Mãi cho đến đầu năm 1973, Hải quân Nhân dân Việt Nam mới hoàn thành việc tiếp nhận và huấn luyện sử dụng 4 tàu tên lửa cao tốc Komar (Đề án 183R) mang tên lửa diệt hạm P-15, do Liên Xô viện trợ. Như vậy, trong suốt hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân của Mỹ (1965-1972), phía ta không hề có tên lửa diệt hạm - vũ khí hiệu quả nhất để chống tàu chiến.
Trong khi đó, bên cạnh những phi vụ oanh tạc sâu trong đất liền bằng máy bay của hàng không mẫu hạm, hải quân Mỹ cũng rất chú trọng việc bắn phá miền Bắc bằng hải pháo trên hạm tàu hải quân. Tuy pháo của hạm tàu có tầm bắn ngắn hơn nhiều so với tầm hoạt động của máy bay, nhưng việc sử dụng các pháo cỡ nòng lớn và rất lớn (127mm, 203mm, 406mm …) để bắn phá có chi phí rẻ hơn nhiều so với các phi vụ oanh tạc. Quân đội Nhân dân Việt Nam bấy giờ chưa có các tên lửa diệt hạm, nên việc bắn phá bằng pháo hạm tàu cũng tỏ ra ít nguy hiểm hơn ném bom bằng không quân.
Trong hai cuộc chiến tranh thế giới, khi tên lửa diệt hạm còn chưa phát triển, để lực lượng phòng thủ bờ biển có đủ tầm bắn và uy lực chống lại tàu chiến đối phương, cần sử dụng những pháo cỡ nòng rất lớn (203mm, 305mm, 406mm …) tương đương với loại pháo được trang bị trên các thiết giáp hạm. Những khẩu pháo này có sức cơ động rất kém, nên thường được đặt cố định trong những pháo đài cực kì kiên cố ven bờ biển, có hỏa lực phòng không bảo vệ để chống lại máy bay ném bom. Tuy nhiên, Việt Nam không có những khẩu hải pháo cỡ lớn như vậy. Và nếu có, chúng cũng khó có thể tồn tại nổi trong điều kiện bị kẻ địch chiếm ưu thế tuyệt đối trên không đánh phá với cường độ cao.
Trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), khi phải đối đầu với hạm đội cực mạnh của Mỹ, pháo binh bờ biển Quân đội Nhân dân Triều Tiên cũng đã thể hiện những nỗ lực đáng kể. Nhưng do tầm bắn hạn chế của pháo 76,2mm và 106,7mm, nên pháo binh Triều Tiên chỉ có thể công kích hiệu quả khi tàu địch vào rất gần bờ (dưới 5km), và uy lực sát thương cũng không cao. Từ kinh nghiệm của bạn, những người lính pháo binh Việt Nam hiểu rằng: Sẽ rất khó để có thể đánh chìm các tàu chiến lớn của Mỹ bằng pháo bờ biển. Tuy nhiên, không thể khoanh tay đứng nhìn hạm tàu địch vào sát bờ nã pháo tàn sát đồng bào, các chiến sĩ ta bước vào một cuộc chiến không cân sức với kẻ thù.
Năm 1958, cuộc thực nghiệm bắn biển và xây dựng trận địa pháo trên địa hình đất cát được Trường Sĩ quan Pháo binh tổ chức tại bãi biển Sầm Sơn - Thanh Hóa. Các sĩ quan pháo binh giàu kinh nghiệm của miền Bắc đã sớm nhận ra những khó khăn chờ đợi họ ở phía trước: Đế quốc Mỹ sẽ đưa đến Việt Nam những tàu chiến hiện đại: khu trục hạm, tuần dương hạm, thiết giáp … mang pháo lớn 127mm, 203mm, 406mm … với tốc độ bắn cao, uy lực sát thương lớn, lại được hỗ trợ bởi các thiết bị điện tử hiện đại như radar, máy tính… giúp tăng độ chính xác cho pháo. Rút kinh nghiệm từ chiến tranh Triều Tiên, chúng cũng sẽ hạn chế vào quá gần bờ, mà thường chỉ bắn phá những mục tiêu cách bờ biển khoảng 20km. Khi bị pháo binh bờ biển tấn công, chúng sẽ dùng màn khói, ánh sáng … để ngụy trang, đồng thời nhanh chóng tăng tốc chạy ra xa bờ, và phản pháo dữ dội vào trận địa ta.
