Tuy nhiên, Liên Xô và Nga còn có một tình báo nữa cũng hoạt động rất hiệu quả tuy ít nổi tiếng hơn- đó là cơ quan tình báo quân sự (Tổng cục tình báo trực thuộc Bộ Tổng tham mưu các Lực lượng vũ trang Nga hiện nay- GRU). Nhân kỷ niệm 68 năm chiến thắng Phát xit Đức, xin giới thiệu với bạn đọc một số thông tin về cơ quan tình báo này. Nguồn từ các thông tin công khai trên các báo Nga.
Vào các giai đoạn khi mà tình hình quốc tế trở nên phức tạp, xuất hiện các mối đe dọa an ninh quốc gia, xuất hiện các nguy cơ xảy ra chiến tranh hoặc các xung đột quân sự, kể cả khi tiến hành cải cách lực lượng vũ trang, cắt giảm quân số và vũ khí thì vai trò và vị trí của cơ quan tình báo quân sự trong việc cung cấp các tin tức đáng tin cậy, chính xác cho giới lãnh đạo chính trị và quân sự càng trở nên đặc biệt quan trọng.
Để có thể đưa ra được các quyết sách phù hợp với tình hình, giới lãnh đạo chính trị- quân sự phải có trong tay các tin tức chính xác về cán cân lực lượng trên thế giới, các xu hướng phát triển tình hình chính trị- quân sự, mức độ các mối đe dọa chính trị - quân sự, thực trạng (kể cả về số lượng và chất lượng) vũ khí- trang bị kỹ thuật và sinh lực cũng như tiềm lực phát triển trang bị, vũ khí của đối phương tiềm năng. Thu thập, xử lý các thông tin cần thiết nói trên chính là nhiệm vụ hàng đầu của tình báo quân sự.
Từ cách nhìn như vậy, ta hãy điểm lại hoạt động và hiệu quả công tác của Cơ quan tình báo quân sự Liên Xô và Nga, mốc thời gian tính từ thời kỳ trước khi Phát xít Đức tấn công Liên Xô cho đến nay. (Từ khi thành lập đến nay, Tổng cục tình báo Bộ Tổng tham mưu các LLVT LB Nga đã có nhiều lần đổi tên, thay đổi tổ chức biên chế).
Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại
Chiến tranh là một thử thách khốc liệt đối với toàn bộ hệ thống tình báo quân sự, các cán bộ tình báo quân sự Xô Viết và năng lực của họ trong việc thực hiện nhiệm cụ đảm bảo tin tức tình báo cho Lãnh đạo đất nước, Bộ quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu về những mối đe dọa và các kế hoạch của Bộ tư lệnh tối cao Quân đội Đức quốc xã cả trong thời kỳ trước chiến tranh và trong suốt cuộc chiến tranh vệ quốc.
Trước chiến tranh, Bộ tư lệnh tối cao phát xít Đức đã chuẩn bị nhiều kế hoạch nhằm tiêu diệt Liên Xô. Nổi tiếng nhất là kế hoạch “Barbaros” với các mục tiêu là tiến hành một chiến dịch quân sự nhằm đánh tan Hồng quân, chiếm đóng lãnh thổ Liên Xô theo tuyến Arkhangelsk- Volga- Astrakhan và phá hủy tiềm lực công nghiệp Liên Xô.
Yếu tố chính trị cấu thành của chiến dịch này là tiêu diệt Liên Xô với tư cách là một quốc gia và trên lãnh thổ Liên Xô thành lập khoảng 10 quốc gia bù nhìn (Litva, Latvia, Estonia, Belarusia, Ucraina, các nước cộng hòa Bắc Káp kaz và v.v). Trên các khu vực lãnh thổ bị chiếm đóng dự kiến sẽ tiêu diệt hết người Do thái và một nửa dân số Nga .
Để đánh giá đúng hiệu quả hoạt động của Cơ quan tình báo quân sự cần chú ý tới một đặc điểm là trước chiến tranh Cơ quan này đã phải trải qua một đợt thanh trừng tổ chức và cán bộ khốc liệt. Chỉ trong vòng 2 năm rưỡi, đã có tới 5 cục trưởng bị bắt và bị xử bắn (lúc bấy giờ mới là Cục tình báo): Ian Berzin, Semen Uritskin, Semen Gendin, Alecxandr Orlov, Ivan Prokurov.
