Ngay sau thông tin các nhà khoa học Việt Nam thử nghiệm thành không một số mẫu máy bay không người lái (UAV) và những chiếc UAV này có thể ứng dụng vào trong dân sự, quân sự thì hãng tin AP của Mỹ cũng có bài viết tìm hiểu về trình độ phát triển UAV của Trung Quốc.
Báo Dân trí dẫn bài viết trên AP cho biết, các công ty hàng không của Trung Quốc đã phát triển hàng chục máy bay không người lái, được gọi là unmanned aerial vehicle (hay viết tắt là UAV). Nhiều chiếc đã xuất hiện ở các cuộc triển lãm hàng không, các cuộc diễu binh, trong đó có một số giống một cách kỳ lạ các máy bay Predator, Global Hawk và Reaper được Không quân Mỹ và CIA sử dụng rất hiệu quả.
Giới phân tích cho rằng mặc dù Trung Quốc vẫn còn thua xa Mỹ và Israel, hai thủ lĩnh trong ngành công nghiệp này, nhưng công nghệ của Trung Quốc đã trưởng thành nhanh chóng và đang sử dụng rất rộng rãi các loại máy bay không người lái cho các hoạt động do thám và chiến đấu.
Bài báo nhận định, động thái triển khai máy bay không người lái trên quy mô lớn của Trung Quốc cho thấy quân đội nước này ngày càng phát triển tinh vi hơn và có thể thách thức được thế thống trị của quân đội Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương. Nó cũng gia tăng đe dọa đối với các nước láng giềng có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh, trong đó có Việt Nam, Nhật, Ấn Độ và Philippines.
Trung Quốc cho hay các máy bay không người lái của họ có khả năng chở bom, tên lửa cũng như tiến hành do thám và có khả năng biến thành vũ khí tấn công trong các cuộc xung đột biên giới.
Trung Quốc cũng luôn khẳng định việc nước này củng cố quân đội hoàn toàn nhằm mục đích bảo vệ đất nước: “Các máy bay không người lái là dạng vũ khí công nghệ cao mới, được quân đội nhiều nước khắp thế giới triển khai và sử dụng... Các lực lượng vũ trang Trung Quốc đang phát triển vũ khí và thiết bị với mục đích bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và hòa bình thế giới. Nó không gây đe dọa cho bất kỳ nước nào”, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Yang Yujun nói.
Tuy nhiên, hiện chưa biết chính xác các máy bay không người lái mới nhất của Trung Quốc có khả năng như thế nào, bởi giống như các loại phương tiện khác, chúng không được thử nghiệm trên chiến trường.
Theo hãng thông tấn AP, máy bay không người lái đã tuần tra các vùng biên giới của Trung Quốc và một máy bay không người lái của hải quân đã được triển khai ở tỉnh Tứ Xuyên, miền tây Trung Quốc, nhằm cung cấp hình ảnh chụp từ trên cao sau trận động đất gây chết người vào tháng trước ở đây.
Chúng cũng có thể sớm xuất hiện trên những vùng biển Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, trong đó có quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Hoa Đông đang tranh chấp với Nhật. Nếu vậy, căng thẳng sẽ tăng cao tại khu vực mà tàu Trung-Nhật vốn đã đối đầu như cơm bữa và Nhật thường xuyên phải phái chiến đấu cơ để áp sát máy bay (có người lái) của Trung Quốc.
Trung tướng về hưu Peng Guoqian từng cho biết trên báo chí nhà nước Trung Quốc hồi tháng 1 rằng, các máy bay không người lái đã được sử dụng chụp ảnh và do thám quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Trong khi đó, Lầu Năm Góc trong báo cáo về quân đội Trung Quốc năm 2012 cho hay, máy bay không người lái Trung Quốc có thể hỗ trợ hiệu quả radar tầm xa trong các hoạt động giám sát và xác định các mục tiêu ở Tây Thái Bình Dương, nằm xa bờ biển Trung Quốc. Sứ mệnh của chúng có thể bao gồm hướng dẫn cho tên lửa đạn đạo chống hạm- tên lửa thường được giới quân sự gọi là “sát thủ diệt tàu ngầm”.
Hồi cuối tháng 3/2013, tờ Washington Times đưa tin quân đội Trung Quốc đang mở rộng các phương tiện không người lái trong bối cảnh căng thẳng về tranh chấp lãnh thổ đang gia tăng với các nước Á.
Theo tờ báo này, việc triển khai các loại phương tiện không người lái sẽ bao gồm cả việc trú ẩn ở một số địa điểm gần khu vực tranh chấp lãnh thổ. Những phương tiện này sẽ làm nhiệm vụ trinh sát và giám sát các hoạt động diễn ra ở khu vực đó.
Hãng tin Stratfor cũng cho rằng, mục tiêu chính của Trung Quốc trong việc mở rộng chương trình máy bay không người lái đó là giám sát vùng lãnh hải, kiểm soát vùng lãnh thổ đang tranh chấp với các nước láng giềng, bao gồm Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Đầu tháng 4 vừa qua, báo Thanh niên dẫn trang tin Defense News cho biết, Quân đội Trung Quốc (PLA) đang sở hữu khoảng 280 UAV. Kết quả khảo sát sơ bộ của Project 2049 cho thấy dường như việc sử dụng UAV có khuynh hướng lan rộng trong nội bộ các đơn vị của PLA. Từ các thông tin chưa được xác nhận, các chuyên gia kết luận rằng Lữ đoàn Pháo binh 2, vốn chịu trách nhiệm quản lý các tên lửa chiến lược, đang nắm trong tay các UAV hoạt động tầm xa và cao trong khi không quân, hải quân và bộ binh được giao những đơn vị UAV phục vụ cho mục đích tác chiến lẫn huấn luyện.