Bán tàu cho Trung Quốc, Ukraine mất trắng 14 triệu USD

Nhật Minh |

Kanwa nhận định, Nga sáp nhập Crimea đồng nghĩa với việc Trung Quốc không còn cần tới sự hỗ trợ từ Ukraine. Bắc Kinh vì thế có cớ để "quay lưng" với Kiev.

Theo tạp chí quốc phòng Kanwa (trụ sở tại Canada), sau khi Nga sáp nhập Crimea, Trung Quốc đã quyết định trả 14 triệu USD (số tiền nợ mua tàu đổ bộ đệm khí lớp Zubr) cho công ty đóng tàu Feodosia và nhà máy Fiolent của Crimea, thay vì chính phủ Ukraine.

Kanwa cho biết, hợp đồng trị giá 315 triệu USD được Trung Quốc ký kết với Ukraine vào năm 2009. Trong đó, Kiev sẽ cung cấp 4 tàu đổ bộ đệm khí lớp Zubr cho Bắc Kinh.

Theo hợp đồng, công ty đóng tàu Feodosia và nhà máy Fiolent chịu trách nhiệm đóng 2 tàu Zubr, 2 tàu còn lại sẽ được đóng tại Trung Quốc.

Sau đợt chuyển giao chiếc tàu đầu tiên đóng tại Ukraine vào tháng 5/2013, Trung Quốc còn nợ Kiev 14 triệu USD tiền chiếc tàu thứ 2 đóng tại Crimea.

Sau hành trình kéo dài 1 tháng, tàu đổ bộ cỡ lớn

Tàu Zubr đầu tiên được vận chuyển về Trung Quốc

Một năm sau khi Trung Quốc nhận được chiếc tàu đầu tiên từ Ukraine, Nga sáp nhập Crimea. Moscow yêu cầu Bắc Kinh trả 14 triệu USD còn lại cho 2 công ty đóng tàu ở Crimea, thay vì Kiev.

Do không còn cơ sở đóng tàu Zubr, Ukraine đã không còn hữu ích với Trung Quốc. Cuối cùng, Bắc Kinh đã quyết định đứng về phía Moscow bằng cách làm mới hợp đồng.

Andrei Skrynnik, Bộ trưởng công nghiệp Crimea cho biết trong một cuộc phỏng vấn đăng trên tờ Washington Post vào ngày 24/11: "Trung Quốc sẵn sàng trả số tiền nợ của chiếc tàu thứ 2 cho nhà máy của Crimea".

Kanwa cho hay, cả 2 nước đã đồng ý hủy kế hoạch ban đầu là đóng 2 tàu Zubr còn lại tại Trung Quốc.

Thay vào đó, Trung Quốc đề nghị đóng các tàu chiến mặt nước tiên tiến cho Hải quân Trung Quốc tại các nhà máy đóng tàu ở Crimea, nhưng với một mức giá cao hơn.

Kanwa nhận định, Nga sáp nhập Crimea đồng nghĩa với việc Trung Quốc không còn cần sự hỗ trợ từ Ukraine. Bắc Kinh vì thế có cớ để "quay lưng" với Kiev.

Do tàu đổ bộ giữ vai trò quan trọng trong chiến lược quân sự của Trung Quốc ở cả Biển Đông và Hoa Đông nên Bắc Kinh sẽ phải đàm phán với Moscow về thương vụ mua tàu này, thay vì Kiev.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại