Ba con hổ của lục quân Tây Âu

Leopard, Leclerc và Challenger là ba đại diện tiêu biểu của dòng xe tăng Tây Âu. Cả ba đều đóng góp cho lịch sử xe tăng thế giới những câu chuyện thú vị.

Hậu duệ của huyền thoại

Thất bại trong chiến tranh thế giới thứ 2 nhưng với vị thế của quốc gia có ngành cơ khí đỉnh cao, các cỗ xe tăng của Đức luôn được coi trọng. Thiết kế của những chiếc tăng do Tây Đức chế tạo luôn là khuôn mẫu chuẩn mực, giúp các nhà sản xuất nhận được nhiều lời mời hợp tác từ đồng minh, cũng như các hợp đồng xuất khẩu béo bở.

Một chiếc Leopard diễu binh.

Trong chiến tranh lạnh, Tây Đức đã có nhiều chương trình hợp tác với Mỹ, Anh, Pháp nhằm chế tạo ra chiếc xe tăng chủ lực mới như các dự án MBT 70 với Mỹ, AMX-30 với Pháp và MBT 80 với Anh. Đa phần các chương trình này đều không cho ra sản phẩm chung. Thế nhưng, điều đáng nói là thông qua quá trình hợp tác, các thiết kế Đức đã gây ảnh hưởng hoặc áp đặt được quan điểm lên đối tác.

Điển hình nhất là đến nay, các xe tăng của Mỹ, Pháp đều sử dụng pháo do Đức chế tạo hoặc chịu ảnh hưởng của thiết kế của pháo tăng Đức. Được coi là bảo thủ như người Anh, đến tháng 1.2004, cũng thay pháo nòng rãnh (L30) bằng loại pháo nòng trơn (L55) giống xe tăng Đức.

Sau 2 lần hợp tác, nhận được sự góp ý của Đức về các thiết kế quá cao, nặng và cồng kềnh, Mỹ đã chế tạo M1 Abrams thấp hơn và có nhiều thành tích trên chiến trường Iraq. Hệ thống treo có góc xoắn lớn, chịu tải tốt, giúp xe hoạt động êm dịu của các xe tăng phương Tây ngày nay cũng mang các dáng dấp từ thiết kế Đức.

Có lẽ vì vậy, không ngạc nhiên khi mẫu Leopard 1, do hãng Krauss-Maffei Wegmann (KMW) ở Munich thiết kế, được mệnh danh là “tiêu chuẩn của châu Âu”, đã bán được hơn 6.000 chiếc. “Hậu duệ” của nó là Leopard 2, có hơn 3.200 chiếc được chế tạo để xuất sang gần 20 nước như Canada, Đan Mạch, Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ, Chile, Singapore…

Một chiếc Leopard cơ động qua bãi lầy.

Đặc biệt, Leopard 2A 7+ là biến thể mới nhất của Leopard 2, được trang bị giáp module có khả năng chống mìn và rocket chống tăng. Các hệ thống quan sát và vũ khí của xe cũng được cải tiến và nâng cao chính xác.

Xe được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực với nhiều sensor hiện đại để kíp xe thể nhìn quan sát tốt ở tất cả các hướng, cả ngày lẫn đêm, trong nhiều điều kiện thời tiết phức tạp (sương mù, bão cát…).

Leopard 2 của Đức đã và đang làm nhiệm vụ tại Kosovo và Afghanistan. Trong tương lai, các nhà chế tạo Đức sẽ cho ra mắt những cỗ xe tăng hiện đại, được điện tử hóa cao, với kíp xe chỉ có 2 người, được bố trí ngồi sâu trong xe để đảm bảo an toàn.

Leopard của Đức đã và đang làm nhiệm vụ tại Kosovo và Afghanistan.

Leclerc, “cỗ xe tăng điện tử”

Nếu như xe tăng được điện tử hóa cao độ với kíp xe ít người là tương lai của tăng - thiết giáp Đức, thì đây lại là thực tế của lục quân Pháp. Là quốc gia có nền khoa học phát triển, Pháp đã ứng dụng những công nghệ tiến bộ nhất, đặc biệt là công nghệ điện tử để thiết kế, chế tạo xe tăng. Điển hình là Leclerc thuộc dự án AMX-56, đây có thể coi là “chiếc xe tăng điện tử” với kíp xe chỉ có 3 người.

Một chiếc Leclerc trên đường hành quân.

Leclerc được trang bị hệ thống kiểm soát chiến trường FINDERS, do hãng Nexter Suystems chế tạo, đảm bảo các nhiệm vụ thông tin, liên lạc, dẫn đường, ra quyết định nhanh. Điểm nhấn của hệ thống là màn hình màu hiển thị vị trí, nhận dạng địch/ta. FINDERS cùng với hệ thống tiếp nhận thông tin Icone, cho phép liên kết đội hình xe tăng thành mạng lưới lên tới 100 chiếc, sẽ giúp kíp xe lên kế hoạch, hiệp đồng tác chiến dễ dàng.

Trong chiến đấu, hệ thống kiểm soát hỏa lực của Leclerc cho phép pháo thủ và trưởng xe bắt bám 6 mục tiêu khác nhau trong khoảng thời gian hơn 30 giây. Hệ thống nạp đạn tự động của xe cho phép vũ khí chính là pháo nòng trơn 120mm bắn khi hành tiến với tốc độ 12 phát/phút.

Hệ thống kiểm soát hỏa lực và chiến trường bên trong một chiếc Leclerc.

Để phòng thủ, xe được trang bị hệ thống Galix, với 9 ống phóng cỡ 80mm dùng để phóng lựu đạn khói hoặc mồi bẫy nhiệt chống lại vũ khí chống tăng dẫn hướng bằng laser hoặc ảnh nhiệt. Ngoài ra, để phục vụ tác chiến trong đô thị, nhà sản xuất còn bổ sung thêm cho Leclerc bộ kit AZUR, giúp tăng khả năng chống chịu các đòn tấn công bằng rocket vào sườn và phía sau xe.

Ngoài ra, Leclerc còn được trang bị các súng máy 7,62mm và 12,7mm để chống bộ binh và máy bay đối phương.

Một chiếc Leclerc thể hiện sức mạnh bằng một màn biểu diễn bạo lực.

Rất hiện đại nhưng Leclerc chưa trải qua cuộc chiến nào và cũng không giành được thành công trên thương trường. Tới nay, loại xe tăng chủ lực này của Pháp mới chỉ bán được gần 400 chiếc cho quân đội Pháp và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) với con số tương đương.

UAE còn phàn nàn về việc Leclerc không thích nghi với khí hậu sa mạc, buộc nhà sản xuất phải tìm cách nâng cấp và cải tiến hệ thống điện tử và động cơ.

Anh quốc: Nước khai sinh và khai tử xe tăng (?)

Đầu thế kỷ 20, chính người Anh đã mang đến cho từ “tank” một nghĩa mới, không chỉ là “thùng đựng nước”, mà còn là “vũ khí hủy diệt bọc thép có gắn súng máy”, “cỗ xe không cần đường”, hay đơn giản là xe tăng.

Phát huy truyền thống này, ngày nay, lục quân Anh đang sở hữu những chiếc xe tăng đáng nể, mà đại diện là Challenger 2.

Xe tăng Challenger thể hiện sức mạnh cơ động.

Giống Leopard 2A, Leclerc, Challenger 2 là chiếc tăng thuộc thế hệ 3+. Xe được trang bị pháo nòng rãnh của BAE System (nay đang được thay dần bằng pháo nòng trơn), có thể bắn đạn xuyên giáp thoát vỏ có cánh đuôi ổn định (APFSDS) và đạn xuyên lõm đầu mềm (HESH) và đạn nghèo uran.

Hệ thống điều khiển của Challenger 2 được số hóa trong gói Ứng dụng hệ thống thông tin chiến trường (PBISA) do Công ty Computing Devices của Canada cung cấp, gồm màn hình cho chỉ huy, hệ thống dẫn đường quán tính…

Xe cũng được trang bị các khí tài quan sát laser, ảnh nhiệt, cung cấp khả năng quan sát lập thể cho trưởng xe. Điểm tự hào của người Anh ở chiếc xe tăng này là có lớp giáp phức hợp Chobham, làm từ các lớp gốm đặt trong các lưới kim loại bền và chắc. Hiện trên thế giới, chỉ có xe tăng Challenger và Abrams (Mỹ) sử dụng loại giáp này.

Xe tăng Challenger khai hỏa.

Hiện nay, Challenger 2 đang được sử dụng trong quân đội Anh và Oman (biến thể xuất khẩu Challenger 2E được sa mạc hóa), từng tham gia làm nhiệm vụ tại Bosnia, Kosovo. Đặc biệt, năm 2003, 14 xe tăng Challenger 2 của Anh đã tham gia vào một trận đấu tăng lớn nhất kể từ thế chiến thứ 2, khi các xe tăng của Anh đã tiêu diệt một đoàn xe tăng T-55 của Iraq.

Năm 2009, báo chí đưa tin BAE Systems – nhà sản xuất vũ khí lớn nhất của Anh – chính thức dừng sản xuất các xe tăng Challenger 2 tại nhà máy gần Newcastle, đóng cửa dây chuyền sản xuất các “tuần dương hạm mặt đất” trên xứ sở sương mù.

Điểm tự hào của người Anh ở chiếc xe tăng này là có lớp giáp phức hợp Chobham, làm từ các lớp gốm đặt trong các lưới kim loại bền và chắc.

Như vậy, Anh là nước khai sinh và cũng là nước đầu tiên khai tử hoạt động sản xuất cỗ máy chiến tranh có 94 năm lịch sử, tính từ các cuộc thử nghiệm vào năm 1915 và tham chiến lần đầu tiên vào năm 1916 ở Pháp.

Sự kiện này, phải chăng đã thêm một tiếng chuông, báo hiệu sự cáo chung của vai trò xe tăng trong lịch sử chiến tranh?

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại