Thảm kịch từ một quyết định đầy ẩn số
Từ những năm 1990, sau khi Liên Xô (cũ) tan rã, những thông tin về tai nạn đầu tiên của tàu ngầm hạt nhân thời Xô Viết bắt đầu rò rỉ. Theo đó, tàu K-219 chỉ là nạn nhân thứ hai. Trước đó ba năm, tàu ngầm nguyên tử K-429 đã gặp nạn trong một lần luyện tập ở vùng biển ngoài khơi bán đảo Kamchatka (thuộc vùng Viễn đông).
Tuy nhiên, vì nhiều lý do nhạy cảm, thảm kịch này đã không được công khai rộng rãi. Mọi thông tin về vụ việc được giữ bí mật tuyệt đối. Nhiều người cho rằng, nếu những "kinh nghiệm xương máu" của vụ tai nạn này được phổ biến, rất có thể tàu K-219 đã tránh được thảm họa ba năm sau đó.
Sau nhiều năm kiên trì nghiên cứu tài liệu và phỏng vấn các nhân chứng năm xưa, chi tiết về thảm kịch của tàu K-429 năm 1983 đã được cựu Đô đốc Hải quân Liên Xô Nikolai Mormul mô tả lại một cách khá chi tiết trong cuốn "Thảm họa dưới nước". Theo đó, "niềm tự hào của Hải quân Xô Viết" khi đó đã chìm xuống đáy đại dương chỉ vì một quyết định sai lầm, rất khó hiểu của chỉ huy cấp cao.
Cuối mùa xuân năm 1983, tàu ngầm hạt nhân K-429 trở về neo đậu tại căn cứ bên bờ biển bán đảo Kamchatka để tiến hành bảo dưỡng sửa chữa theo kế hoạch. Theo dự định, phải đến mùa thu năm đó, K-429 mới lại ra khơi phục vụ các chuyến đào tạo bắn ngư lôi.
Do đó, thuyền trưởng Nikolai Suvorov đã cho hầu hết thủy thủ đoàn nghỉ phép, về thăm nhà sau nhiều ngày tháng biền biệt ngoài biển khơi. Nhưng khi việc bảo dưỡng con tàu mới chỉ bắt đầu, ông bất ngờ nhận được mệnh lệnh của cấp trên: Đợt tập huấn sẽ tiến hành ngay trong mùa hè, thay vì mùa thu. Đây là một quyết định cực kỳ khó hiểu, bởi ai cũng biết, K-429 đang trong thời gian bảo dưỡng, sửa chữa. Việc diễn tập các nội dung chiến đấu với một con tàu như thế là chưa từng xảy ra trong lịch sử hải quân thế giới, vì nó quá nguy hiểm.
Đem băn khoăn này trình bày với cấp trên, thuyền trưởng Nikolai Suvorov chỉ nhận được câu trả lời ngắn gọn rằng, quyết định này nhằm kiểm tra khả năng "chiến đấu trong mọi tình huống" của K-429. "Quân lệnh như sơn", ông không còn cách nào khác là vội vã gọi thủy thủ đoàn của mình quay lại và đưa con tàu đang bảo dưỡng dở này ra khơi, thực hiện nhiệm vụ "đột xuất" đầy mạo hiểm.
Hệ thống cảnh báo vô hiệu
Do các thủy thủ về nghỉ phép tại rất nhiều vùng quê xa xôi khác nhau nên không phải ai cũng kịp quay lại tàu trong một thời gian ngắn như vậy. Nhiều người thậm chí còn không thể liên lạc được, do điều kiện thông tin dân sự ngày ấy vẫn dựa vào thư tín và điện báo công cộng là chính.
Trong khi đó, ngày khởi hành đã được ấn định, rất gấp. Trước tình trạng này, thuyền trưởng Nikolai Suvorov đành phải "trưng tập" các thành viên từ những tàu khác - kể cả không phải là tàu ngầm. Kết quả là ngày 23/6/1983, ông đã triệu tập thủy thủ đoàn đến từ năm tàu khác nhau. Đội hình "ô hợp" này được hình thành vội vã chỉ ba giờ trước khi tàu ra khơi. Trừ số ít thành viên cũ của tàu ra, với tất cả những người còn lại thì đây là lần đầu tiên họ có mặt trên tàu ngầm K-429.
Vậy mà, những người này sẽ phải cùng nhau vận hành con tàu trong một bài huấn luyện chiến đấu "như thật". Với bất kỳ một đơn vị quân sự nào, đây là một điều cấm kỵ. Kỳ lạ thay, nó lại xảy ra với một tàu ngầm nguyên tử thuộc hàng hiện đại nhất thế giới lúc đó. Và chuyện gì đến cũng phải đến!
Ngày 24/5/1983, tàu ngầm K-429 rời xưởng bảo dưỡng trong vịnh Krasheninnikov, tiến về vịnh Sarannaya trong chế độ nổi. Đến vùng biển có độ sâu khoảng 50m, quyết định cho tàu lặn xuống để chuyển sang chế độ di chuyển ngầm được đưa ra. Nhưng không phải tất cả các thành viên trên tàu đều nhận được mệnh lệnh này. Quá trình hút nước vào trong để lặn của tàu K-429 vì thế đã không diễn ra đúng quy trình.
Tại các khoang, những lỗ thông hơi vẫn mở, hệ thống thông gió của tàu không được chuyển đổi từ "nổi" sang "ngầm". Nước biển nhanh chóng tràn vào các khoang, khiến con tàu chìm theo hướng chúc đầu xuống đáy biển một cách nhanh chóng. Toàn bộ các hệ thống cảnh báo trên tàu đã bị vô hiệu hóa khi tiến hành bảo dưỡng, nên khi tàu đang ở độ sâu 35m, vị trí của nó trên màn hình điều khiển vẫn là "đang nổi".
Những thành viên kỳ cựu của con tàu là những người nhận ra mối nguy hiểm này đầu tiên. Phải mất một thời gian, họ mới kích hoạt được trở lại hệ thống báo động khẩn cấp. Cả tàu nhốn nháo, hỗn loạn. Những thủy thủ đến từ các con tàu khác hoàn toàn không biết phải làm gì, vì họ chưa hề được đào tạo để làm chủ con tàu này. Phòng điều khiển ngập nước, các thiết bị trở nên vô tác dụng, con tàu không còn kiểm soát được nữa.
Sự tình cờ khó lý giải
Thuyền trưởng Nikolai Suvorov lập tức ra lệnh cho các thành viên thoát hiểm khẩn cấp. Khi đó, tàu đã đạt đến độ sâu 45m. Với đà rơi tự do như thế, chỉ ít phút, nó sẽ va chạm mạnh với đáy biển và bị phá nát. Mọi người chạy đua với thời gian, tìm cách tự thoát khỏi tàu bằng các thiết bị cứu hộ khẩn cấp.
Trên bờ, do không nhận được bất kỳ tín hiệu cầu cứu nào của K-429 nên bộ phận chỉ huy vẫn nghĩ, chuyến tập huấn đang diễn ra suôn sẻ. Họ đâu biết rằng, dưới đáy đại dương, tính mạng của hơn 100 con người đang bị đe dọa nghiêm trọng. Nhờ các thiết bị hỗ trợ thở, các thủy thủ cũng chui ra khỏi tàu ngầm qua đường phóng ngư lôi chật hẹp.
Vị lãnh đạo bí ẩn
Thuyền trưởng Nikolai Suvorov bị đày đi khổ sai ở vùng núi Novgorod. Cho đến tận lúc chết, người thuyền trưởng này vẫn không hề hé nửa lời về thảm họa năm xưa, dù thời thế đã thay đổi. Mọi hồ sơ liên quan đến vụ việc bị niêm phong và đóng dấu "Tối mật" trong suốt nhiều năm qua. Cho đến tận bây giờ, người ta vẫn chưa thể tìm ra được danh tính vị lãnh đạo nào đã đưa ra mệnh lệnh sai lầm mang tính huỷ diệt đó. Mọi giấy tờ liên quan đến nhân vật bí hiểm này đều đã bị tiêu hủy. Do đó, ai là người phải chịu trách nhiệm cao nhất trong thảm họa này, đến nay vẫn chưa có lời giải đáp.
Một cuộc điều tra nội bộ đã được tiến hành và người ta phát hiện ra rằng, chuyến tập huấn của K-429 đã phạm phải những sai lầm chết người. Biên chế của tàu chỉ gồm 87 thủy thủ đoàn, nhưng tàu ngầm này đã ra khơi với tất cả 120 người. Phần lớn trong số họ không phải là quân số chính thức của tàu, mà được trưng dụng từ các tàu khác. Những người này chưa từng được làm quen với tàu, chứ chưa nói đến việc được đào tạo để làm chủ nó.
Hoạt động của một tàu ngầm nguyên tử là vô cùng tinh vi, phức tạp, đòi hỏi mỗi người có mặt trên tàu đều phải thành thục nhiệm vụ của mình, và tất cả phải phối hợp với nhau cực kỳ ăn ý. K-429 đã không có được may mắn ấy, khiến nó phải nằm lại dưới đáy đại dương.
Thuyền trưởng Nikolai Suvorov và thuyền phó Alexei Gusev ban đầu đã phản đối chuyến đi này. Trong hồ sơ lưu trữ, có bản kiến nghị của cả hai người về việc tàu ngầm K-429 không đủ điều kiện để ra khơi, nó không được chuẩn bị chu đáo cho nhiệm vụ đó. Thế nhưng, những lời cảnh báo này đã bị bỏ ngoài tai. Vì một lý do nào đó, mệnh lệnh kỳ quặc này vẫn không bị thu hồi, dẫn đến thảm họa tồi tệ.
Thật may mắn là phần lớn thủy thủ đoàn đã thoát chết, nhưng con tàu ngầm K-429 với hai lò phản ứng hạt nhân và toàn bộ các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của nó đã bị chôn vùi dưới đáy biển. Do tính chất nhạy cảm, toàn bộ vụ việc đã bị giấu kín. Cuối năm 1983, một tòa án quân sự được mở ra, xử kín hai "tội đồ" duy nhất là thuyền trưởng Nikolai Suvorov và máy trưởng Boris Likhovozov. Họ bị bắt, xét xử ngay tại doanh trại với mức án được coi là khá nhẹ nhàng là 10 năm tù giam cho thuyền trưởng Nikolai Suvorov và 8 năm cho máy trưởng Boris Likhovozov.
Tham mưu trưởng trên tàu - Đại tá Oleg Yerofeev không những được coi là vô can, mà sau đó còn được bổ nhiệm là chỉ huy tàu ngầm hạt nhân Komsomolets thuộc hạm đội Biển Bắc. Thật tình cờ, ba năm sau, dưới sự chỉ huy của ông, con tàu này cũng lâm nạn vào năm 1989.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!