"Báo bay" JH-7: "Niềm kiêu hãnh" của TQ đâm đầu xuống đất

Thiên Nam |

Chiếc máy bay Trung Quốc bị rơi ở tỉnh Thiểm Tây được xác định là tiêm kích bom JH-7 - niềm kiêu hãnh của chiến đấu cơ quốc nội Trung Quốc.

Chiến đấu cơ nội địa hàng đầu của Trung Quốc rơi vỡ tan tành

Ngày 22-12, một chiếc máy bay chiến đấu 2 chỗ ngồi, được các chuyên gia quân sự xác định là tiêm kích bom Xian JH-7 của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã gặp nạn và rơi ở tỉnh Thiểm Tây ở phía tây bắc Trung Quốc làm tất cả 2 phi công thiệt mạng.

Theo truyền thông địa phương, chiếc máy bay này gặp nạn trong khi đang thực hiện chuyến bay huấn luyện thông thường lúc 15h44 giờ địa phương (tức 14h44 phút giờ Việt Nam) ở gần thành phố Vị Nam, cách Bắc Kinh khoảng 600 dặm (gần 1.000 km) về phía tây.

Những thông tin được đăng tải trên các trang mạng của Trung Quốc cho thấy, chiếc máy bay này đã chao đảo mấy vòng trên không rồi đâm sầm xuống đất.

Thân máy bay vỡ tan thành nhiều mảnh, trong đó phần đuôi có những ký hiệu đặc trưng của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

​Báo chí địa phương cho biết, 2 phi công đã thiệt mạng trong vụ tai nạn này (1 người chết ngay và 1 người chết trên đường đi cấp cứu).

Điều tra sơ bộ cho rằng hai phi công này đã nỗ lực điều khiển chiếc máy bay tránh xa một ngôi làng gần đó để máy bay rơi không thương vong cho dân thường.

Mảnh vỡ phần thân máy bay đã rơi xuống một khu vực không có dân cư sinh sống, trong khi các mảnh vỡ khác, bao gồm cả động cơ văng ra, nằm rải rác trải dài 500m trên cánh đồng gần đó. Vụ tai nạn không gây thương vong nào cho cư dân dưới mặt đất.

Chiếc máy bay bị rơi của Trung Quốc thuộc loại tiêm kích bom JH-7
Chiếc máy bay bị rơi của Trung Quốc thuộc loại tiêm kích bom JH-7

​Phòng cứu hỏa địa phương cho biết họ đã triển khai 10 xe cứu hỏa tới hiện trường tham gia cứu nạn và dập tắt đám cháy. Hiện tại, Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa đưa ra bình luận gì về vụ tai nạn trên.

Theo đặc điểm của những mảnh vỡ máy bay và phần động cơ còn nhận dạng được, một số chuyên gia quân sự nhận định, chiếc máy bay chiến đấu này chính là tiêm kích bom JH-7 - niềm tự hào của chiến đấu cơ nội địa Trung Quốc.

Từ trước đến nay đã có hai vụ tai nạn của loại máy bay này được biết tới do xảy ra ở tại triển lãm hàng không.

Vụ đầu tiên là vào ngày 19-7-2009, một chiếc JH-7 đã bị rơi khi đang bay biểu diễn trong một cuộc triển lãm hàng không tại Trung Quốc khiến hai phi công thiệt mạng do không nhảy được ra ngoài.

Vụ thứ 2 là vào ngày 14 tháng 10 năm 2011, một chiếc JH-7A cũng đã bị rơi khi đang bay biểu diễn trong một cuộc triển lãm hàng không tại Trung Quốc. Vụ tai nạn đã khiến một phi công thiệt mạng, phi công còn lại đã nhảy dù thoát ra an toàn.

Tính năng của tiêm kích bom JH-7

Xian JH-7/歼轰-7 (tên ký hiệu của NATO: “Flounder”) là máy bay tiêm kích bom “nội địa hóa” do Tập đoàn công nghiệp hàng không Tây An nghiên cứu phát triển.

JH-7 là viết tắt của từ Jian Hong-7, trong đó “Jian” là chỉ máy bay tiêm kích, “Hong” là tên hiệu của máy bay ném bom);

Hiện trường vụ rơi máy bay tiêm kích bom JH-7
Hiện trường vụ rơi máy bay tiêm kích bom JH-7

JH-7 còn có một phiên bản dành cho mục đích xuất khẩu là FBC-1 (Fighter/Bomber China-1) “Phi Báo” (Flying Leopard).

Nhưng cho đến thời điểm hiện tại không có bất kỳ khách hàng quốc tế nào ngó ngàng tới FBC-1. Trong triển lãm hàng không Chu Hải 2014 vừa qua, Trung Quốc cũng mang JH-7 đến “show hàng”.

JH-7 là loại máy bay tiêm kích bom hai chỗ ngồi, hai động cơ đang phục vụ trong lực lượng không quân của hải quân và trong biên chế của cả lực lượng Không quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

Theo các thông tin khác nhau, quân đội Trung Quốc có 160-180 máy bay JH-7 và vẫn đang tiếp tục sản xuất.

Các cơ cấu tham gia sản xuất loại máy bay này là Tập đoàn Công nghiệp máy bay Tây An và Viện thiết kế máy bay 602.

Loạt máy bay JH-7 đầu tiên được biên chế vào giữa thập niên 1990 để thử nghiệm đánh giá và phiên bản cải tiến JH-7A bắt đầu hoạt động trong năm 2004.

Về đặc tính kỹ thuật, JH-7 có chiều dài 22,32m; sải cánh 12,7 m; chiều cao 6,57m; trọng lượng không tải 14.500 kg; trọng lượng cất cánh tối đa 28.475 kg. Loại máy bay tiêm kích bom này có khả năng tác chiến cả ngày lẫn đêm, trong mọi điều kiện thời tiết.

Máy bay được trang bị 02 động cơ Xian WS9, lực đẩy 54 kN, đốt nhiên liệu lần hai là 91,2 kN mỗi chiếc; vận tốc cực đại 1.808 km/h trên độ cao 11.000 m (36.000 ft); tốc độ tuần tra 903 km/h; tầm bay 3.650 km; bán kính chiến đấu 1.650 km (890 hải lý); trần bay 15 km.

JH-7A được coi là niềm tự hào tiêm kích nội Trung Quốc

JH-7A được coi là niềm tự hào tiêm kích nội Trung Quốc

JH-7 có thể mang được 6.500 kg (14.500 lb) vũ khí; được trang bị 01 pháo tự động hai nòng 23 mm GSh-23L, 300 viên đạn.

Ngoài ra còn có tên lửa không đối không PL-5, tên lửa chống hạm YJ-8K và YJ-82K, tên lửa chống radar YJ-91 và được trang bị bom rơi tự do và điều khiển bằng laser.

Quá trình phát triển và các phiên bản kế tiếp

JH-7 là mẫu máy bay tiêm kích bom mới nhất và có tỷ lệ nội địa hóa cao của Trung Quốc. Máy bay đã bắt đầu được nghiên cứu chế tạo từ năm 1973 với nền tảng công nghệ thấp, nên nó có nhiều điểm yếu về động cơ, dẫn đường, điều khiển và vũ khí tấn công chính xác.

Những chiếc JH-7 đầu tiên sử dụng động cơ nhập khẩu Rolls-Royce Spey Mk.202, có lực đẩy 54 kN, sau khi đốt sau vẻn vẹn 91,2 kN mỗi chiếc và sau đó là phiên bản nội địa WoShan-9 (WS-9), sản xuất theo giấy phép chế tạo của Spey Mk.202.

Tuy nhiên, do động cơ nội địa WS-9 ra đời giữa thập niên 90 nhưng chất lượng quá kém nên JH-7 có tốc độ thấp, khả năng mang tải vũ khí chỉ được 6.5 tấn, thấp hơn so với Sukhoi Su-24 và Su-30 (8 tấn), và General Dynamics F-111 (14 tấn).

Thậm chí, loại máy bay này còn được đánh giá là không bằng tiêm kích bom cổ lỗ của Nga là Su-24 nên đã bị không quân nước này từ chối tiếp nhận nên chỉ sản xuất 50 chiếc và ngừng sản xuất để nâng cấp lên JH-7A với động cơ RD-93 của Nga.

Hiện Trung Quốc đang phát triển phiên bản tiên tiến hơn là JH-7B

Hiện Trung Quốc đang phát triển phiên bản tiên tiến hơn là JH-7B

JH-7A là một phiên bản nâng cấp với radar JL-10A PD, hệ thống fly-by-wire mới, thêm các giá treo vũ khí, và khả năng mang được tên lửa chống bức xạ của Nga Kh-31 và bom điều khiển bằng laser. JH-7A cũng bắt đầu được trang bị tính năng tiếp dầu trên không.

Hiện nay, Trung Quốc đang phát triển phiên bản mới là JH-7B với tỷ lệ vật liệt bằng vật liệu composite lớn hơn và các hệ thống điện tử và động cơ của máy bay JH-7B đã được nâng cấp tốt hơn.

Đồng thời, loại máy bay này có thể mang được tất cả các loại vũ khí của Nga và Trung Quốc.

Tuy chất lượng thấp hơn nhiều nhưng JH-7 là máy bay đơn giản và nhẹ hơn so với máy bay cường kích Su-24 hay F-111, đồng thời rẻ hơn rất nhiều so với máy bay tiêm kích đa chức năng Su-30.

JH-7 chính là đại diện tiêu biểu cho xu hướng vũ khí của Trung Quốc “hàng rẻ, số lượng nhiều để bù chất lượng”.

Hiện nay, không quân của hải quân Trung Quốc có 3 trung đoàn trang bị JH-7, lần lượt đóng quân ở Thượng Hải, Chiết Giang và Lạc Đông (Hải Nam), mỗi trung đoàn được biên chế từ 18 đến 24 máy bay.

JH-7 cũng có 3 trung đoàn đang được biên chế trong sư đoàn không quân Trung Quốc là sư đoàn số 6, số 9 và số 28.

Mặc dù đang phát triển phiên bản cải tiến quan trọng là JH-7B nhưng tương lai của loại máy bay này vẫn ảm đạm trong quân đội Trung Quốc.

Lý do là những mẫu máy bay tiêm kích/ném bom hiện đại hơn như Shenyang J-11 và Chengdu J-10 hay các máy bay J-16 trong tương lai được sử dụng cho vai trò tấn công trên biển.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại