Tờ Strategy Page tại Washington ước tính, Trung Quốc hiện có 400 tên lửa có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, chỉ vài chục quả tên lửa bao gồm DF-5, DF-31A/B và DF-41 có tầm bắn vươn tới lãnh thổ Mỹ.
Theo đó, Trung Quốc được cho sở hữu khoảng 24 tên lửa DF-5 và chúng đã được đưa vào biên chế trong 20 năm qua. Ngoài ra, dù được đánh giá có khả năng tấn công lãnh thổ Mỹ, song một số quả tên lửa thuộc thế hệ DF-5 được cho đã ngừng hoạt động vì gặp trục trặc kỹ thuật.
Dàn phóng tên lửa DF-31A và tên lửa chiến thuật DF-15B cùng tham gia một buổi diễu binh.
Phần lớn các tên lửa đạn đạo do Trung Quốc sản xuất hiện là tên lửa chiến thuật như DF-21, có khả năng nhắm bắn mọi mục tiêu trên lãnh thổ Nga và Ấn Độ. Trong khi đó, quân đội Mỹ tuyên bố họ có thể đánh chặn gần như toàn bộ các tên lửa DF-5 được phóng từ Trung Quốc. Bắc Kinh cũng lên tiếng khẳng định lực lượng tên lửa của nước này không có ý định tấn công bất cứ quốc gia nào.
Ngoài thế hệ tên lửa DF-26C hiện đang được phát triển để thay thế tên lửa DF-21 đã lỗi thời, Trung Quốc còn cho thiết kế nhiều loại tên lửa mới như DF-31A/B và DF-41 để đảm nhận những sứ mệnh mà DF-5 từng thực hiện trong quá khứ.
Với tầm bắn 15.000 km, DF-41 có thể tấn công mọi mục tiêu trên đất Mỹ. Thậm chí, nó có thể được vận chuyển, lắp ráp và phóng từ một chiếc xe tải đặc biệt.
Tờ Strategy Page nhận định năng lực của DF-41 được đánh giá sánh ngang với tên lửa Minuteman III 36 tấn của Mỹ, được triển khai lần đầu tiên trong thập niên 70. Tuy nhiên, khả năng DF-41 hiện vẫn chưa được đưa vào biên chế trong quân đội Trung Quốc.
Còn theo tờ Thời báo Hoàn Cầu, tên lửa DF-31B sẽ sớm được đưa vào phục vụ trong quân đội trung Quốc bởi nó chỉ là phiên bản nâng cấp của thế hệ tên lửa DF-31A.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Strategy Page, website của Mỹ chuyên đăng tải các bản tin và câu chuyện quân sự trên thế giới.