Bí mật chuyện đưa tên lửa sang Tây Trường Sơn bắn hạ AC-130

Sau khi được lệnh cơ động sang Tây Trường Sơn, ngày 29-3-1972, Tiểu đoàn Tên lửa 67 thuộc Trung đoàn 275 đã bắn rơi tại chỗ máy bay AC-130

Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước Trung đoàn Tên lửa Phòng không 275 đã lập nhiều chiến công xuất sắc. Đặc biệt sau khi được lệnh cơ động sang Tây Trường Sơn, ngày 29-3-1972, Tiểu đoàn Tên lửa 67 thuộc Trung đoàn 275 đã bắn rơi tại chỗ máy bay AC-130 (chiếc AC-130 đầu tiên do bộ đội Tên lửa bắn rơi trên tuyến đường Hồ Chí Minh). Để đưa được tên lửa sang Tây Trường Sơn, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 275 đã vượt qua bao gian khổ và cũng phải chịu những tổn thất, hy sinh… Bài viết dưới đây giúp bạn đọc hiểu rõ hơn tinh thần quyết chiến, quyết thắng của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Tên lửa 275 trong thời kỳ này.

Kíp trắc thủ thuộc Tiểu đoàn Tên lửa 67 bắn rơi chiếc máy bay A-C130 tại bản Nabo ngày 29-3-1972. Ảnh tư liệu

Kíp trắc thủ thuộc Tiểu đoàn Tên lửa 67 bắn rơi chiếc máy bay A-C130 tại bản Nabo ngày 29-3-1972. Ảnh tư liệu

Kỳ 1: Hành quân sang Tây Trường Sơn

Máy bay AC-130 được Mỹ cải tiến từ máy bay vận tải C-130 thành máy bay chiến đấu chuyên chặn đánh các xe chạy trên đường ở phía Tây Trường Sơn. AC-130 có trang bị hệ thống quan sát bằng tia hồng ngoại, bằng quang truyền hình, thiết bị khuếch đại ánh sáng mờ với bội số 40.000 lần, phát hiện được xe chạy ban đêm và cả xe đã dừng nhưng máy chưa nguội. Vũ khí trên AC-130 là súng 20mm và 40mm được điều khiển bằng máy tính điện tử, liên tục bắn điểm xạ với giãn cách chỉ 8 đến 11 giây/một loạt cho đến khi thấy xe cháy mới ngừng. Khi bắn, súng trên AC-130 không phát ra tia lửa ở đầu nòng, do đó không để lộ vị trí máy bay. AC-130 bay ở độ cao 4-5 km, mỗi AC-130 có 4 máy bay F-4 đi yểm hộ. Khi phát hiện sóng ra-đa tên lửa, AC-130 lập tức phóng tên lửa Sơrai đánh trả.

Cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn tên lửa 67 sẵn sàng vào vị trí chiến đấu. Ảnh tư liệu

Cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn tên lửa 67 sẵn sàng vào vị trí chiến đấu. Ảnh tư liệu

Sự xuất hiện của AC-130 ở tây Trường Sơn gây cho ta rất nhiều khó khăn trong cơ động bảo đảm cho chiến trường miền Nam. Lịch sử Binh đoàn 559 Trường Sơn (trang 445) đã ghi rõ: “Số xe bị cháy tăng vọt, số lái xe thương vong ngày càng nhiều. Đặc biệt ở bắc đường 9, không một đoàn xe nào không bị chúng phát hiện và tấn công. Khó khăn nhất là đối phó với AC-130, và gây ách tắc trên toàn tuyến vận chuyển ”. Chính vì thế Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân (PK-KQ) và Bộ Tư lệnh Binh đoàn 559 Trường Sơn quyết định đưa tên lửa sang Tây Trường Sơn đánh AC-130.

Ngày 25-01-1972, tôi được triệu tập về Sở chỉ huy tiền phương Quân chủng PK-KQ ở km6 đường 10. Tại đây, tôi được gặp các đồng chí: Tư lệnh Lê Văn Chi; Chính ủy Hoàng Phương; Phó tư lệnh Hoàng Văn Khánh và Phó chính ủy Nguyễn Xuân Mậu. Sau khi nghe tôi báo cáo tình hình chiến đấu, bộ tư lệnh biểu dương đơn vị đã vượt qua nhiều khó khăn, chiến đấu tốt và lệnh cho tôi đưa toàn bộ Trung đoàn 275 gồm 5 Tiểu đoàn Tên lửa Phòng không, 4 Tiểu đoàn pháo cao xạ và 1 Tiểu đoàn Công binh vượt khẩu sang Tây Trường Sơn để đánh B-52, nhất là phải hạ gục tại chỗ AC-130...

Máy bay cường kích AC-130 của không lực Mỹ

Máy bay cường kích AC-130 của không lực Mỹ

Pháo 105mm trên máy bay AC-130

Pháo 105mm trên máy bay AC-130

Toàn Trung đoàn 275 đang ra sức triển khai các nhiệm vụ theo chỉ thị của cấp trên, thì ngày 8-2-1972, Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ lại giao nhiệm vụ mới cho Trung đoàn là rút gọn biên chế chỉ gồm 2 tiểu đoàn hỏa lực tên lửa phòng không, 1 tiểu đoàn kỹ thuật và phải nhanh chóng vượt sang Tây Trường Sơn trước ngày 14-2-1972 (tức 30 Tết Nhâm Tý) để đánh AC-130... Khối lượng công việc rất lớn, các đơn vị lại ở cách xa nhau hàng trăm km, thời gian cho đơn vị chỉ có 5-6 ngày. Chúng tôi chỉ còn cách hạ lệnh cho các đơn vị bằng điện báo. Tại trạm tiền phương ở hang Phẫu thuật Đường 20, ban chỉ huy trung đoàn họp bàn việc thực hiện mệnh lệnh mới của quân chủng. Chỉ huy trung đoàn quyết định tập trung mọi nỗ lực để nhanh chóng đưa Tiểu đoàn 67 ra chiến đấu.

Trước đó, ngày 17-1-1972, Phó tư lệnh Sư đoàn Phòng không 377 Trần Nghị đã lệnh cho Tiểu đoàn 67 không triển khai ở Lùm Bùm mà cơ động ngay đến Máy Húc, hành quân cả ban ngày. Trong lần cơ động này, Tiểu đoàn 67 bị đánh 21 lần, có 17 lần bị trúng đội hình, khí tài, xe cộ bị hư hỏng nhiều, có chỗ rất nghiêm trọng.

Khi các bộ phận của Tiểu đoàn 67 đến gần đủ, đồng chí Trung đoàn phó Nguyễn Duy Biên và Chủ nhiệm Kỹ thuật Lê Ngọc Nhị mang toàn bộ kỹ sư và trạm kỹ thuật sang Tiểu đoàn 67 để khôi phục, sửa chữa khí tài. Bộ phận nào không thể sửa được, thì điều của Tiểu đoàn 68 sang, nghĩa là 2 tiểu đoàn "góp gạo thổi cơm chung".

Tiểu đoàn 68 vượt trọng điểm TPA (ngầm Tà Lê, đèo Phu La Nhích, cua chữ A) khá gay go. Mỗi ca-bin nặng hơn 12 tấn phải dùng tới 3 xe xích ATC mới qua được đèo, 2 xe kéo lên đèo, còn xe thứ 3 phải ghìm đằng sau lúc xuống đèo. Xe kéo có ít, nên đơn vị phải dùng cách “mèo tha con”. Cứ kéo qua được một chuyến lại quay trở lại để đi tiếp chuyến sau. Tranh thủ vào dịp Tết Nguyên đán, Tiểu đoàn 68 tổ chức vượt đèo vào ngày 15 và 17-2-1972 (mồng Một và mồng Ba Tết Nhâm Tý). Tất cả cán bộ, chiến sĩ không ai có bụng dạ nào mà nghĩ đến Tết.

Phó chính ủy Nguyễn Xuân Dung trực tiếp xuống Tiểu đoàn Kỹ thuật 70, chia thành từng bộ phận nhỏ cho vượt cửa khẩu Đường 12, đưa đến Lùm Bùm một dây chuyền kỹ thuật rút gọn và 2 cơ số đạn tên lửa (24 quả).

Lúc này, đài địch đưa tin Bắc Việt Nam đang đưa Tên lửa sang Lào. Chúng còn nói rõ cả phiên hiệu trung đoàn. Máy bay địch quay trở lại đánh TPA rất ác liệt, mỗi đêm có đến 30 lần B-52, 50 đến 60 lần máy bay chiến thuật... Chúng tôi đã trải nghiệm nhiều ở Trường Sơn, nên phán đoán địch sắp dùng B-52 đánh vào khu vực Sở chỉ huy và nơi dấu quân của Tiểu đoàn 68. Chúng tôi quyết định nhanh chóng vét hết số còn lại đi chuyến cuối cùng. Tôi cũng lệnh cho sở chỉ huy phải lên đường. Nhưng đã mấy hôm nay, cứ đến chiều là anh em báo cáo xe hỏng. Nghi có vấn đề tư tưởng, tôi gọi đồng chí Lam - Trợ lý xe máy cùng ra xem xét. Đồng chí Lam xem xét rất kỹ rồi báo cáo xe rất yếu không thể vượt đèo Phu La Nhích được. Tôi đổi kế hoạch cho đoàn xe quay về Xuân Sơn, rồi theo Đường 10 sang Địa đạo. Tôi giao cho đồng chí Tiến- Chính trị viên Đại đội ở lại với đài tiếp sức P-405, giữ liên lạc 2 phiên/ngày với Sở chỉ huy Địa đạo. Tất cả người và khí tài đều phải vào trong hang. Sau này, đồng chí Tiến về và báo cáo: B-52 đánh liền 3 đêm vào khu vực, người và khí tài an toàn, chỉ có an-ten để trên đỉnh núi bị gãy một đoạn.

Đêm 3-3-1972, Trung đoàn trưởng cùng một số trợ lý trên xe Gat-66 vượt khẩu sang Tây Trường Sơn. Sớm ngày 8-3-1972, đoàn đến Sở chỉ huy ở Địa đạo trên đường Coong-Le.

Kể từ ngày trung đoàn được lệnh rút gọn biên chế, vượt khẩu sang Tây Trường Sơn đánh AC-130 đến nay đã tròn 1 tháng. Tiểu đoàn 68 vượt TPA hết 1 tháng 17 ngày, còn Tiểu đoàn 67 cơ động trên quãng đường đèo Mụ Gia - Lùm Bùm - Máy Húc mất 2 tháng. Trong khoảng thời gian này, cán bộ, chiến sĩ đã vượt qua bao nhiêu gian khổ, chịu đựng thương vong, tổn thất to lớn, thật xứng danh là những chiến sĩ Trường Sơn, mà công đầu phải kể đến các đồng chí lái xe...

Trước ngày chúng tôi vượt khẩu sang Tây Trường Sơn, đồng chí Nguyễn Ly Sơn - Phó chính ủy Sư đoàn Phòng không 377 đã lên tận hang Phẫu thuật chỉ thị cho tôi: “Anh phải trực tiếp nghiên cứu cách đánh AC-130. Không phải nó bay chậm ở độ cao 4 km mà dễ đánh đâu". Phó chính ủy nói thế là vì chưa có lực lượng phòng không nào đánh vào đúng AC-130. Bộ Tham mưu Quân chủng PK-KQ cũng chưa có tài liệu nào đề cập về cách đánh loại máy bay này. Trước đây, khi kết thúc chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, Tiểu đoàn 84 (Trung đoàn Tên lửa Phòng không 238) do đồng chí Tiểu đoàn trưởng Phan Bá Nhẫn chỉ huy đã triển khai trận địa ở đường Coong-Le phục đánh AC-130, nhưng vừa phát sóng, chưa kịp ấn nút thì đã bị địch bắn tên lửa Sơrai, phá hỏng khí tài. Tiểu đoàn 84 được lệnh rút về Đông Trường Sơn. Còn Tiểu đoàn 67 (Trung đoàn Tên lửa Phòng không 275), sau nhiều ngày sửa chữa, khôi phục khí tài, đêm 27-2-1972 đã đánh trận đầu vào đối tượng AC-130, nhưng không có kết quả.

Khi tới Sở chỉ huy Địa đạo, sau khi trao đổi với Chính ủy Trung đoàn Đỗ Phan Thiết và nhận thấy Tiểu đoàn 67 tạm ổn về mặt bảo đảm kỹ thuật, cần phải giải quyết cách đánh, trung đoàn trưởng quyết định phải sang ngay Tiểu đoàn 67 để cùng anh em tìm cách đánh AC-130... Phải mất 2 đêm mới vượt qua được ngầm Kình Cao, phía nam đèo Văng Mu, rẽ vào Máy Húc để đến với Tiểu đoàn 67. Tại Tiểu đoàn 67, Phó chính ủy Trung đoàn Nguyễn Hồng Sơn báo cáo, tình hình các mặt khá tốt; tinh thần, tư tưởng bộ đội ổn định, quyết tâm cao; công tác sửa chữa, khôi phục khí tài có kết quả; công tác nguỵ trang của tiểu đoàn, các đường xe vào dài gần 1 km đều kín đáo, mỗi ngày 2 lần thay nguỵ trang. ở khu vực này, máy bay OV-10 lượn suốt ngày, song chúng không phát hiện được. Bây giờ khâu quyết định là phải tìm ra cách đánh AC-130 có hiệu quả...

(còn tiếp)

Theo lời kể của Đại tá Nguyễn Văn Thân, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân chủng PK-KQ, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Tên lửa Phòng không 275.

NINH CÔNG KHOÁT/lược ghi (Quân đội nhân dân)

AC-130 bắn phá trên tuyến đường Trường Sơn

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại