H-6K còn quan trọng hơn cả tàu ngầm hạt nhân
Theo các chuyên gia quân sự, sự xuất hiện của H-6K đã giúp lực lượng không quân chiến lược của Trung Quốc chiếm lĩnh vị trí của hạm đội tàu ngầm, vượt lên vị trí thứ hai khi xét về tầm quan trọng (chỉ sau khi Quân đoàn Pháo binh số hai - đơn vị tên lửa chiến lược trên đất liền của quân đội Trung Quốc).
Truyền thông Trung Quốc tuyên bố H-6K đã sẵn sàng tham chiến ở biển Đông. Máy bay này đã thực hiện diễn tập ném bom ở biển Đông nhằm thị uy với các nước liên quan.
Do sự bất lợi về mặt địa lý nên các máy bay đời mới như Su-35 và J-20 hay các máy bay cũ như Su-27… khi tham gia tác chiến trên biển Đông đều chỉ có thời gian hoạt động ngắn, cũng như chỉ mang được một số ít các loại vũ khí. Tuy nhiên, với các máy bay ném bom chiến lược H-6 thì vấn đề tầm bay cũng như lượng vũ khí mang theo đều có thể giải quyết được.
Xian H-6 (Tây An H-6) được sản xuất theo giấy phép sản xuất của loại máy bay ném bom phản lực hai động cơ Tupolev Tu-16 của Liên Xô .
Máy bay ném bom chiến lược H-6K dành cho tác chiến trên biển
Trung đoàn máy bay ném bom chiến lược H-6 của Trung Quốc
Việc chuyển giao những chiếc Tu-16 cho Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bắt đầu vào năm 1958 và tập đoàn Tập đoàn Công nghiệp máy bay Tây An (Tây Phi) đã ký một hợp đồng thỏa thuận với Liên Xô để nhận được giấy phép sản xuất loại máy bay này vào thập niên 1950. Chiếc Tu-16 đầu tiên do Trung Quốc sản xuất hay "H-6" trong cách gọi của người Trung Quốc, bay lần đầu tiên vào năm 1959. Việc sản xuất được thực hiện tại nhà máy ở Tây An, với ít nhất 150 chiếc đã được chế tạo trong thập niên 1990. Hiện nay, người ta ước lượng Trung Quốc còn sử dụng khoảng 120 chiếc.
So với các máy bay ném bom chiến lược của Nga như Tu-95MS, Tu-22M và Tu-160 thì tính năng của H-6 có thể kém xa nhưng đối với các nước khác thì H-6K thực sự là một ẩn số cần phải nghiên cứu kỹ.
Cùng với máy bay ném bom rơi tự do H-6, các phiên bản khác cũng được chế tạo, bao gồm máy bay ném bom hạt nhân khác với tên gọi "H-6A", máy bay trinh sát "H-6B", máy bay ném bom quy ước "H-6C", máy bay ném bom hạt nhân "H-6E" với những biện pháp đối phó cải tiến, và máy bay mang tên lửa chống tàu "H-6D".
H-6D được đưa vào hoạt động từ đầu thập niên 1980 và mang được một tên lửa chống tàu C-601 (tên mã của NATO: "Silkworm", một loại tên lửa chống tàu phóng từ trên không được phát triển dựa vào loại P-500 Permit của Liên Xô / tên mã của NATO là "Styx") dưới cánh. H-6D có các hệ thống hiện đại hóa và một vòm mở rộng mái che radar ở dưới mũi.
H-6 cũng được sử dụng như một máy bay tiếp dầu và làm máy bay mẹ để phóng máy bay không người lái.
Nhiều máy bay H-6A và H-6C đã được nâng cấp vào những năm 1990 để trở thành tiêu chuẩn "H-6F", cải tiến chính là một hệ thống dẫn đường hiện đại, với một thiết bị vệ tinh định vị toàn cầu ( hệ thống định vị toàn cầu ), radar dẫn đường Dopplerm và hệ thống dẫn đường quán tính.
Việc sản xuất mới được bắt đầu vào thập niên 1990, với phiên bản "H-6G", đây là một phiên bản chỉ huy trên không cho tên lửa hành trình phóng từ mặt đất. Tiếp theo là phiên bản "H-6H" mang theo được 2 tên lửa hành trình tấn công mặt đất; và hiện nay là phiên bản "H-6M" mang tên lửa hành trình đầu đạn hạt nhân, nó có 4 giá treo để mang tên lửa hành trình và được trang bị một hệ thống quét địa hình. Rõ ràng những phiên bản này không có khả năng mang bom bên trong và đa số hay tất cả vũ khí phòng thủ của chúng đều bị loại bỏ.
Phiên bản mới nhất là H-6K vừa được đưa vào trang bị năm 2011 dành cho mục đích tiêu diệt hạm tàu và ngay lập tức nhận được mối quan tâm của tất cả các nước. H-6K được lắp động cơ cải tiến, mạnh hơn là D-30KP2 của Nga, nhờ đó, tầm bay của máy bay đã tăng lên. Máy bay được trang bị thiết bị điện tử hàng không do Trung Quốc phát triển, trong đó có cả radar. Thân máy bay sử dụng nhiều vật liệu nhẹ và vật liệu composite.
Bán kính chiến đấu của H-6K của khoảng 3.500 km, mục tiêu chiến lược của nó đạt được 4.000 km đến 5.000 km. Nhờ tầm bay của mình và tầm bắn của tên lửa hành trình, H-6K có thể tấn công ở vùng biển xung quanh Trung Quốc, thậm chí tấn công sâu vào Guam, đe dọa đến đảo Hawaii, nơi đặt các căn cứ quân sự của Mỹ.
H-6K được lắp động cơ cải tiến D-30KP2 của Nga
Tải trọng H-6K sau khi nâng cấp đã tăng lên đến 12 tấn (H-6 chỉ mang được tải 9 tấn) để mang được nhiều tên lửa hành trình chống tàu hiện đại CJ-10A (lên đến 6 tên lửa, treo trên các mấu cứng dưới cánh). Tên lửa CJ-10 đạt tốc độ bay siêu âm Mach 1,5-2, mang theo một đầu đạn nặng 500 kg và thậm chí cả đầu đạn hạt nhân, độ chính xác tiêu diệt mục tiêu nhỏ hơn 10 m. Tên lửa CJ-10A có thể đánh chìm tàu sân bay, tàu khu trục cỡ lớn.
Bên cạnh đó, H-6K có thể mang các tên lửa hành trình đối hạm như C-801, C-802. Ngoài ra, còn nhiều loại bom dẫn đường vệ tinh và laser khác để thực hiện được các cuộc tấn công chính xác trên biển cũng như trên đất liền.
Động thái biên chế máy bay ném bom H-6K cho thấy tham vọng độc chiếm biển Đông của Trung Quốc ngày càng lớn, không chỉ muốn đe dọa các nước láng giềng mà còn muốn hù dọa cả Mỹ.
Với tên lửa CJ-10 và bán kính chiến đấu mở rộng, H-6K sẽ thực sự là một mối đe dọa lớn trên Biển Đông.
Cận cảnh khoang đặt bom trên máy bay ném bom H-6 của Không quân Trung Quốc
Trung Quốc công bố 12 máy bay ném bom H-6 với đầy đủ vũ khi đã cất cánh tham gia thả bom trên một vùng biển thuộc Biển Đông
Cách nào để Việt Nam hóa giải H-6K trên biển Đông
Trước hết phải lưu ý một điều rằng các thông số kỹ thuật của H-6K đều được phía Trung Quốc công bố và chưa được kiểm chứng. Có thể nhiều thông số và độ tin cậy không đạt được trạng thái này. Nhưng khi tìm hiểu cách hóa giải đều cần thiết phải xem xét các thông số này đều là thực.
Các máy bay ném nom chiến lược đều thiết kế thiên về khả năng bay xa, tải nặng nên tính cơ động và khả năng tự bảo vệ đều hạn chế. Để có thể tham gia tác chiến cần phải có lực lượng tiêm kích đi theo bảo vệ. Hiện tại Trung Quốc đang muốn phát triển J-20 để có thể tạo thành một cặp đôi tác chiến trên biển Đông.
Để ngăn chặn những chiếc H-6K trên hành trình tham gia tác chiến trên biển Đông, lực lượng tiêm kích Su-27, Su-30 của Việt Nam cần phải phát huy ưu thế địa lý cơ động, đánh chặn trên hành trình từ căn cứ ra biển Đông của H-6K.
Việc này đòi hỏi thời gian chuẩn bị, sẵn sàng chiến đấu phải đủ để đáp ứng tình hình, do vậy, công tác trinh sát, tình báo và cảnh giới phải luôn được chú trọng.
Hai vấn đề này ít nhiều Việt Nam đã rất thành công trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không khi đối đầu với lực lượng máy bay B-52 được yểm trợ bởi F-111, F-4…
Hệ thống phòng không tầm trung đa kênh Shtil-1 với cơ số 32 đạn tên lửa
Vùng hỏa lực của hệ thống phòng không tầm trung đa kênh Shtil-1
Hệ thống sử dụng đạn tên lửa 9M317ME tầm bắn tối đa đạt 50 km, độ cao tối đa 15km
Vấn đề tiếp theo là cần tăng cường phòng không hạm đội. H-6K nếu dùng bom làm vũ khí chính thì cần hạ xuống một độ cao nhất định cũng như tiếp cận khoảng cách đủ gần để cắt bom, do vậy, quân đội ta cần có một hệ thống phòng không hạm đội đủ mạnh để bảo vệ hạm đội tàu và các mục tiêu trên biển Đông.
Trong trường hợp sử dụng vũ khí chính là tên lửa hành trình thì hệ thống phòng không còn phải chống được cả tên lửa. Hiện tại, có thông tin tàu Gepard 3.9 mới của Việt Nam sẽ được trang bị hệ thống phòng không tầm trung đa kênh Shtil-1 với cơ số 32 đạn tên lửa. Hệ thống sử dụng đạn tên lửa 9M317ME với tầm bắn tối đa đạt 50 km, độ cao tối đa 15km. Nếu đúng, đây chính là vũ khí hóa giải ẩn số H-6K của Việt Nam.
Như vậy, có thể thấy rằng, để hóa giải H-6K, cần dự báo sớm được tình huống cũng như nâng cao năng lực tác chiến của lực lượng không quân hải quân và bổ sung hệ thống phòng không hạm đội.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần nhớ rằng một điều quan trọng nữa sẽ giúp Việt Nam giành chiến thắng chính là cách đánh sáng tạo, linh hoạt. Hai chiến hạm Gepard 3.9 mới cho Việt Nam với những tính năng được tăng cường, kết hợp với chiến thuật thông minh, kinh nghiệm chiến đấu dày dạn của quân đội ta, hoàn toàn có thể làm nên kỳ tích, vô hiệu hóa H-6K của Trung Quốc.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!