Báo Anh bình luận về lữ đoàn hải-không quân đầu tiên của Việt Nam

Trường Sơn |

(Soha.vn) - Hải quân Việt Nam vừa thành lập một lữ đoàn hải - không quân kết hợp để thực hiện hàng loạt nhiệm vụ trong tình hình mới, theo đánh giá của tạp chí quốc phòng hàng tuần Jane Defense Weekly.

Lữ đoàn hải-không quân mới mang số hiệu 954, được chính thức thành lập hôm 3/7 để đảm nhận một số nhiệm vụ đặc biệt, bao gồm tuần tra giám sát hải quân và tìm kiếm cứu nạn (SAR). Ngoài ra, Lữ đoàn 954 còn thực hiện các nhiệm vụ trên bộ thông thường như vận chuyển binh lính.

Trích dẫn báo cáo từ các phương tiện truyền thông Việt Nam, Jane cho biết, căn cứ đóng quân của Lữ đoàn 954 là một bí mật, kể cả số lượng nhân viên và các thành phần khác. Lực lượng Không quân và Hải quân Việt Nam đang vận hành một số máy bay trên nền tảng cánh rotor (trực thăng) và máy bay cánh cố định để tham gia trong các nhiệm vụ tuần tra hải quân và SAR. Đó là các máy bay vận tải Antonov An-26 Curl và máy bay trực thăng Mi-8/17 Hip.

Hải quân Việt Nam cũng đang sử dụng một vài máy bay PZL M28 Skytruck (được thiết kế dựa trên loại máy bay vận tải An-28 Cash của Liên Xô). Máy bay này được tối ưu cho các nhiệm vụ tuần tra cùng với các máy bay trực thăng Mi-8.

Theo đánh giá của Jane, trong vài năm gần đây, Việt Nam đang không ngừng tăng cường khả năng bảo vệ bờ biển và hải đảo của mình trong bối cảnh Trung Quốc liên tục có các hành động gây hấn, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Thủy phi cơ Twin Otter 400 sẽ tham gia tuần tra và giám sát bờ biển của Việt Nam trong tương lai gần
Thủy phi cơ Twin Otter 400 sẽ tham gia tuần tra và giám sát bờ biển của Việt Nam trong tương lai gần

Minh chứng điển hình đó là, trong năm 2010, Việt Nam đã đặt mua 6 thủy phi cơ lưỡng dụng DHC-6 Twin Otter của hãng Air Viking (Canada), một sự kiện lịch sử đánh dấu việc lần đầu tiên Bộ Quốc phòng Việt Nam đặt mua máy bay do phương Tây sản xuất. Các máy bay này sẽ tham gia vào nhiệm vụ bay trinh sát, tuần tra cũng như vận chuyển quân, hàng hóa và cả các quan chức cấp cao ra ngoài hải đảo.

Jane cho rằng, với chiều dài bờ biển gần 3.500 km và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng tới 1.369.299 km2 trên Biển Đông, Việt Nam không chỉ cần bảo vệ ngành công nghiệp dầu khí đang lớn mạnh và nguồn lợi hải sản của mình mà còn cần đấu tranh để bảo vệ chủ quyền tại một số đảo, điển hình là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, một phần lãnh thổ của Việt Nam nhưng luôn gặp phải sự tranh chấp với các quốc gia trong khu vực, trọng tâm là Trung Quốc.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại