Ngày 08 tháng 9, phương tiện truyền thông Nhật Bản đưa tin máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc đã xuất hiện gần không phận của Nhật Bản, cụ thể là gần đảo Miyake (khoảng 100 km về phía Nam Tokyo). Ngoài ra, các phương tiện truyền thông đã chú ý đến các mấu treo dài ở dưới cánh của máy bay ném bom, có thể là được dùng để treo tên lửa siêu âm chống tàu hạng nặng YJ-12 (Ưng Kích 12), được xem là lớp tên lửa "bí ẩn" trên thế giới.
Tên lửa YJ-12 của Trung Quốc đang hâm nóng cuộc chạy đua nghiên cứu phát triển tên lửa chống hạm siêu âm ở châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có tên lửa chống hạm Hùng Phong-3 của Đài Loan, tên lửa chống hạm XASM-3 của Nhật Bản và tên lửa chống hạm Brahmos của Indonesia (mua của Ấn Độ).
Tên lửa YJ-12 của Trung Quốc.
YJ-12 có 4 cửa hút gió cho 4 động cơ phản lực không khí siêu âm thẳng. Người ta ước tính rằng sau khi rời khỏi bệ phóng nó có thể đạt tốc độ lên đến 4M, sau đó bay hành trình ở độ cao thấp khoảng 15-25 m (tính từ mặt đất) với tốc độ hành trình 1,5 M. Tên lửa có tầm bắn khoảng 400 km, radar dẫn hướng ở mũi tên lửa có thể bắt mục tiêu ở khoảng cách 50 km. Theo một số nguồn tin, tên lửa có chiều dài khoảng 7m, khối lượng từ 2 đến 2,5 tấn và có thể mang đầu đạn nặng trên 300 kg.
Tên lửa chống tàu siêu âm YJ-12 được trang bị trên các máy bay chiến đấu-ném bom JH-7A Báo Bay. Máy bay có bán kính tác chiến khoảng 1.650 km với tên lửa có tầm bắn lên tới 400 km thực sự là nỗi ám ảnh đối với lực lượng hải quân của đối phương. Máy bay JH-7A có thể mang 2 tên lửa YJ-12, trong khi máy bay ném bom H-6G có thể mang được tới 4 quả tên lửa loại này. Ngoài các máy bay chiến đấu-ném bom kể trên, tên lửa chống tàu siêu âm YJ-12 cũng có thể được trang bị trên tàu sân bay.
Oanh tạc cơ H-6 của Trung Quốc được trang bị tên lửa diệt hạm YJ-12.
Một bài viết trên trang mạng Strategy Page của Mỹ đánh giá cao khả năng của YJ-12 khi nhận định rằng YJ-12 sẽ làm tăng đáng kể khả năng chống hạm của Hải quân Trung Quốc. Tốc độ siêu âm của tên lửa có thể khiến bất kỳ hệ thống phòng thủ nào phương Tây phải bất lực khi chống lại nó.
Các chuyên gia tin rằng việc sử dụng YJ-12 kết hợp với các tên lửa đạn đạo chống tàu DF-21D có thể rất hiệu quả để vượt qua các chiến hạm phòng thủ tên lửa, được trang bị hệ thống Aegis của Mỹ. Để xây dựng một hệ thống phòng vệ hiệu quả trước loại tên lửa như vậy cần thiết phải tạo ra một hệ thống phòng thủ tên lửa sử dụng công nghệ laser, tuy nhiên việc làm này có thể sẽ mất hơn một thập kỷ.
Tên lửa Kh-31 trang bị trên Su-30MKK của Trung Quốc.
Tập chí quốc phòng Jane's Defense Weekly của Anh cho biết tính năng kỹ thuật của tên lửa chống tàu siêu âm YJ-12 vượt trội hơn tất cả các tên lửa cùng loại trên thế giới, bao gồm cả những loại tên lửa phóng từ tàu ngầm, tàu nổi và mặt đất. Việc Trung Quốc tạo ra hai loại tên lửa chống hạm mạnh mẽ tấn công từ độ cao thấp và từ không gian – tên lửa YJ-12 và tên lửa đạn đạo DF-21D – khiến cho các tàu sân bay và tàu nổi lớn khác của các nước khác phải tăng cường hơn nữa khả năng phòng thủ để có thể đối phó với các loại tên lửa này.
Chương trình phát triển tên lửa hành trình chống tàu tốc độ siêu âm YJ-12 được bắt đầu từ những năm 1990 và mô hình tên lửa lần đầu tại triển lãm hàng không Chu Hải 2000. Trung Quốc tuyên bố rằng đây là loại tên lửa hiện đại do chính nước này tự thiết kế chế tạo. Tuy nhiên, một số chuyên gia quốc tế nhận định, YJ-12 là một sự kết hợp giữa tên lửa không đối đất ASMP của Pháp và YJ-91 với sự trợ giúp kỹ thuật của Nga thông qua thiết kế Kh-31P.
Tên lửa diệt hạm Harpoon của Mỹ.
Được biết, giá của mỗi quả YJ-12 khoảng 2 triệu USD, gấp đôi tên lửa chống tàu AGM-84 Harpoon của Mỹ. Với chi phí như vậy, đây được xem là loại tên lửa đắt nhất hành tinh.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trong!