Đây đều là những tác phẩm tâm huyết của anh Nguyễn Ngọc Tuấn, một người theo đuổi niềm đam mê chế tác mô hình quân sự đã được 8 năm. Dưới bàn tay khéo léo của anh, những chiếc tiêm kích MiG-21 oai hùng từng khiến Không quân Mỹ khiếp sợ, hay những chiếc xe tăng "bảo vật quốc gia" từng tham gia húc đổ Cổng Dinh Độc Lập mang lại chiến thắng vẻ vang cho dân tộc Việt Nam, được tái hiện một cách chân thực.
Máy bay MiG-21F96 mang số hiệu 5121 từng bắn rơi 5 máy bay Mỹ. Trong số đó, có một máy bay B52, do phi công Phạm Tuân bắn rơi vào đêm ngày 27/12/1972. Chiếc máy bay đã được công nhận là "Bảo vật Quốc gia".
MiG-21 PF 4324 từng được sử dụng bởi 9 phi công khác nhau, và đã bắn rơi 14 máy bay trong khoảng thời gian 11/1967 tới 05/1968. Hiện nay, máy bay đang được trưng bày tại bảo tàng Quân Đội ở Hà Nội.
MiG-21 5020 của đoàn 927 đã được các anh hùng không quân Lê Thanh Đạo, Nguyễn Đức Soát, Nguyễn Văn Nghĩa... sử dụng và lập công xuất sắc qua nhiều trận chiến đấu rất quyết liệt với không quân Mỹ năm 1972. Ngày 5/7/1972, trên chiếc máy bay này, anh hùng Nguyễn Tiến Sâm đã phóng tên lửa làm nổ tung 1 chiếc F-4E của Mỹ. Do bắn quá gần, anh buộc phải lao qua điểm nổ thiếu không khí làm máy bay tắt máy, anh bình tĩnh mở máy trên không, tiếp tục yểm hộ cho đồng đội bắn rơi thêm 1 chiếc F-4 nữa.
Chiếc máy bay tiêm kích MiG-19 6058 của đoàn không quân 925 đã lập nhiều chiến công xuất sắc trong chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Dưới sự điều khiển của các phi công Việt Nam, MiG-19 6058 đã bắn rơi máy bay F-4 của Mỹ, góp phần vào thắng lợi giòn giã của bộ đội không quân
Chiếc MiG-21 PFM 5066 từng đánh chặn một chiếc B-52 vào ngày 13/04/1972 trên bầu trời Thanh Hoá.
MiG -21 PFE(PF/PFV) 4128 nằm trong phi đội MiG-21 PF đầu tiên tới Việt Nam vào tháng 04/1966.
Máy bay A-37do quân và dân ta thu được của quân Mỹ-Việt Nam Cộng hòa tại sân bay Biên Hoà ngày 30/4/1975. Đây là loại máy bay mà phi đội Quyết thắng đã sử dụng ném bom sân bay Tân Sơn Nhất chiều ngày 28/4/1975, phá hỏng đường băng, phá huỷ 24 máy bay địch, góp phần vào chiến thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh ngày 30/4/1975.
Sáng ngày 30/4/1975, chiếc xe tăng mang số hiệu 390 do Trung úy Vũ Đăng Toàn (chỉ huy xe), Trung sĩ Nguyễn Văn Tập (lái xe), Trung sĩ Ngô Sỹ Nguyên (pháo thủ số 1) và Thiếu úy Lê Văn Phượng (pháo thủ số 2) đã húc đổ cổng Dinh Độc Lập, trụ sở cơ quan đầu não của chính quyền ngụy Sài Gòn đánh dấu chấm hết cho sự hiện diện của Mỹ và chính quyền Sài Gòn cũ, khẳng định chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Xe tăng T-54 số hiệu 843 đã tham gia giải phóng Huế, Đà Nẵng, sau đó tiếp tục hành quân tham gia giải phóng các tỉnh ven biển miền Trung và thẳng tiến về Sài Gòn với tinh thần “thần tốc và quyết thắng”. Ngày 30/4/1975 xe tăng này đã dẫn đàu đội hình vào Sài gòn, trên đường đến Dinh Độc Lập đã bắn cháy 3 xe tăng và bọc thép của địch, 11h ngày 30/4/1975, xe tăng này húc vào cổng phụ của Dinh Độc Lập, bị chết máy, đồng chí Đại đội trưởng Đại đội 4 Bùi Quang Thận, chỉ huy xe tăng 843, nhảy ra khỏi xe và cắm lá cờ lên nóc Dinh Độc Lập.
Xe tăng PT-76, số hiệu 555 thuộc đại đội tăng 3, Tiểu đoàn 198 là một trong những chiếc xe truyền thống đầu tiên của lự lượng Tăng - Thiết giáp. Xe đã lập công xuất sắc trong trận chiến ở Tà Mây – Làng Vây (2/1968) và chiến dịch đường 9 nam Lào tháng 2/1971.