Nhận định trên được đăng tải trên tờ DEBKAfile của Israel. Theo tạp chí này, trong tuần cuối cùng của tháng 9/2015, Nga đã đưa 2 máy bay trinh sát điện tử gồm cả Il-20 (phiên bản được NATO đặt tên là Coot) đến căn cứ quân sự Hmeymim tại Latakia ở Syria.
4 động cơ tuabin cánh quạt sẽ cho phép các máy bay này hoạt động ở trên không trong vòng 12 tiếng liên tục trong điều kiện sử dụng các bộ cảm biến nhiệt và hồng ngoại, các hệ thống radar, các camera chụp ảnh và quay video.
Bên cạnh đó là hệ thống radar quét vòng để thu thập tất cả các thông tin trong một phạm vi rất rộng cả ban ngày, ban đêm cũng như trong bất cứ điều kiện thời tiết nào.
Il-20 có thể cung cấp cho các lực lượng quân đội Nga những thông tin đầy đủ về tình hình tại các khu vực quan tâm.
Do vậy, DEBKAfile bày tỏ quan ngại rằng việc căn cứ của Nga ở Latakia chỉ cách biên giới Syria - Israel 288 km sẽ giúp Il-20 thu thập được toàn bộ các thông tin về hoạt động quân sự của Israel trên toàn bộ lãnh thổ nước này.
Dựa vào phân tích của một nguồn tin quân sự, DEBKAfile cũng khẳng định rằng Il-20 cũng đã bị phát hiện có mặt tại căn cứ không quân Al-Takaddum ở gần thủ đô Baghdad của Iraq.
Ngoài ra, DEBKAfile còn cho rằng ngày 4/10, Nga đã gửi một “siêu vũ khí” khác đến Syria là 10 xe vận tải đa năng bọc thép được trang bị các hệ thống điện tử “Borisoglebsk 2”, một trong những dòng hệ thống điện tử hiện đại nhất trên thế giới.
Các thiết bị này đã được bố trí ở các thành phố ven bờ biển Địa Trung Hải của Syria ở độ cao 1.562 m.
Cùng với đó, hệ thống anten và máy phát công suất lớn đã được triển khai để ngăn chặn và bắt được bất cứ tín hiệu vô tuyến điện nào được chuyển đi dưới dạng sóng điện từ, cả trong lĩnh vực quân sự cũng như dân sự.
Ảnh mang tính chất minh họa
Các chuyên gia của DEBKAfile nhận định rằng các hệ thống này của Nga không chỉ đảm bảo hoạt động thông suốt cho lực lượng Không quân - Vũ trụ Nga trên bầu trời Syria mà còn có thể vô hiệu hóa khả năng tổ chức các chiến dịch đặc biệt do Mỹ và liên quân định thực hiện ở Syria.
Các hệ thống này còn có khả năng cô lập hoặc phá vỡ các chiến dịch của các lực lượng nổi dậy và các lực lượng khủng bố IS.
Ngoài ra, REB của Nga còn có thể cản trở, gây khó khăn cho hoạt động của các cơ quan mật vụ Israel và các hệ thống thông tin liên lạc ở miền Bắc Israel. REB của Nga còn có thể tạo ra nhiễu khi quân đội Israel sử dụng các thiết bị bay không người lái.
Trước đó, bản thân giới chức quân sự Mỹ đã phải thừa nhận sự vượt trội của REB so với các thiết bị tương tự của Mỹ. Tư lệnh lực lượng quân đội Mỹ ở châu Âu, Trung tướng Ben Hogdes thậm chí còn gọi REB của Nga là “cỗ máy chết người”.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ báo Quan điểm, một trong những tờ báo điện tử uy tín tại Nga.