Trong khi đó, cuộc thử nghiệm bắn biển ở Sầm Sơn mang đến những tin không mấy tốt đẹp: Để chiến đấu chống lại những tàu chiến hiện đại của Mỹ, Việt Nam chỉ có những khẩu pháo mặt đất. Đây là vũ khí rất uy lực trên bộ, nhưng bộc lộ rất nhiều hạn chế khi đối hải. Các loại pháo mặt đất có yếu lĩnh bắn chậm, không có máy đo tốc độ mục tiêu, không thích hợp để bắn các mục tiêu lẻ, có khả năng cơ động cao như tàu chiến.
Năm 1965, cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân của địch bắt đầu. Các đơn vị pháo binh bờ biển của ta vẫn sử dụng phương pháp bắn “Vin-va” đã lạc hậu, chuẩn bị phần tử và đánh dấu mục tiêu để bắn tàu chiến. Pháo ta không chỉ có tầm bắn ngắn hơn, mà cả tốc độ bắn và uy lực sát thương đều thua kém pháo của tàu địch.
Trước tình hình đó, các cán bộ, giáo viên của Bộ Tư lệnh Pháo binh và Trường Sĩ quan Pháo binh là Nguyễn Văn Bính, Đỗ Nguyên Đương và Trần Đình Luyện đã nhận nhiệm vụ nghiên cứu thay đổi phương pháp bắn cho pháo binh bờ biển, giúp pháo mặt đất có thể đối phó có hiệu quả với mục tiêu tàu chiến. Đồng chí Đỗ Nguyên Đương nhận nhiệm vụ nghiên cứu lí luận bắn, đồng chí Trần Đình Luyện lãnh trọng trách nghiên cứu thước bắn biển kiểu mới. Các giáo viên của Trường Sĩ quan Pháo binh được tung về các đơn vị chiến đấu để thực nghiệm phương pháp bắn tàu chiến địch.
Những thành công đầu tiên bắt đầu đến với pháo binh bờ biển Việt Nam. Ngày 13-4-1967, giáo viên xạ kích Trần Xuân Khuê đi cùng tiểu đoàn 1, trung đoàn pháo binh 204 đưa 4 khẩu pháo 130mm về Thanh Hóa bố trí trận địa để đánh tàu chiến địch. Do pháo đặt trên nền cát, chèn càng pháo bằng bó trúc nên không đảm bảo độ chính xác khi bắn; đơn vị đã thay thế bó trúc bằng khối gỗ đặc hình hộp chữ nhật, đảm bảo độ vững chắc cho pháo bắn. Kết quả, tiểu đoàn 1 đã dùng pháo 130mm bắn cháy tàu khu trục USS Turner Joy (DD-951) của Mỹ.
Hiệu quả của phương pháp bắn mới đã được khẳng định. Thước bắn biển kiểu mới được đặt tên là B68, và bắt đầu được sản xuất trang bị cho pháo binh. Thước bắn biển B68 kiểu “càng cua”, gồm có thân thước, du tiêu và thanh trượt. Chiều dài thân thước tương ứng với tầm bắn lớn nhất của pháo, theo tỉ lệ 1:25.000 và 1:50.000. Sử dụng thước bắn biển B68 có thể tính phần tử đo đạc của khởi điểm, hệ số vận động; đồ giải lượng sửa điều kiện bắn và trực tiếp tìm phần tử đầu tiên của điểm bắn đón, rút ngắn đáng kể thời gian tính phần tử bắn đón, bảo đảm bắn nhanh, bắn liên tục, sát thương mục tiêu vận động phức tạp. Đây là cơ sở để xây dựng qui tắc bắn biển của pháo binh năm 1968, mang lại hiệu quả cao.
Ngày 28-10-1968, trung đoàn 204 lại tổ chức một trận đánh thành công với sự hỗ trợ đắc lực của thước bắn biển B68: 4 khẩu pháo 130mm của tiểu đoàn 21 bố trí ở bờ biển Vĩnh Linh đã bắn cháy thiết giáp hạm USS New Jersey (BB-62) - một thiết giáp hạm rất mạnh được trang bị pháo 406mm và 127mm của Mỹ. Thành công này đã chứng tỏ hiệu quả của thước bắn biển B68. Từ đây, pháo binh bờ biển Việt Nam đã có thể sử dụng các pháo cỡ nòng lớn để công kích tàu chiến địch với hiệu quả cao, hạn chế đáng kể việc bắn phá của đối phương. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, pháo binh bờ biển Việt Nam đã bắn cháy, bắn bị thương 122 tàu chiến các loại của địch, bắn chìm nhiều tàu biệt kích xâm nhập vùng biển.
Theo đại tá Nguyễn Văn Khiếu - nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Pháo binh, thì trong kháng chiến chống Mỹ, trước tình hình trang bị của pháo binh bờ biển Việt Nam thua kém nhiều so với đối thủ, nhà trường đã được giao nhiệm vụ chỉ huy cụm pháo binh bờ biển Sầm Sơn - Thanh Hóa nghiên cứu sử dụng tên lửa phòng không C-75 (tức SAM-2) của Liên Xô để đánh tàu chiến địch. Đích thân hiệu trưởng nhà trường lúc bấy giờ là Nguyễn Hữu Mỹ đã về Thanh Hóa làm cụm trưởng pháo binh bờ biển. Đi cùng ông có rất nhiều cán bộ, giáo viên nhà trường, tham gia chuẩn bị cho trận đánh diệt tàu địch bằng tên lửa phòng không.
C-75 vốn là tổ hợp tên lửa phòng không, nhưng vẫn có thể bắn được mục tiêu mặt đất, mặt nước, với điều kiện mục tiêu phải có bề mặt phản xạ điện từ lớn (để bám bắt bằng radar) hoặc góc tà dương lớn (để bám sát bằng khí tài quang học). Đạn V-750 của tổ hợp tên lửa C-75 có tầm bắn lên đến 30km, mang đầu đạn nặng 190kg, khi bắn mục tiêu mặt nước sẽ bay vọt lên cao rồi “bổ nhào” xuống mục tiêu.
Dĩ nhiên, việc sử dụng một tổ hợp tên lửa phòng không như C-75 để đánh tàu chiến địch chỉ là biện pháp bất đắc dĩ, và khá tốn kém. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, đó là loại vũ khí mạnh nhất mà chúng ta có được. Một tiểu đoàn tên lửa C-75 có thể phóng liên tiếp 3 đạn về phía mục tiêu. Nếu như việc thử nghiệm bắn biển ở Sầm Sơn thành công, hoàn toàn có thể nghĩ đến những trận đánh hợp đồng giữa pháo binh và tên lửa, đánh đồng thời bằng nhiều đạn để tăng hiệu quả sát thương, gây tiếng vang lớn, khiến kẻ địch không dám vào gần bờ bắn phá nữa.
Không có nhiều tài liệu nhắc đến cuộc thử nghiệm trên bờ biển Sầm Sơn năm xưa. Nhưng chắc chắn rằng các sĩ quan pháo binh Việt Nam đã phải mất rất nhiều công sức để lên kế hoạch, nghiên cứu cách bố trí trận địa, trinh sát mục tiêu, và quan trọng nhất là khâu dẫn bắn cho tên lửa đánh trúng tàu địch. Tiếc rằng, khi mọi thứ đã sẵn sàng, thì suốt 2 tháng trời sau đó, tàu chiến Mỹ không hề dám bén mảng đến vùng biển Sầm Sơn. Mất rất nhiều thời gian chờ đợi, việc thử nghiệm đánh tàu địch bằng tên lửa phòng không đành phải gác lại, các giáo viên trở về trường nhận nhiệm vụ mới.
Cho đến khi những quả tên lửa diệt hạm P-15 đầu tiên về đến Việt Nam cùng với các tàu tên lửa cao tốc Komar, cũng là lúc vùng biển Việt Nam sạch bóng những chiến hạm Mỹ. Có lẽ, sau cuộc chiến ròng rã suốt 7 năm trời với rất nhiều tàu chiến bị bắn cháy, người Mỹ cũng đã nhận được bài học: Không pháo hạm nào, dù to lớn, hùng mạnh đến đâu có thể khuất phục nổi ý chí chiến đấu của những người Việt Nam giàu lòng yêu Tổ quốc.
USS New Jersey BB-62 - Một trong những chiến hạm của Mỹ tham chiến tại Việt Nam