Bài báo cho biết, tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc được tân trang từ chiếc tàu “phế phẩm” đang đóng dở của Liên Xô. Nếu những thông tin có liên quan tới hình ảnh chiếc tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc rò rỉ trên mạng là thật, thì đây sẽ là chiếc tàu sân bay đầu tiên do nước này tự đóng hoàn toàn.
Thẳng thắn mà nói, việc Trung Quốc tự đóng tàu sân bay đã nằm trong dự kiến từ lâu. Mấy chục năm trước, Trung Quốc đã mua các loại tàu sân bay “về hưu” của nước khác, không ngoài mục đích nắm rõ những kỹ thuật quan trọng nhất trong việc đóng một chiếc tàu sân bay.
Trên thực tế, thông tin Trung Quốc sẽ đóng tàu sân bay nội địa đã lan truyền từ mấy năm trước. Tuy nhiên, những bức ảnh rò rỉ trên mạng thời gian gần đây đặt ra rất nhiều vấn đề cần làm rõ. Đơn cử như, chiếc tàu sân bay thứ hai sử dụng động cơ thông thường hay động cơ hạt nhân? Nó sẽ chở theo bao nhiêu máy bay chiến đấu? Loại máy bay này liệu có phải là máy chiến đấu tàng hình thế hệ năm không? Liệu Trung Quốc có phải đang đóng chiếc tàu sân bay thứ 3?...
Tuy nhiên, xét trong tình hình hiện tại, câu hỏi lớn nhất được đặt ra là: Liệu Trung Quốc có đủ nguồn lực tài chính để hoàn thành con tàu này hay không?
Theo bài viết, nhìn lại thập kỷ trước, dễ thấy Trung Quốc tích cực xây dựng lực lượng hàng hải không chỉ để tăng cường sức mạnh trên biển, mà còn nhằm bảo vệ những lợi ích sống còn của mình.
Trước đây, Trung Quốc từng là một cường quốc lục địa, nhưng khi mối quan hệ căng thẳng với Liên Xô (nay là Nga) dịu bớt, trọng tâm của quốc phòng Trung Quốc đã chuyển từ chiến tranh trên bộ hay chiến tranh hạt nhân sang chiến tranh ngoài khơi, cụ thể là đột phá cái gọi là “chuỗi đảo thứ nhất”.
Mặc dù xu thế chung cho thấy lực lượng trên biển của Trung Quốc là một lực lượng ngày càng được tăng cường, đồng thời cũng dần khuếch trương tới các khu vực khác trên thế giới nhưng lực lượng hải quân Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Trong mấy chục năm tới đây, các nhà hoạch định hải quân Trung Quốc sẽ phải đối mặt với các thách thức chính và những thách thức này sẽ định hình chiến lược, kế hoạch mua sắm, khả năng của lực lượng hải quân nước này.
Hình ảnh trên một số diễn đàn cho thấy tàu sân bay thứ 2 của Trung Quốc đang được thi công.
Bài viết nhận định, nguồn lực tài chính là một vấn đề quan trọng. Lực lượng trên biển của Bắc Kinh được mở rộng là nhờ tốc độ kinh tế tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, trong mấy quý vừa qua, nền kinh tế Trung Quốc đã có phần phát triển chậm lại. Rất có thể, Bắc Kinh sẽ phải dồn các nguồn tài chính quan trọng cho các chương trình trong nước để thúc đầy kinh tế Trung Quốc theo mô hình phát triển bền vững.
Măc dù xét đến các môi trường địa chiến lược trong khu vực Đông Á, cũng như khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương mà nói, lực lượng hải quân đặc biệt quan trọng, nhưng lâu dài mà nói, một nền kinh mạnh mẽ và sôi động của Trung Quốc sẽ càng có ảnh hưởng lớn đến khu vực, thậm chí là toàn cầu.
Nếu khả năng này xảy ra, các dự án cho hải quân như đóng tàu sân bay sẽ phải thu hẹp vốn đầu tư.
Ngoài ra, cũng theo bài viết, khi xây dựng lực lượng trên biển, Trung Quốc còn phải cân nhắc tới các nhân tố lâu dài khác. Mặc dù hiện nay Nga được coi là một đối tác hợp tác trong khu vực, không còn là mối đe dọa đối với khu vực biên giới của Trung Quốc, nhưng lịch sử đã chứng minh, tình hình này có thể thay đổi nhanh chóng. Trung Quốc có thể “rót” lượng lớn nguồn tài nguyên vào việc xây dựng lực lượng hải quân trên biển, một phần là do sự thay đổi trọng quan hệ Trung-Nga mấy chục năm trở lại đây.
Nếu mối quan hệ hiện tại thay đổi, Trung Quốc sẽ phải dồn nguồn lực lớn hơn để tăng cường sức mạnh hạt nhân và trên đất liền, mà như vậy thì nguồn đầu tư cho các kế hoạch tăng cường tiềm lực hải quân hiển nhiên sẽ phải cắt giảm.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!