Mặc dù không ít người cho rằng các tiêm kích của Trung Quốc chẳng qua cũng là bản sao của Nga không hơn không kém, tuy nhiên J-20, tiêm kích tàng hình thế hệ 5 đầu tiên của nước này nhiều khả năng có thể trở thành một trong những biểu tượng mẫu mực về máy bay quân sự của thế giới như chiếc A6M Zero của hãng Mitsubishi, Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Đây là nhận định của một bài báo được đăng tải trên Aireview, tạp chí của Nhật Bản chuyên về lĩnh vực hàng không quân sự.
Quay trở lại thời gian đầu của chiếc A6M Zero, trước khi nó xuất hiện lần đầu tiên trong trận chiến chống các máy bay I-15bis và I-16 của Trung Hoa dân quốc do Nga sản xuất vùng trời Trùng Khánh tháng 9/1940, hầu hết các chuyên gia quân sự phương Tây cũng đều nhìn nhận chiếc máy bay này giống như quan điểm coi thường các tiêm kích của Trung Quốc hiện nay, bài báo cho biết.
Claire Lee Chennault, người chỉ huy huyền thoại của Flying Tigers - một nhóm các phi công tình nguyện người Mỹ được tuyển mộ để hỗ trợ lực lượng Trung Hoa dân quốc chiến đấu chống Nhật đã cảnh báo Washington về mối đe dọa mà Zero có thể tạo ra ở thời điểm đó, nhưng không một ai thuộc chỉ huy cấp trên ông tin rằng Nhật Bản có khả năng thiết kế một chiến đấu cơ cho ra hồn.
Người Mỹ sau đó được “mở mắt” trước khả năng huyền thoại của tiêm kích Nhật Bản khi các máy bay Zero quét sạch hệ thống phòng thủ của Mỹ ở Trân Châu Cảng và Manila trong tháng 12/1941. Hoạt động của chiếc Zero trong những giai đoạn đầu của cuộc chiến Thái Bình Dương đã mang lại cho nó danh tiếng huy hoàng. Tạp chí Aireview cho rằng Trung Quốc hiện đang phát triển một loại tiêm kích tiên tiến có thể trong một thời điểm nào đó có thể có được danh tiếng tương tự.
Tạp chí Nhật cho rằng J-20 Trung Quốc có thể trở thành một huyền thoại
Bài báo cũng cho rằng các tiêm kích của Trung Quốc hiện chỉ vượt trội hơn về số lượng chứ không phải chất lượng. Ví dụ, do không được trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động nên tiêm kích J-10A của Trung Quốc hiện tại không thể đánh bại tiêm kích F-15J của Nhật do Mỹ sản xuất. J-10B biến thể nâng cấp của chiếc J-10A có thể sẽ trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động nhưng Trung Quốc không có đủ máy bay cảnh báo sớm so với Mỹ và Nhật.
Trong khi Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản có 17 máy bay cảnh báo sớm thì Trung Quốc chỉ có 11 chiếc, trong đó chỉ 5 chiếc là máy bay cảnh báo sớm KJ-2000 tiên tiến nhất của họ. Không quân PLA và Không quân hải quân có khoảng 1.500 tiêm kích, gấp 5 lần số máy bay của Nhật Bản, nhưng hiện tại Trung Quốc vẫn chưa có thể giành được một chiến thắng không quân mang tính quyết định trước Nhật. Mặc dù vậy bài báo cho rằng Trung Quốc có thể khắc phục những vấn đề này trong tương lai.
Tạp chí của Nhật cho rằng, cả J-10B và J-20 đều có khả năng đạt được danh tiếng như chiếc Zero đạt được trong Chiến tranh thế giới thứ hai nếu như ngành hàng không Trung Quốc đủ khả năng nâng cấp phần mềm của máy bay. Aireview còn nhận định, J-20 với thân máy bay lớn thiết kế như một tiêm kích đa năng tầm xa, có thể được sử dụng làm máy bay ném bom chiến thuật.
Aireview cũng nhận định, mục đích của Trung Quốc khi chế tạo J-31, nguyên mẫu tiêm kích tàng hình thứ hai của nước này là để xuất khẩu cho các quốc gia đang phát triển không đủ khả năng mua F-35 của Mỹ.