Trước khi bị bắt không lâu, anh hùng Liên Xô - trung tướng Ivan Prokurov (cục trưởng khi đó) đã báo cáo với Dân ủy quốc phòng (bộ trưởng quốc phòng), nguyên soái Liên Xô S. Timosenkho như sau: “2 năm trở lại đây là giai đoạn thanh lọc các phần tử xa lạ và thù địch tại các cục và cơ quan tình báo. Trong thời gian đó, Bộ nội vụ đã bắt giữ 200 người, thay toàn bộ đội ngũ lãnh đạo từ cấp trưởng phòng trở lên”.
Mặc dù bị thanh lọc (đúng hơn là thanh trừng) như vậy, mạng lưới điệp viên và các cơ quan tình báo còn lại vẫn đảm bảo cho giới lãnh đạo đất nước những thông tin rất quan trọng về việc Đức chuẩn bị tấn công.
Từ các báo cáo của Cục tình báo thời gian đó (nay đã giải mật) cho phép rút ra những kết luận sau: 1/ Tình báo quân sự đã cung cấp những bằng chứng không thể bác bỏ về việc Đức chuẩn bị tấn công Liên Xô.
2/ Không những thế, đã xác định được thời điểm tấn công, cụ thể - vào nửa sau tháng 6, trong vòng 48 tiếng đồng hồ sau 3 giờ sáng ngày 22 tháng 6 (Đức tấn công Liên Xô vào 3 giờ 30 sáng ngày 22/06 ).
3/Giới lãnh đạo Xô Viết cũng đã được thông báo về những đồng minh sẽ tham gia tấn công cùng với Đức và cụ thể là: Rumani, Hung gary và Phần Lan.
4/ Tiếp theo đó, tình báo quân sự cũng đã cung cấp tin về việc số lượng các binh đoàn Đức tập trung dọc biên giới với Liên Xô và họ tên cụ thể của tư lệnh các binh đoàn lớn của Quân Đức.
Các thông tin trên của Cục tình báo đã giúp giới lãnh đạo đất nước đánh giá chính xác tình hình chính trị- quân sự và rút ra những kết luận cần thiết. Mặc dù trong báo cáo gửi Dân ủy quốc phòng của Cục trưởng - trung tướng Filip Golikov ngày 20 tháng 3 năm 1941 có ý kiến rằng:
“Nên coi những tin đồn và tài liệu nói về chiến tranh không thể tránh khỏi chống Liên Xô mùa xuân năm nay là các thông tin giả” nhưng những đánh giá về các sự kiện nửa đầu năm 1941, thông tin về quan điểm của Đức và Anh cũng như về các kế hoạch chiến lược quân sự của Đức nhìn chung là khách quan và chính xác. Trong trường hợp này cần phải rất thông cảm với F. Golikov vì nếu nhận xét khác đi thì trong bối cảnh lúc đó chính Golikov đã tự tay ký bản án tử hình cho mình.
Có một thực tế là các cán bộ tình báo quân sự, các điệp viên và nguồn tin của họ đã thu thập thông tin về các kế hoạch chính trị- quân sự của Đức trong những điều kiện vô cùng phức tạp, dưới sự kiểm soát gắt gao của các cơ quan phản gián Đức và liên tục chịu nhiều rủi ro tính mạng.
Như mọi người đã biết, điệp viên “Alta” (ảnh trên) và người cung cấp tin cho bà trong Bộ ngoại giao Đức với mật danh” Ariets”, -người kịp thời cung cấp các kế hoạch tấn công Liên Xô của Đức đã bị bắt và bị hành hình. Trong các chiến dịch phản gián với mật danh “Krasnaia Kapella” của Gestapo chống lại các lưới điệp báo của tình báo Xô Viết tại các nước Tây Âu đã có 129 người bị bắt, trong số đó có 49 người bị tử hình.
Cũng có một sự thật cay đắng đầy nghịch lý thời kỳ này: một số cán bộ tình báo Xô Viết, trong đó có 02 tổ trưởng tổ điệp báo của Cục tình báo ở Pháp, Bỉ và Thụy Sỹ là Leopold Trepper và Shandor Rado, thoát được sự bắt bớ của các cơ quan phản gián Đức nhưng khi về đến Matxcova thì lại bị bắt và bị kết án tù - Leopol Trepper – 15 năm tù và Shandor Rado-10 năm tù vì “hoạt động gián điệp” chống Liên Xô.
Khi cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại bắt đầu và trong suốt thời kỳ chiến tranh, các nỗ lực của tình báo quân sự tập trung chủ yếu vào việc thu thập tin tức chính xác về các kế hoạch của Bộ tư lệnh tối cao Đức, hoạt động và năng lực của nền công nghiệp quân sự Đức và các nước vệ tinh, về việc liệu Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ có cùng với Đức tấn công Liên Xô hay không.
Trong thời gian chiến dịch Matxcova, tổ trưởng điệp báo bất hợp pháp ở Nhật Bản là Richard George ngày 14 tháng 9 đã cung cấp tin là Chính phủ Nhật đã quyết định trong năm 1941 không tấn công Liên Xô. Chính nhờ thông tin trên mà Bộ tư lệnh Xô Viết đã quyết định điều 10 sư đoàn đủ quân từ Viễn Đông sang mặt trận Xô- Đức, - đây là một một sự kiện có ý nghĩa cực kỳ quan trọng quyết định thắng lợi của Quân đội Xô Viết trong chiến dịch tại ngoại ô Matxcova cuối năm 1941.
Tiếp theo đó, nhiệm vụ của tình báo quân sự là phải nắm được các kế hoạch tác chiến của Bộ tư lệnh tối cao Đức trong năm 1942. Cơ quan tình báo quân sự đã xác định được là hướng tấn công chủ yếu trong năm 1942 của Bộ tư lệnh tối cao Đức là phía nam Liên Xô.
Để giữ bí mật hướng tấn công chủ yếu, người Đức đã soạn một kế hoạch giả với mật danh “Kremlin” và sử dụng các biện pháp nghi binh và nghiệp vụ nhằm làm cho Bộ tư lệnh tối cao Xô Viết tin rằng hướng tiến công chiến lược chủ yếu vẫn là hướng miền trung Liên Xô để chiếm Matxcova như năm 1941.
Các điệp viên của Cục tình báo đã cảnh báo Bộ Tổng tham mưu Xô Viết về việc Đức chuẩn bị đợt tấn công mùa xuân theo hướng Kapkaz và Xtalingrad. Trong báo cáo gửi Bộ Tổng tham mưu có đoạn ghi rõ: “Trọng tâm đợt tấn công mùa xuân sẽ được chuyển về hướng nam cùng với các đòn tấn công hỗ trợ ở hướng bắc, đồng thời sẽ có các chiến dịch nghi binh ở hướng Trung tâm nhằm vào Matxcova.
Thời hạn bắt đầu đợt tấn công mùa xuân nhiều khả năng sẽ vào trung tuần tháng 4 hoặc đầu tháng 5 năm 1942”. Rất tiếc là những thông tin trên của tình báo quân sự đã không được chú ý, và Quân đội Xô Viết đã phải trả giá đắt.
Trong các chiến dịch tiếp theo của chiến tranh vệ quốc, tình báo quân sự đã cung cấp các tin tức tình báo chính xác cho Bộ tư lệnh tối cao Xô Viết để đưa ra các quyết định mang tính chiến lược. Nguyên soái Liên Xô G. Zukov đã đánh giá đóng góp của tình báo quân sự trong chiến dịch đập tan Quân Đức ở vòng cung Kursk (1943) như sau:
“Bằng tất cả các phương thức và các hình thức hoạt động của mình, tình báo quân sự đã cung cấp cho Bộ tư lệnh tối cao và bộ tư lệnh các phương diện quân thông tin xác định được chính xác thời điểm quân Đức chuyển sang tấn công là trong khoảng thời gian từ ngày 03 đến 06 tháng 7”.
Trên thực tế, Quân Đức đã bắt đầu tấn công vào ngày 5 tháng 7, - các tin tình báo chính xác trên đã cho phép quân đội Xô Viết đánh các đòn phủ đầu, giành chiến thắng cuối cùng và cũng từ thời điểm đó hoàn toàn giữ quyền chủ động trên chiến trường cho đến khi kết thúc chiến tranh.
Tình báo Quân sự cũng đã có những đóng góp to lớn không chỉ cho các chiến dịch trên chiến trường Châu Âu mà còn trong việc đánh tan đạo quân Quan Đông của Nhật Bản. Không phải ngẫu nhiên khi theo chỉ thị của Xtalin, người thay mặt Chính phủ Xô Viết ký hiệp ước đầu hàng của Nhật Bản chính là trung tướng tình báo Kuzma Derevianko. Phải coi đây là sự đánh giá rất cao của chính bản thân Xtalin đối với Cơ quan tình báo quân sự.
Dự án hạt nhân
Chiến tranh kết thúc. Nhưng những kỳ vọng của nhân dân thế giới được sống trong hòa bình đã không trở thành hiện thực. Thời kỳ chiến tranh nóng được thay thế bằng thời kỳ chiến tranh lạnh với một thành tố mới xuất hiện là vũ khí hạt nhân.
Mốc khởi đầu của chiến tranh lạnh chính là thời điểm mà Mỹ ném bom hạt nhân xuống 2 thành phố Hirosima và Nagasaki của Nhật Bản. Làm giàu nhờ chiến tranh, Mỹ bắt đầu thực hiện chính sách nhằm tiêu diệt Liên Xô với hướng ưu tiên là sử dụng vũ khí hạt nhân.
Nếu xét từ góc độ quân sự thì việc Mỹ ném bom hạt nhân xuống 2 thành phố của Nhật Bản hoàn toàn không có ý nghĩa gì vì vào thời điểm Nhật đã thua trận. Bản chất của nó chính là sự phô trương sức mạnh quân sự để đe dọa Liên Xô.
Giới lãnh đạo và các nhà khoa học Xô Viết đã hiểu được điều đó và cũng hiểu những ưu thế của việc sở hữu vũ khí hạt nhân từ trước chiến tranh vệ quốc. Ngay từ khi đó, tình báo quân sự đã rất tích cực tìm cách thu thập thông tin về các nghiên cứu trong lĩnh vực vũ khí nguyên tử do Mỹ và Anh tiến hành.
Trước chiến tranh, vào tháng 12 năm 1940 nhân viên Cơ quan Tùy viên quân sự Liên Xô tại Luân Đôn Semen Cremer đã nhận được từ nhà khoa học Anh C. Fuchs 570 trang tài liệu gồm các thông tin về các nghiên cứu phân rã Urani và chế tạo bom nguyên tử.
Vào tháng 2 năm 1942, Cục tình báo đã giao nhiệm vụ thu thập các tài liệu nghiên cứu về nguyên tử cho tổ trưởng tổ điệp báo bất hợp pháp tại New York là Ian Chernhiak và ông này, thông qua Fuchs đã tổ chức việc khai thác thông tin về các hướng nghiên cứu chủ yếu về Urani. C.Fuchs đã chuyển cho Chernhiak gần 130 trang tài liệu, trong đó có các số liệu về các thiết bị phân tách các đồng vị Urani, bản mô tả kỹ thuật quy trình thu Plutoni, bản vẽ lò phản ứng Urani.
Tháng 4 năm 1944, một tổ trưởng tổ điệp báo bất hợp pháp khác tại New York Artur Adam qua điệp viên của mình đã tổ chức tiếp nhận thành công 2.500 trang tài liệu tuyệt mật về dự án hạt nhân, kèm theo đó là các mẫu urani, berili, grafit và nước nặng. Trong thư mật gửi Cục trưởng tình báo, Adams đã báo cáo về kế hoạch ném bom nguyên tử xuống các thành phố Nhật Bản của Mỹ.
