Các Bộ trưởng Quốc phòng của Ba Lan, Ukraine và Litva vào tuần trước đã ký một thỏa thuận về việc thành lập một lữ đoàn liên quân LITPOLUKRBRIG (LitPolUkrBrig) "để tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình và tăng cường hợp tác khu vực". Chuyên gia chính trị Viktor Litovkin của Itar Tass nêu 3 lý do để lập nhóm "ba bạn cùng tiến" sát nách Nga.
Theo kế hoạch, lữ đoàn với 4.500 quân tinh nhuệ, dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc (LHQ) và EU và có thể tham gia hoạt động tác chiến đầy đủ trong hai năm.
Một số câu hỏi phát sinh: lực lượng NATO không đủ để tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ và Liên minh châu Âu hay sao mà cần phải thành lập thêm lữ đoàn liên quân 3 nước vốn không phải trụ cột ở châu Âu? Tại sao đến tận giờ mới ký thỏa thuận thành lập lữ đoàn trong khi 3 nước nói đã có ý tưởng đó từ năm 2007?
Theo Litovkin tham khảo một số chuyên gia, đây là bước đầu tiên của Ukraine trên đường gia nhập NATO và đây là một bước chuyển tiếp giúp lực lượng Ukraine đáp ứng dần với các tiêu chuẩn của NATO.
Kinh nghiệm hợp tác giữa Ukraine và NATO đã có từ những năm 1990: Kiev là thành viên của Hội đồng Hợp tác Bắc Đại Tây Dương, một thành viên tham gia chương trình Hòa bình và Ủy ban NATO-Ukraine; KFOR (quân Kosovo) có một tiểu đoàn Ba Lan-Ukraine.
Ngoài ra, một lữ đoàn cơ giới Ukraine và một tiểu đoàn chống vũ khí hóa học đã tham gia vào hoạt động trong chiến dịch Bão táp sa mạc ở Iraq. Từ năm 2007, lính công binh, hoa tiêu và phi công trực thăng Ukraine đã phục vụ tại Afghanistan dưới sự chỉ huy của Litva; Quân đội Ukraine và các lực lượng của NATO thường xuyên tổ chức diễn tập quân sự gần Lviv và Biển Đen gần đây.
Bề ngoài có vẻ như Ukraine đã đáp ứng được các tiêu chuẩn của NATO. Nhưng thực tế thì không dễ dàng như vậy: chi phí cho hậu cần là thứ yếu nhất của Ukraine. 5 tỉ USD chi cho cái gọi là "hoạt động chống khủng bố ở phía Đông nam" chỉ là muối bỏ biển và chưa đủ để kiện toàn quân đội theo tiêu chuẩn NATO.
Việc chuyển đổi vũ khí phù hợp với quân đội NATO không dễ dàng. Các thành viên cũ của khối Hiệp ước Warsaw (các nước Đông Âu cũ) đã gia nhập NATO mà cho đến nay vẫn không thể chuyển vũ khí của họ phù hợp hoàn toàn với tiêu chuẩn của NATO, đến cả nước khá nhất là Ba Lan, giờ vẫn còn sản xuất xe tăng và pháo theo chuẩn của Liên Xô cũ.
Một giả định đáng cân nhắc khác về mục đích thành lập lữ đoàn liên quân 3 nước Litva-Ba Lan-Ukraine: có thể được sử dụng để chống lại phe ly khai. Theo Thiếu tướng về hưu Pavel Zolotaryov, từng là Phó Giám đốc Học viện Nga chuyên nghiên cứu Mỹ và Canada cho rằng lữ đoàn này có thể dùng để đối phó với quân miền Đông khi được LHQ bật đèn xanh qua việc ra quyết định cho phép tiến hành hoạt động gìn giữ hòa bình.
Ý kiến thứ 3 về việc thành lập lữ đoàn này chỉ là quà an ủi. Trong chuyển thăm của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tới Mỹ, ông rất muốn Mỹ viện trợ vũ khí sát thương nhưng đã bị Nhà trắng từ chối khéo.
Vì vậy, Mỹ có thể "chỉ đạo" cho Ba Lan và Litva thành lập lữ đoàn liên quân là để an ủi, trao "giải khuyến khích" cho Ukraine.