tàu ngầm Kilo giữa đáy Biển Đông mênh mông, các trực thăng săn ngầm cần một thời gian tuần tra tương đối dài chứ không phải là phát hiện ra ngay. Khi đó Su-27, Su-30, Su-22, MiG-21 Việt Nam đã có thể chế áp thành công trực thăng săn ngầm của đối phương.
Ngoài ra, sự hỗ trợ của các biên đội tàu mặt nước với các tên lửa chống hạm Kh-35E cũng có thể làm tê liệt các tàu chiến của địch khiến các trực thăng săn ngầm trở nên vô dụng.
Các tên lửa trong tổ hợp Club-K được trang bị trên tàu ngầm Kilo 636 của Việt Nam
Ngoài ra, không chỉ có ngư lôi với tầm bắn khá ngắn, Kilo 636 Việt Nam còn được trang bị tên lửa hành trình chống hạm 3M-54E tầm bắn 200 km và 3M-54E1 tầm bắn 300 km. Với tầm bắn này, tàu ngầm Kilo có thể hoạt động ở ngoài vòng các vùng kiểm soát của trực thăng săn ngầm mà vẫn hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt các tàu địch.