Do chậm mở thầu mua 6 tàu ngầm thông thường, Hải quân Ấn Độ đã đệ trình đề nghị mua 2 tàu ngầm lớp Amur. Các quan chức hãng Rosoboronexport đã đến New Delhi hai tuần trước để đàm phán bán hoặc cho thuê 2 tàu ngầm lớp này.
Hải quân Ấn Độ dự định trong khuôn khổ chương trình dự án 75I mua 6 tàu ngầm mới trang bị hệ thống động lực không cần không khí (AIP). Ngoài ra, họ còn đang tiến hành chương trình đóng theo giấy phép của công ty Pháp DCNS 6 tàu ngầm thông thường Scorpene ở xưởng đóng tàu Mazgon Dock Ltd. Chương trình sản xuất các tàu này vì nhiều lý do đã trễ tiến độ hơn 4 năm. Dự đoán, tàu đầu tiên trong 6 tàu sẽ nhận vào trang bị năm 2016 chứ không phải vào năm 2012 như kế hoạch ban đầu.
Theo chuyên gia Ấn Độ, sĩ quan hải quân về hưu Shyam Kumar Singh, sự đình trệ của dự án 75I và trễ tiến độ bàn giao các tàu ngầm Scorrpène đã làm hạm đội tàu ngầm Ấn Độ bị giảm số lượng đến mức nguy kịch. Chính vì thế Ấn Độ đã bắt đầu đàm phán trực tiếp với Nga.
Tàu ngầm Lada
Hiện tại, trong biên chế hạm đội có 7 tàu ngầm Nga thuộc dự án 877EKM và 4 tàu ngầm lớp Shishumar (Type 209/1500) của công ty Đức HDW mà những chiếc sau cùng được nhận vào trang bị từ cuối những năm 1990. Năm 2013, 3 tàu ngầm thông thường 877EKM đã không được sử dụng do chậm trễ trong chương trình phục hồi tại các hãng Ấn Độ. Trong khi đó, hạm đội tàu ngầm Trung Quốc có hơn 60 tàu ngầm.
Mặc dù đang đàm phán với Nga, trong giới quân sự Ấn Độ có một nhóm chuyên gia ủng hộ quan điểm nên mua tàu ngầm thông thường của phương Tây.
Phe ủng hộ mua tàu ngầm Nga nói rằng, tàu ngầm Nga tin cậy và rẻ hơn trong khai thác. Chương trình đào tạo thủy thủ đoàn đã vận hành trơn tru, có sẵn hạ tầng hỗ trợ và có sẵn các chuyên gia được đào tạo để bảo dưỡng và sửa chữa. Phe phản đối khẳng định, tàu ngầm phương Tây được trang bị thiết bị vô tuyến điện tử và các phương tiện trinh sát/phát hiện tiên tiến hơn. Song họ cũng thừa nhận, việc tiếp cận nhiều công nghệ then chốt của phương Tây vẫn là vấn đề khó khăn.
Hải quân Ấn Độ đã công bố kế hoạch mua 6 tàu ngầm dùng động cơ AIP theo chương trình dự án 75I từ năm 2006, ngay sau khi ký hợp đồng với Pháp đóng 6 tàu ngầm Scorpène (Project 75). Hội đồng Mua sắm quốc phòng của Bộ Quốc phòng Ấn Độ phê chuẩn việc bắt đầu thực hiện dự án 75I vào đầu tháng 7/2010. Yêu cầu cung cấp thông tin được gửi cho các hãng đóng tàu vào đầu tháng 9/2010. Trị giá mua sắm ước 500 tỷ rupi. Tuy nhiên, việc phát hành thư mời thầu liên tục bị trì hoãn. Cuối năm 2013, có tin Hải quân Ấn Độ đã hoàn tất chuẩn bị tài liệu mời thầu đóng tàu ngầm theo chương trình 75I và đang chờ được phép chuyển cho Ủy ban An ninh nội các CCS.
Dự kiến, dự thầu sẽ có Rosoboronexport (Nga), DCNS (Pháp), HDW (Đức), Navantia (Tây Ban Nha) và Fincantieri (Italia). Nga sẽ mang dự thầu các mẫu Amur 1650 (có tin nói Amur 950). Theo dự kiến, hãng thắng thầu sẽ cung cấp 2 tàu ngầm, 3 tàu còn lại đóng tại Mazgon Dock Ltd, ở Mumbai, 1 tàu ở xưởng Hindustan Shipyard Ltd ở Visakhapatnam với sự hỗ trợ của nhà thầu nước ngoài.
Ban đầu, chương trình dự án 75I trù tính đóng tàu ngầm trang bị AIP, có chiều dài gần 80 m và lượng giãn nước 2.300 tấn. Tàu ngầm thông thường này sẽ được trang bị các ống phóng lôi cho phép phóng ngư lôi hạng nặng và tên lửa tấn công mặt đất. Dự kiến sử dụng các công nghệ tiên tiến khác như công nghệ tàng hình để đóng các tàu ngầm này.
Theo ông S. K Singh, ngay cả khi cuộc đầu thầu được mở trong thời gian tới thì vẫn sẽ mất không dưới 10 năm mới nhận được tàu ngầm đầu tiên. Tức là, lúc đó, các tàu ngầm sẽ đóng xong theo các yêu cầu đã lạc hậu. Có lẽ, việc bổ sung các thay đổi về tính năng tàu ngầm cho phù hợp với yêu cầu tương lai chính là nguyên nhân chậm mở thầu.