Đây là lần đầu tiên Ủy ban Tài chính Thượng viện Pháp lên tiếng xác nhận tổn thất mà chính phủ nước này phải hứng chịu kể từ khi Paris tuyên bố việc hủy hợp đồng bàn giao 2 tàu Sevastopol và Vladivostok cho Moscow.
Thượng viện Pháp lưu ý thiệt hại sẽ còn lớn hơn con số 200-250 triệu euro vì ngành công nghiệp trong nước bị tổn hại, bao gồm sụt giảm lợi nhuận ở mức lên tới 150 triệu euro.
Tuy nhiên, báo cáo cũng thừa nhận Pháp đã giải quyết đúng vụ tàu Mistral với Nga vì nếu để lâu, Paris phải tiêu tốn nhiều tiền bạc để bảo dưỡng 2 con tàu, chưa kể bị phạt nặng do đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Khi Nga yêu cầu Pháp bán 2 tàu Mistral cho mình tháng 6-2011, Moscow đồng ý trả 1,2 tỉ euro, trong đó đặt cọc 893 triệu euro. Hợp đồng được bảo đảm bằng một bản ghi nhớ có chữ ký của Công ty vũ khí Rosoboronexport (Nga) và tập đoàn đóng tàu French DCNS (Pháp).
Đến cuối năm 2014, Pháp từ chối cung cấp 2 tàu Mistral vì cáo buộc Nga sáp nhập trái phép bán đảo Crimea của Ukraine.
Paris đồng ý trả lại 949,7 triệu euro cho Moscow, bao gồm tiền đặt cọc 893 triệu euro và tiền Nga đào tạo thuyền viên, xây bến cảng, mua thiết bị… 56,7 triệu euro.
Thượng viện Pháp ngày 30-9 đã thông qua thỏa thuận bồi thường này, sau khi Hạ viện đã thông qua hôm 17-9.
Ngày 23-9, Tổng thống Pháp François Hollande tuyên bố nước này sẽ bán 2 tàu Mistral cho Ai Cập. Giá bán không được tiết lộ nhưng Thượng viện Pháp ước tính nằm trong khoảng 950-960 triệu euro.
Trên cơ sở đó, Ủy ban Tài chính Thượng viện Pháp phát hiện ra rằng Paris thực chất gánh lỗ từ 200-250 triệu euro, ngoài ra còn có chi phí bảo hiểm (bến tàu, bảo trì, gỡ bỏ thiết bị Nga cung cấp trên tàu) và sụt giảm lợi nhuận của French DCNS từ 90-146 triệu euro tùy thuộc kết quả đàm phán giữa 2 bên.