Tạp chí quốc phòng IHS Jane's đưa tin, hôm 4/2, Bộ Quốc phòng Ukraine (MoD) cho biết lực lượng của họ đã phá hủy một hệ thống pháo TOS-1 trong cuộc giao tranh hôm 3/2.
Tuyên bố này được đưa ra sau thông báo của MoD hôm 14/1 rằng, lực lượng của họ đã lần đầu tiên đụng độ hệ thống TOS-1 trong cuộc giao tranh hôm 13/1.
Những thông tin chưa được xác nhận trước đó đã đề cập tới việc TOS-1 được sử dụng trong cuộc tấn công của phe ly khai vào sân bay Donetsk, mặc dù MoD không đưa ra tuyên bố nào như vậy vào thời điểm đó.
Jane’s cho biết, do vẫn chưa có hình ảnh nào về TOS-1 ở Ukraine nên những tuyên bố của MoD trở nên khó xác minh, mặc dù trước đây, nguồn tin từ MoD đa phần được đánh giá là đáng tin cậy.
Tuy nhiên, đã có những bức ảnh cho thấy sự xuất hiện của hệ thống pháo/tên lửa phòng không Pantsir-S1 (SA-22 ‘Greyhound’) vốn bị cáo buộc là đang hoạt động ở miền đông Ukraine.
Những bức ảnh này được cho là chụp vào cuối tháng 1 vừa qua gần thị trấn Shakhtarsk và Makiivka, ngay phía đông Donetsk. Tuy nhiên, Jane’s vẫn chưa thể kiểm chứng thông tin này.
Theo Jane’s, TOS-1 được biết tới như một hệ thống phun lửa hạng nặng của Nga, mặc dù nó có sử dụng đạn rocket cỡ 220mm với tầm bắn ngắn (3500m) và mang đầu đạn nhiệt áp.
TOS-1 được đặt trên khung gầm xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 (MBT), có thể mang tối đa 30 quả đạn rocket.
TOS-1A, phiên bản nâng cấp của TOS-1, sử dụng đạn rocket tiên tiến hơn với tầm bắn mở rộng tới 6000m nhưng chỉ mang tối đa 24 đạn.
Vai trò chính xác của TOS-1 vẫn là một ẩn số.
Tuy nhiên, tầm bắn ngắn, khung gầm MBT và đầu đạn nhiệt áp của hệ thống này cho thấy nó được thiết kế để hoạt động tại hoặc sát với khu vực tiền tuyến nhằm đối phó với lực lượng bộ binh của đối phương, mở đường cho các cuộc tấn công trên bộ.
Nga được cho là đã sử dụng TOS-1 trong cuộc chiến ở Chechnya năm 1999-2000. Tại đây, TOS-1 tỏ ra hiệu quả trong tác chiến đô thị.
Một số nguồn tin cho biết, TOS-1 được vận hành với số lượng hạn chế bởi các đơn vị vũ khí hạt nhân, sinh học và hóa học (NBC) của Nga, thay vì các đơn vị pháo binh.
Còn hệ thống phòng không Pantsir ra đời để thay thế hệ thống phòng không Tunguska của Liên Xô.
Nó kết hợp 2 pháo tự động 2A38M 30mm và 12 tên lửa đất đối không tầm ngắn/trung.
Hệ thống pháo/tên lửa phòng không Pantsir-S1
Được đặt trên khung gầm xe tải 8x8, Pantsir là một trong những hệ thống mạnh nhất trong kho vũ khí của Nga.
Pantsir được thiết kế để bắn hạ tên lửa và những mục tiêu trên không di chuyển với tốc độ cao, với tầm bắn lên tới 20km.
Jane’s nhận định, các hệ thống TOS-1 và Pantsir sẽ mang lại những khả năng quan trọng cho lực lượng ly khai trong các cuộc tấn công tiêu diệt quân chính phủ ở Debaltseve, tâm điểm giao tranh mới tại miền đông Ukraine.
TOS-1 sẽ mang lại hiệu quả lớn khi tấn công vào các vị trí của quân chính phủ.
Trong khi đó, Pantsir mang lại cho lực lượng ly khai một trong những năng lực phòng không mạnh nhất chưa từng có, ngăn quân chính phủ sử dụng sức mạnh không quân để phá vỡ những cuộc đột kích vào khu vực này.
Theo Jane’s, điều đáng nói là cả 2 hệ thống trên đều là loại hiện đại nhất trong kho vũ khí của Nga và không có trong biên chế quân đội Ukraine.
Chúng cũng chưa được xuất khẩu rộng rãi và những khách hàng của chúng cũng rất ít khả năng là bên cung cấp cho ly khai.
Jane's cho biết, TOS-1 được xuất khẩu sang một số ít quốc gia, gồm Azerbaijan, Kazakhstan và Iraq.
Còn Pantsir mới chỉ được xuất khẩu sang Trung Đông, với các đơn đặt hàng từ Algeria, Iraq, Syria và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).