Báo Nga: Việt Nam có thể mua tàu đổ bộ trực thăng lớp Mistral

Phi Yến |

Đó là thông tin được ông Ruslan Pukhov, người đứng đầu Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ Nga cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin TASS hôm 6/8.

Theo đó, sau khi thỏa thuận về việc chấm dứt hợp đồng cung cấp 2 tàu đổ bộ tấn công mang trực thăng lớp Mistral được Tổng thống Pháp Francois Hollande và người đồng cấp Nga Vladimir Putin thống nhất, Pháp sẽ có quyền bán lại cặp tàu trên sau khi đã bồi thường thiệt hại cho Nga.

Nga yêu cầu Pháp thanh toán 1,163 tỷ euro gồm tiền tạm ứng, chi phí đào tạo thủy thủ, tiền xây dựng cơ sở hạ tầng và kinh phí nghiên cứu, chế tạo các trực thăng Ka-52K dự kiến sẽ triển khai trên tàu Mistral.

Sau khi đã nhận đủ tiền bồi thường và tháo dỡ các thiết bị thông tin liên lạc cũng như một số thành phần do Nga chế tạo, tàu Mistral sẽ chính thức thuộc về Pháp và nước này toàn quyền bán lại cho bất cứ quốc gia nào quan tâm.

Hải quân Pháp hiện đã được trang bị tới 3 tàu Mistral và họ không có nhu cầu biên chế thêm một tàu nữa, do vậy khả năng rất lớn là Pháp sẽ tìm đối tác nước ngoài để bán lại 2 tàu trên.

Tàu đổ bộ tấn công lớp Mistral

Điều đáng chú ý nhất trong bài phỏng vấn là ông Pukhov đã liệt kê 3 quốc gia tiềm năng có thể trở thành khách hàng của các tàu đổ bộ lớp Mistral trên.

"Ứng viên lớn nhất là Ấn Độ, quốc gia đã bày tỏ mong muốn có được một con tàu như vậy và họ còn có ý định sẽ chế tạo thêm 3 chiếc ở trong nước, và theo như tôi được biết, người Pháp muốn chúng ta hỗ trợ việc này", ông Pukhov nói.

Các tàu sân bay trực thăng Mistral cũng có thể thu hút sự quan tâm của Việt Nam, nơi "mức tăng trưởng kinh tế đang được ghi nhận".

"Quốc gia thứ ba là Brazil, họ sẽ xem xét mua lại tàu nếu Pháp đưa ra một mức giá tốt". Hải quân Brazil hiện đang vận hành một tàu sân bay 50 năm tuổi do Pháp sản xuất, quốc gia Nam Mỹ này hiện không có khả năng chế tạo những loại tàu quân sự phức tạp như Mistral.

Mistral sẽ gia tăng đáng kể sức mạnh cho hải quân quốc gia nào sở hữu nó

Việc Ấn Độ hay Brazil được coi là khách hàng tiềm năng sẽ mua lại 2 tàu đổ bộ mang trực thăng lớp Mistral là điều hợp lý vì đây là những quốc gia có tiềm lực kinh tế và quân sự rất mạnh, lại đang có kế hoạch mở rộng thế lực trên biển.

Tuy nhiên việc ông Ruslan Pukhov cho rằng Việt Nam là ứng viên số 2 của lớp tàu này là điều bất hợp lý.

Trước hết vì Mistral là lớp chiến hạm rất lớn, thích hợp cho các hoạt động tại vùng biển xa, trong khi đó Hải quân Việt Nam lại được xây dựng theo hướng bảo vệ các lợi ích gần bờ.

Tiếp theo, chi phí vận hành một con tàu như Mistral là quá sức chịu đựng của Việt Nam, chúng ta hiện cũng chưa có những phương tiện tương xứng để trang bị cho tàu như các loại thiết giáp đổ bộ hay trực thăng hải quân tối tân.

Chưa kể đến việc Mistral khi làm nhiệm vụ sẽ không thể hoạt động độc lập, đi kèm nó phải là một biên đội tàu hộ vệ rất hùng hậu, đảm bảo cả chức năng phòng không, chống hạm lẫn chống ngầm, điều mà Việt Nam phải rất lâu nữa may ra mới đáp ứng được.

Do vậy việc Việt Nam sẽ mua Mistral về để sử dụng là điều gần như không xảy ra. Nhưng có một kịch bản cũng nên được tính tới đó là Nga sẽ "nhờ" một quốc gia nào đó mua lại tàu từ Pháp rồi bán cho mình.

Nguyên nhân có thể giải thích theo hướng không dễ gì Nga lại để công sức đầu tư nhiều năm qua phải đổ xuống sông xuống biển. Họ thực lòng rất muốn có lớp chiến hạm này và vẫn đang tìm cách để sở hữu nó, kể cả phải đi đường vòng!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại