Ẩn số tiêm kích J-15: Hồn Nga, da Trung Quốc

Minh Đức |

(Soha.vn) - Trung Quốc âm mưu sử dụng J-15 kết hợp với tàu sân bay Liêu Ninh như một công cụ quyền lực trên biển. Nhưng liệu đó có phải là điều dễ dàng?

Một lực lượng hải quân mạnh không thể thiếu tàu sân bay, nhưng để có một tàu sân bay hoạt động đúng nghĩa thì tiêm kích trên hạm còn quan trọng hơn. Cuối những năm 1990, Trung Quốc đã mua lại tàu sân bay “sắt vụn” Varyag từ Ukraine và lên kế hoạch tân trang lại con tàu này để phục vụ trong lực lượng hải quân.

Tàu sân bay đã có, vấn đề tiêm kích trên hạm càng khó khăn hơn. Bắc Kinh đã nhiều lần tiến hành đàm phán với Nga để mua tiêm kích trên hạm Su-33 đang hoạt động trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov. Đây là tiêm kích trên hạm được đánh giá hàng đầu thế giới hiện nay.

Tiêm kích J-15 cất cánh từ boong tàu sân bay Liêu Ninh.
Tiêm kích J-15 cất cánh từ boong tàu sân bay Liêu Ninh.

Trung Quốc đã lên kế hoạch mua tới 50 chiếc Su-33 với giá trị hợp đồng lên đến 2,5 tỷ USD. Nhưng họ lại dở chiêu bài cũ là sẽ mua trước 2 chiếc trị giá khoảng 100 triệu USD để tiến hành thử nghiệm và đánh giá, sau đó sẽ tùy chọn mua lô đầu tiên từ 12-14 chiếc.

Tuy nhiên, sau “quả đắng” Su-27SK, Moscow đã trở nên cảnh giác hơn với những chiêu bài này của Trung Quốc. Sau nhiều lần thuyết phục Nga không thành khiến chương trình xây dựng nhóm tác chiến tàu sân bay lâm vào ngỏ cụt. Bỗng lúc đó, vận may lại mỉm cười với Trung Quốc, giới tình báo nước này phát hiện Ukraine đang nắm giữ nguyên mẫu T-10K của tiêm kích Su-33.

Với Ukraine, nguyên mẫu T-10K là đồ bỏ nhưng với Trung Quốc đó là cả một kho báu. Một thương vụ có lợi cho cả đôi bên, Ukraine kiếm được bộn tiền từ đống hàng phế thải, Trung Quốc có được nguyên mẫu để mỗ xẻ nghiên cứu.

Hồn Nga, da Trung Quốc

Trong năm 2009, bên ngoài nhà máy chế tạo máy bay Thẩm Dương (Trung Quốc), xuất hiện một tiêm kích màu vàng bí ẩn. Mẫu tiêm kích được xác định là J-15, không khó để nhận ra rằng đây là một bản sao của tiêm kích trên hạm Su-33.

Thiết kế khí động học của J-15 hoàn toàn giống với Su-33, tiêm kích này được phát triển từ bộ khung của J-11. Nó sử dụng lại hệ thống điện tử của J-11 để giảm thời gian phát triển cũng như độ rủi ro cho dự án. Với khả năng sao chép “siêu hạng” của Trung Quốc thì việc tạo ra một bản sao của Su-33 đối với họ không phải là điều quá khó khăn.

Chất lượng của tiêm kích J-15, cáp hãm đà và nhiều vấn đề khác khiến khả năng hoạt động hiệu quả của tàu sân bay Liêu Ninh bị bỏ ngõ.

Chất lượng của tiêm kích J-15, cáp hãm đà và nhiều vấn đề khác khiến khả năng hoạt động hiệu quả của tàu sân bay Liêu Ninh bị bỏ ngỏ.

J-15 được quảng cáo là có nhiều tính năng mới so với Su-33 của Nga như: Trang bị radar quét mạng pha điện tử chủ động AESA, khung máy bay sử dụng nhiều hơn tỷ lệ vật liệu composite kết hợp với sơn hấp thụ sóng điện từ cho phép giảm diện tích phản hồi radar RCS.

Bên cạnh đó, J-15 còn được trang bị hệ thống cảnh báo tên lửa, hệ thống tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu hồng ngoại IRST mới. Trung Quốc tự tin tuyên bố rằng J-15 đủ khả năng “đấu tay đôi” với tất cả các loại tiêm kích đang hoạt động trong khu vực (ngoại trừ F-22 của Mỹ).

Tuy nhiên, để tiêm kích bản sao có thể hoạt động một cách hiệu quả trên tàu sân bay thì còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết. Mặc dù J-15 có hình dáng rất giống với Su-33 nhưng các chuyên gia đánh giá thấp khả năng hoạt động của tiêm kích này.

Đại tá Igor Korotchenko thuộc Bộ Quốc phòng Nga từng tuyên bố trong năm 2010 rằng: “Bản sao J-15 không có khả năng đạt được các hiệu suất tương tự như Su-33 của Nga và tôi không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ quay trở lại đàm phám mua số lượng lớn tiêm kích Su-33”.

J-15 được cho là sử dụng động cơ WS-10H, một biến thể sửa đổi của động cơ WS-10A. Các báo cáo cho biết, động cơ WS-10H có lực đẩy khoảng 12.800kg so với 12.500kg của động cơ cũ. Trong khi đó động cơ AL-31FM1 trang bị trên Su-33 có lực đẩy 13.517kg.

Như vậy, J-15 sẽ bị hạn chế về tải trọng vũ khí do lực đẩy động cơ không đủ mạnh, chưa tính đến vấn đề chất lượng và sự ổn định của động cơ. Tàu sân bay Liêu Ninh có đường băng thiết kế theo kiểu nhảy cầu nên cần máy bay được trang bị động cơ đủ mạnh để đạt tốc độ cần thiết khi rời khỏi boong tàu.

Bức ảnh này cho thấy sự hạn chế về tải trọng vũ khí của tiêm kích J-15 do lực đẩy của động cơ không đủ mạnh.
Bức ảnh này cho thấy sự hạn chế về tải trọng vũ khí của tiêm kích J-15 do lực đẩy của động cơ không đủ mạnh.

Vấn đề chất lượng động cơ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng hoạt động hiệu quả của tiêm kích J-15 trên tàu sân bay Liêu Ninh. Mặc dù tiêm kích J-15 đã thực hiện nhiều lần cất hạ cánh trên boong tàu sân bay Liêu Ninh nhưng các thông tin liên quan được công bố một cách khá hạn chế.

Giám đốc thiết kế của J-15 ông Sun Cong từng tuyên bố rằng “Việc thiếu các động cơ sản xuất trong nước có chất lượng cao là một trong những yếu kém của chương trình này”. Như vậy, có thể thấy rằng J-15 vẫn sử dụng động cơ nhập khẩu từ Nga. Tuy nhiên, động cơ AL-31F của Nga lại không được thiết kế để sử dụng cho tiêm kích trên hạm.

Ông Hu Siyuan thuộc Đại học Quốc phòng Trung Quốc từng nói “Điểm yếu hiện tại của J-15 là động cơ AL-31F Nga xuất khẩu cho Trung Quốc có lực đẩy không đủ mạnh” Trong khi đó, Chuẩn Đô đốc Yin Zhuo của Hải quân Trung Quốc cho rằng, J-15 có khả năng không chiến tốt hơn F/A-18E/F Super Hornet của Mỹ nhưng khả năng chiến đấu trên biển và trên đất liền yếu hơn.

Theo các thông tin mới nhất, Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành sản xuất loạt J-15 để trang bị cho tàu sân bay Liêu Ninh đang nằm “đắp chiếu” vì không có tiêm kích trên hạm. Họ sẽ sử dụng J-15 kết hợp với tàu sân bay Liêu Ninh như một công cụ quyền lực trên biển.

Tuy nhiên, với một tiêm kích “hồn Nga, da Trung Quốc” cùng với những về chất lượng của tàu sân bay Liêu Ninh thì khả năng này thực sự là một ẩn số lớn. Tuy vậy, đây cũng là điều đáng báo động cho các nước trong khu vực.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại