Theo báo Daily Mail ngày 8.11, ông Churchill muốn thắng nhanh vì đó là cách duy nhất ngăn chặn chủ nghĩa Cộng sản lan sang phương tây. Ông nêu quan điểm này với thượng nghị sĩ Mỹ Styles Bridges (thuộc đảng Cộng hòa) vào năm 1947, đề nghị Bridges báo cáo với Tổng thống Mỹ Harry Truman.
Theo hồ sơ mật do một đặc vụ FBI viết, Churchill tin tưởng tấn công hạt nhân phủ đầu Liên Xô là chìa khóa cho tương lai của nền văn minh.
Hồ sơ viết: “Ông ấy nêu: nếu có thể thả một quả bom hạt nhân xuống Điện Kremlin, san bằng nó, thì đó sẽ là một vấn đề rất dễ dàng để xử lý sự cân bằng của Nga”.
“Churchill còn nói nếu không làm thế, Nga sẽ tấn công Mỹ trong 2,3 năm tới, nếu nuốc này có được bom hạt nhân và nền văn minh sẽ bị xóa sạch, hoặc tụt hậu suốt nhiều năm”.
Vào lúc Churchill yêu cầu Mỹ đánh Liên Xô, nước này không thể phòng chống một cuộc tấn công hạt nhân,và mãi đến năm 1949 Liên Xô mới có bom hạt nhân.
Anh và Liên Xô từng là đồng minh trong Thế chiến 2 cho đến năm 1945, là năm Churchill mất ngôi thủ tướng. Nhưng ông là một trong những lãnh đạo thế giới đầu tiên thừa nhận nỗi đe dọa hậu Thế chiến 2 của Liên Xô.
Hồ sơ nêu ông nói, rằng “chỉ có một cách giải cứu nền văn minh của thế giới, nếu tổng thống Mỹ tuyên bố Liên Xô gây nguy hiểm cho hòa bình thế giới và tấn công Liên Xô”.
Trong một diễn văn nổi tiếng năm 1946 ở bang Missouri (Mỹ), Churchill đã đề cập nỗi đe dọa từ Liên Xô, và nêu “Bức màn sắt” sẽ phủ xuống Đông Âu, khi lãnh tụ Liên Xô Josif Stalin củng cố quyền lực ở vùng đất này của châu Âu.
Hồ sơ được giải mật cho thấy Churchill rất căm đồng minh cũ, nên ông sẵn sàng chấp nhận cái chết của hàng trăm ngàn dân Liên Xô trong một cuộc tấn công hạt nhân.
Năm 1951, khi Churchill trở lại làm thủ tướng Anh, vấn đề tấn công hạt nhân phủ đầu Liên Xô không được lập lại.
Hồ sơ giải mật này dự kiến công bố lần đầu tiên, khi cuốn sách “Khi sư tử gầm: dòng họ Churchill và dòng họ Kennedy” của nhà báo điều tra Thomas Maier xuất bản vào tháng 12 tới.
Cuốn sách này cũng đề cập mối quan hệ giữa Churchill với đại sứ Mỹ tại Anh vào những năm 1930 là Joseph Kennedy, cha của tổng thống Mỹ John Kennedy vốn rất thần tượng Churchill đến độ phong Churchill là công dân danh dự của Mỹ hồi năm 1963. Churchill là người đầu tiên được tuyên dương như thế.
Maier cũng đề cập cuộc kết thân của hai dòng họ Churchill-Kennedy sau này. Họ có bạn bè chung như tỷ phú đóng tàu Hy Lạp Aristote Onassis, người lấy bà Jacqueline Kennedy làm vợ, sau khi người chồng tổng thống Kennedy của bà bị ám sát.
Sách của Maier không là cuốn duy nhất gần đây đề cập các trạng huống trong đời Churchill. Thị trưởng London (Anh) Boris Johnson gần đây có bài viết so sánh Churchill với những nhà độc tài. Ông nêu vị thủ tướng Anh có tính tự ái khủng khiếp để đền bù cho vóc dáng bề ngoài thấp lùn của ông.