Trong chiến tranh Việt Nam, bên cạnh bom đạn là những vũ khí sát thương trực tiếp, Mỹ còn sử dụng một vũ khí khác không kém phần nguy hiểm là “vũ khí thời tiết”.
Vũ khí thời tiết là phương thức tác động vào sự biến đổi của thời tiết để tạo ra những kiểu thời tiết gây bất lợi cho các hoạt động của đối phương thậm chí là phá hủy cơ sở hạ tầng, tiêu diệt hệ sinh thái trong khu vực mà nó được sử dụng.
Mượn bàn tay của thiên nhiên để tiêu diệt đối phương nên thời tiết được liệt kê vào một dạng vũ khí khi nó được sử dụng cho mục đích chiến tranh. Kỹ thuật tác động vào môi trường để phục vụ cho các mục đích quân sự được phát minh bởi một nhà toán học người Mỹ John von Neumann vào cuối những năm 1940.
Lúc đó ông Neumann nhận thấy rằng việc sử dụng kỹ thuật “gieo hạt vào đám mây” bằng tinh thể iốt bạc trộn lẫn với carbon dioxide có thể làm tăng sự ngưng tụ của hơi nước của các đám mây và gây mưa. Đỉnh điểm của công nghệ này được phát triển mạnh trong những năm chiến tranh lạnh và Việt Nam chính là nạn nhân đầu tiên của thứ vũ khí đáng sợ này.
Vào cuối năm 1965 khi những nỗ lực nhằm ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược trên đường mòn Hồ Chí Minh của Mỹ không đem lại kết quả mong muốn họ đã áp dụng một chiến lược vô cùng thâm hiểm là sử dụng thời tiết như một thứ vũ khí nhằm làm tê liệt tuyến đường chiến lược này.
Họ đã ứng dụng kỹ thuật của Neumann với mục đích kéo dài và làm trầm trọng thêm mùa mưa trên đường mòn Hồ Chí Minh đặc biệt là ở khu vực đi qua Lào. Chương trình được đặt mật danh là Dự án Popeye.
Dự án Popeye được đề xuất bởi tham mưu trưởng liên quân Mỹ vào ngày 10/08/1966 và được Bộ tư lệnh hỗ trợ quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam COMUSMACV và Bộ tư lệnh Hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương CINCPAC đồng tình ủng hộ.
Lúc đó các nguồn tin tình báo của CIA cho biết miền Bắc đang gia tăng các hoạt động vận chuyển hàng hóa qua khu vực sông Sê Kong ở Nam Lào nhưng hoạt động tại đây đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi chất lượng đường sá rất kém. Thông tin này càng làm cho những “cái đầu ảo tưởng” của quân đội Mỹ tin rằng việc thay đổi thời tiết tại khu vực này sẽ làm phá sản hoàn toàn kế hoạch của Bắc Việt.
Để phục vụ cho Dự án này Mỹ đã sửa đổi một số chiếc WC-130 làm nhiệm vụ rải hóa chất gây mưa vào trong các đám mây. Vào đầu tháng 09/1966 thời điểm chuẩn bị bắt đầu mùa mưa ở miền Trung Việt Nam, Không quân Mỹ đã tiến hành khoảng 50 phi vụ thí điểm rải hóa chất gây mưa dọc theo các khu vực sông Sê Kong.
Dự án được tiến hành ngay trong thời điểm bắt đầu mùa mưa nhằm che giấu các nước trong khu vực, làm như đó là một hiện tượng tự nhiên đặc trưng của thời tiết khu vực Đông Dương và hoàn toàn không có sự can thiệp của Mỹ.
Mỹ đã thực hiện tới 2.600 phi vụ rải hóa chất gây mưa với ảo tưởng có thể cản trở hoạt động thậm chí là làm tê liệt đường mòn Hồ Chí Minh.
Các thử nghiệm ban đầu cho thấy có đến 85% những đám mây được rải hóa chất đã gây mưa, lượng mưa trung bình tăng thêm 30%, mùa mưa có thể kéo dài thêm từ 30-45 ngày so với trước. Sự thành công ban đầu này đã khiến COMUSMACV lên kế hoạch thực hiện nó trên toàn Việt Nam.
Dự án Popeye đã mở rộng từ khu vực sông Sê Kong ra phía Tây Bắc Việt Nam, khu vực thung lũng A Sầu và sang cả khu vực đông bắc Campuchia. Dự án Popeye kéo dài cho đến tận tháng 07/1972. Thông tin về Dự án Popeye bắt đầu bị rò rỉ vào đầu năm 1972 khi Jack Anderson (người được mạnh danh là cha đẻ của báo chí điều tra hiện đại) công bố việc Mỹ sử dụng các phương thức thay đổi thời tiết như một thứ vũ khí trong chiến tranh Việt Nam trên tờ Bưu điện Washington.
Tuy nhiên, tại thời điểm đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là Melvin Laird đã báo cáo trước Quốc hội Mỹ rằng thông tin mà Jack Anderson nêu ra “là một câu chuyện hoang đường và hoàn toàn sai sự thật”. Tuy vậy, trong một tài liệu mật bị rò rỉ vào năm 1974, Bộ trưởng Melvin Laird thừa nhận lúc đó ông ta buộc phải nói dối để che đậy một dự án quốc phòng bí mật nếu tiết lộ có thể dẫn đến sự phản đối của cộng đồng quốc tế.
Các con số được công bố sau này cho thấy, trong suốt quá trình thực hiện Dự án Popeye, Không quân Mỹ đã thực hiện hơn 2.600 chuyến bay rải vào các đám mây 47.000 đơn vị iốt bạc hoặc I ốt chì với tổng chi phí 21,6 triệu USD.
Mặc dù không có thống kê chính xác nào về hiệu quả mà Dự án Popeye mang lại cho lực lượng Mỹ tại Việt Nam cũng như những thiệt hại mà nó gây ra cho quân đội Việt Nam, nhưng Dự án Popeye bị coi là một hành động vô nhân đạo. Việc kéo dài mùa mưa gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sản xuất, đe dọa mùa màng cũng như gây lũ lụt có thể nguy hiểm đến tính mạng dân thường.
Nếu mở rộng việc thực hiện việc thay đổi thời tiết như một thứ vũ khí thậm chí có thể gây hậu quả nghiêm trọng hơn đe dọa sự ổn định sinh thái trong khu vực. Sự kiện Mỹ sử dụng vũ khí thời tiết trong chiến tranh Việt Nam đã vấp phải sự phản đối gay gắt của công đồng quốc tế.
Trước tình hình đó Thượng nghị sĩ Mỹ Claiborne Pell và dân biểu Donald Fraser đã phát động một chiến dịch vận động chính trị về việc cấm sử dụng việc thay đổi thời tiết như một thứ vũ khí nhằm chống lại một quốc gia nào đó.
Đến tháng 05/1977, đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Công ước ENMOD quy định việc cấm sử dụng các biện pháp thay đổi thời tiết nhằm mục đích gây thiệt hại hoặc phá hủy hệ sinh thái chống lại bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
Hiện tại có 76 nước tham gia đầy đủ vào Công ước ENMOD trong đó có Việt Nam, 48 nước khác chỉ ký mà chưa tham gia đầy đủ.