Tháng 2 năm 1945, nhân viên Tùy viên quốc phòng tại Canada Pavel Angelov đã khôi phục được liên lạc với nhà khoa học Fuchs mới đến từ Anh, và ông này đã chuyển nhiều tài liệu mật để P.Angelov chụp lại. Trong số đó có bản thuyết minh kỹ thuật thiết bị tách đồng vị của Urani và thu Plutoni, bản báo cáo của Enricho Fermy về thiết bị và các nguyên tắc hoạt động của lò phản ứng Urani, các mẫu Urani 235 và 233.
Ngoài Adams và Chernhiak, tại Mỹ còn có một sỹ quan tình báo bất hợp pháp khác của Cục tình báo là George Koval làm việc tại một cơ sở bí mật của lực lượng đặc nhiệm Mỹ ở Oak- Ridge, nơi có hàng nghìn các nhà khoa học, kỹ sư, các chuyên gia kỹ thuật đang làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu năng lượng hạt nhân.
G.Koval đã thu thập được nhiều thông tin về các cơ sở nguyên tử bí mật của Mỹ, xác định được cơ cấu, khối lượng sản xuất nguyên liệu hạt nhân, số lượng các chuyên gia được huy động và thiết lập được liên lạc được với một số điệp viên tại các cơ sở hạt nhân bí mật khác trong chương trình này.
Tình báo quân sự đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo cho giới lãnh đạo chính trị- quân sự và các nhà khoa học Xô Viết những thông tin về công tác nghiên cứu khoa học ở Mỹ, Anh, Canada trong việc chế tạo vũ khí nguyên tử.
Vào các năm 1941-1945, các sỹ quan tình báo quân sự đã thu thập được 6.000 trang tài liệu mật và 25 mẫu có liên quan đến việc sản xuất Uran vũ khí và quy trình làm giàu Urani. Những thông tin mà tình báo quân sự thu thập được trong lĩnh vực này đã cho phép các nhà khoa học Xô Viết đẩy nhanh tiến trình chế tạo quả bom nguyên tử đầu tiên của Liên Xô.
Để có thể đánh giá hết tầm quan trọng của những tin tức trên trong lĩnh vực hạt nhân, xin dẫn lời của Viện sỹ I. Kurchatov nói với Bộ trưởng Bộ công nghiệp hóa học Liên Xô M. Pervukhin ngày 7 tháng 3 năm 1943 như sau: ”Những tài liệu thu thập được có một ý nghĩa vô cùng to lớn và vô giá đối với quốc gia và nền khoa học của chúng ta… Cũng cần phải nhận xét thêm rằng, toàn bộ các tài liệu thu thập được đã chỉ ra những khả năng kỹ thuật giúp giải quyết toàn bộ vấn đề trong một thời gian ngắn hơn rất nhiều..”
Trước khi V. Stalin đi dự Hội nghị Postdam, ông đã nhận được một báo cáo của Cục tình báo, trong đó có đoạn: “Vào tháng 7 năm nay nhiều khả năng là sẽ có một vụ thử bom nguyên tử đầu tiên”. Cũng trong bản báo cáo này, các cán bộ của Cục đã trình bày chi tiết các đặc tính kỹ thuật và mô tả bom nguyên tử, cũng như thông báo cụ thể về ngày tiến hành vụ nổ thử nghiệm đầu tiên – 10 tháng 7 năm 1941.
Vụ thử bom nguyên tử đầu tiên của Liên Xô vào ngày 29 tháng 8 năm 1949 có thể thực hiện được là nhờ rất nhiều vào những tin tức mà các sỹ quan tình báo quân đội khai thác được. Cuộc thử nghiệm thành công này đã đặt dấu chấm hết cho sự độc quyền của Mỹ trong việc sở hữu vũ khí hạt nhân và làm thay đổi căn bản cán cân lực lượng trên thế giới.
Vì sự dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng khi thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt, các sỹ quan tình báo quân sự Ian Chernhiak, George Koval và Artur Adams đã lần lượt được truy tặng danh hiệu anh hùng Liên Bang Nga vào các năm 1994, 1995 và 1999.
(Còn tiếp)