Báo Nga: Trung Quốc sẽ cản Mỹ đặt kho ở Việt Nam, Campuchia?

Huy Bình |

Chuyên gia Nga bình luận rằng việc Mỹ muốn đàm phán đặt kho hậu cần ở Việt Nam và Campuchia là điều rất khó thực hiện do Trung Quốc ngăn cản.

Mỹ định đặt kho hậu cần ở Việt Nam, Campuchia

Vừa qua, truyền thống thế giới ồ ạt dẫn phát biểu của Tướng Dennis Via, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Quân trang Mỹ ngày 15/3 tiết lộ một thông tin là Quân đội Mỹ có kế hoạch thiết lập 8 kho hậu cần quân sự trên toàn cầu, trong đó có cả châu Á - Thái Bình Dương.

Phát biểu tại Hội nghị chuyên đề các lực lượng quân sự Mỹ trên toàn cầu, vị Tư lệnh Mỹ cho biết rằng, không giống như các kho vũ khí ở châu Âu, các cơ sở tại châu Á - Thái Bình Dương sẽ chỉ chứa các thiết bị phục vụ, Campuchia và Việt Nam có thể là địa điểm được lựa chọn đàm phán.

Trước đó, Mỹ đã thông báo rằng, kho hậu cần quân sự ở châu Âu là vũ khí sẵn sàng cho chiến tranh.

Theo Breaking Defense, kho hậu cần quân sự ở châu Âu đang có 200 xe tăng M1 Abrams, 138 xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley và 18 khẩu lựu pháo tự hành M109 Paladin.

Mỹ cũng vừa gửi 5.000 tấn đạn dược - lượng vũ khí lớn nhất từ khi Thế chiến II kết thúc, đến châu Âu.

Tướng Via giải thích rằng, việc này là nhằm cung cấp cho quân đội Mỹ và các lực lượng đồng minh những vũ khí hiện đại nhất, để các họ có thể nhanh chóng sử dụng bất cứ lúc nào.

Theo tướng Via, thiết bị quân sự đặt tại Campuchia và Việt Nam cũng như toàn khu vực vành đai Thái Bình Dương chủ yếu phục vụ hoạt động cứu trợ nhân đạo và cứu nạn thiên tai.

Ví dụ như giúp Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ có thể ứng phó nhanh hơn đối với các thảm họa tự nhiên.

Theo vị tướng Mỹ, một trong những lý do cho việc Mỹ cần lập hệ thống kho hậu cần trên là để giúp quân đội Mỹ tiết kiệm nguồn ngân sách cho các hoạt động vận chuyển những vật dụng đó đến khắp nơi trên thế giới, đồng thời có thể nhanh chóng sử dụng trong tình huống khẩn cấp.


Xe bọc thép Mỹ và NATO duyệt binh tại thị trấn Narva của Estonia

Xe bọc thép Mỹ và NATO duyệt binh tại thị trấn Narva của Estonia

Ngoài việc lập hệ thống kho bãi ở 2 nước Việt Nam và Campuchia, quân đội Mỹ cũng đang thảo luận việc tìm cách đặt một bệnh viện dã chiến tại Campuchia.

Tuy nhiên viên tướng Mỹ không nói rõ rằng, Mỹ dự định sẽ cất trữ gì, nếu đạt được thỏa thuận với 2 quốc gia Đông Nam Á. Kế hoạch của quân đội Mỹ chắc chắn sẽ gây tranh cãi và vấp phải sự phản đối quyết liệt của Trung Quốc.

Ngay cả khi các thiết bị mà Mỹ muốn đặt ở kho lưu trữ tại Campuchia và Việt Nam không để phục vụ chiến tranh mà chủ yếu được dùng cho hoạt động cứu trợ nhân đạo và thảm họa, động thái này vẫn được cho là thông điệp mạnh mẽ gửi tới Trung Quốc.

The Diplomat của Nhật cho rằng, việc Mỹ lưu trữ quân trang, quân dụng tại Việt Nam và Campuchia có thể xem là sự hiện diện thường trực quy mô nhỏ của quân đội Mỹ tại những nước này, cho thấy mối quan tâm và cam kết của Mỹ cùng các đồng minh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Điều đó có thể tạo ra những hiệu ứng lan tỏa hữu ích và tăng cường hợp tác quốc phòng sâu rộng hơn giữa Hoa Kỳ và các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, nơi Washington không có căn cứ quân sự thường trực.

Hiện chưa rõ kế hoạch nói trên sẽ có tác động như thế nào đến quan hệ Trung - Mỹ và liệu Bắc Kinh có tìm cách trả đũa hay không.

Nhưng chắc chắn là Bắc Kinh cũng cảm thấy đang từng bước bị Mỹ cùng các đồng minh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương bao vây.

Bình luận về vấn đề Tư lệnh Bộ Tư lệnh Quân trang của quân đội Hoa Kỳ là Trung tướng Dennis Via mới đây tuyên bố quân đội Mỹ có kế hoạch thiết lập hệ thống các kho tàng tiên tiến ở Đông Nam Á, chuyên gia Nga Vasily Kashin đã bình luận rằng, Mỹ khó có thể đạt được mục đích.

Theo ông Kashin, địa điểm dự kiến bố trí kho tàng là Campuchia và Việt Nam. Vấn đề quan trọng nhất là việc bố trí các chủ thể như vậy có được sự đồng thuận của chính quyền các nước chủ nhà hay không, trong bối cảnh tình hình khu vực đang hết sức phức tạp.

Bắc Kinh không chỉ là đối tác kinh tế quan trọng của Phnom Penh, mà còn dành hỗ trợ đáng kể cho lực lượng vũ trang Campuchia. Ngoài ra, vị chuyên gia Nga cũng cho rằng, tuyên bố về “tính chất nhân đạo” của những kho tàng mà Mỹ đề xuất rõ ràng là thủ thuật.

Trong kho chứa "các vật tư dành cho hoạt động nhân đạo" chắc sẽ có thiết bị y tế, vật liệu xăng dầu, phương tiện giao thông và thiết bị kỹ thuật. Tức là hầu như mọi thứ cần thiết bảo đảm cho bất kỳ hoạt động quân sự nào.

Cuối cùng, các nhà kho này sẽ thực hiện chức năng chính là giảm bớt số lượng chuyến bay của máy bay vận tải và những con tàu biển vận chuyển hậu cần, điều kiện thiết yếu để Mỹ có thể nhanh chóng triển khai quân đội tại các địa bàn có hoạt động chiến sự.


Xe bọc thép Mỹ tham gia tập trận “Rắn Hổ Mang vàng” (Cobra Gold) ở Thái Lan

Xe bọc thép Mỹ tham gia tập trận “Rắn Hổ Mang vàng” (Cobra Gold) ở Thái Lan

Ngoài ra, mặc dù kho tàng không phải là căn cứ quân sự hoàn chỉnh, nó vẫn đòi hỏi cơ số nhân viên quân sự tối thiểu để kiểm soát và bảo vệ.

Nếu những kho tàng này xuất hiện ở Campuchia, Việt Nam hay ở nước nào khác trong khu vực, thì đây chắc chắn là cơn "đau đầu" cho Bắc Kinh.

Chỉ với chi phí tối thiểu và không có thiệt hại nghiêm trọng về uy tín, mà Hoa Kỳ lại có thể đạt bước tiến đáng kể trong chiến lược kiềm chế và bao vây Trung Quốc.

Người Trung Quốc sẽ có phản ứng ra sao trước sự xuất hiện các cơ sở kho tàng như vậy ở Đông Nam Á?

Theo đánh giá của vị chuyên gia Nga, mức độ nhẹ nhất là có lẽ Trung Quốc sẽ thi hành biện pháp ngoại giao để phá dự án, nếu không sẽ có những hành động quyết liệt hơn.

Trên thực tế, sự tồn tại của những chủ thể như kho tàng, tài sản của quân đội Mỹ trên lãnh thổ sẽ thu hút các nước chủ nhà vào quỹ đạo ảnh hưởng quân sự - chính trị của Hoa Kỳ.

Nước nào quyết định cho phép bố trí những chủ thể như vậy cần dự liệu đón nhận những hệ quả tiêu cực trong quan hệ kinh tế và chính trị với Trung Quốc.

Tuy nhiên, một số học giả bình luận rằng, hiện một số quốc gia Đông Nam Á đang sẵn sàng mở cửa với tất cả các bên với quan điểm đa phương hóa hợp tác quân sự, không nhằm mục đích chống phá bất cứ bên thứ 3 nào, mà ví dụ điển hình là Thái Lan.

Do đó, việc một quốc gia Đông Nam Á khác chấp thuận cho Mỹ xây dựng kho bãi hậu cần, có thể sử dụng trong mục đích nhân đạo (không phải các phương tiện chiến đấu và trinh sát) là điều hoàn toàn bình thường và không gây đe dọa đến bất cứ nước nào.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại