Ấn Độ xây dựng quân đoàn chuyên trị Trung Quốc

Để tăng cường khả năng đối kháng và kiểm soát trên tuyến biên giới với Trung Quốc, Ấn Độ đã bắt đầu xây dựng quân đoàn sơn cước mới.

Trước tình hình phức tạp trên tuyến biên giới Ấn – Trung trong thời gian qua, ngày 8/1, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã nghe quan chức cao cấp của Bộ quốc phòng báo cáo ngắn gọn về năng lực hoạt động của quân đội nước này ở gần tuyến khống chế thực tế biên giới Ấn - Trung.

Được biết, hồi tháng 7/2013, Ủy ban an ninh nội các Ấn Độ đã phê chuẩn đề nghị của quân đội đưa ra về tăng cường xây dựng quân đoàn tác chiến sơn địa tại biên giới Trung - Ấn. Ngày 1/1/2014, lực lượng này được chính thức được đặt tên là “Quân đoàn tác chiến sơn địa số 17”, bộ tư lệnh quân đoàn chính thức bắt đầu xây dựng tại thành phố phía nam Ấn Độ là Ranchi.

Theo đó, Quân đoàn 17 bao gồm 2 lữ đoàn bộ binh và 2 lữ đoàn thiết giáp. Sau khi được thành lập và có sự hỗ trợ của các trung đoàn thiết giáp, bộ binh đóng tại Ladakh, Sikkim và Uttarakhand, quân đoàn 17 sẽ bảo đảm Ấn Độ có được khả năng đối phó hiệu quả với một cuộc tấn công từ bên kia biên giới.

Hồi tháng 8/2013 vừa qua, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã quyết định thành lập quân đoàn sơn cước đầu tiên. Tạp chí The Diplomat cho biết, quân đoàn Ấn Độ quyết định thành lập mang tên Quân đoàn Tấn công miền núi, với quân số từ 40.000 - 50.000 người sẽ được triển khai dọc giới tuyến với Trung Quốc chậm nhất vào cuối năm 2016.

Quân đoàn sẽ được trang bị xe tăng, pháo hạng nhẹ, trực thăng vũ trang và được yểm trợ bởi chiến đấu cơ Su-30 cùng các máy bay vận tải C-17, C-130J của Không quân. Theo kế hoạch, tiến trình thành lập quân đoàn này sẽ mất hơn 7 năm và tốn khoảng 640 tỷ rupee, gần bằng một nửa ngân sách quốc phòng của năm tài chính 2013-2014.

Một quan chức cấp cao Ấn Độ cho biết, một khi đi vào hoạt động đầy đủ, quân đoàn sơn cước sẽ tăng khả năng chiến đấu dọc ranh giới kiểm soát thực tế (LAC) giáp Trung Quốc và có khả năng ngăn chặn bất cứ cuộc “phiêu lưu quân sự” nào của Trung Quốc.

Nguồn tin trên cho biết thêm, lực lượng mới sẽ đặt trụ sở tại Panagarh, bang Tây Bengal, với các binh sĩ được huấn luyện chuyên về chiến tranh trên địa hình núi non.

Hiện nay, lực lượng vận tải chiến lược của Ấn Độ có cả máy bay vận tải C-130J Super Hercules, C-17 Globemaster của Mỹ và IL-76 của Nga. Với phi đội máy bay vận tải khủng, Ấn Độ có thể nhanh chóng bốc các sư đoàn hạng nặng với đầy đủ vũ khí, trang bị lên biên giới trong vòng vài giờ. Đây chính là lợi thế lớn của quân đội Ấn Độ, so với quân đội Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ.

Trong khi đó, Trung Quốc chỉ có số lượng ít các máy bay vận tải IL-76 đã cũ của Nga, năng lực vận chuyển có hạn. Đại bộ phận các hoạt động di chuyển vũ khí, trang bị hạng nặng của họ lên biên giới Trung - Ấn đều phải thông qua tuyến vận tải đường sắt xuyên Tây Tạng, mất rất nhiều thời gian so với người Ấn.

Vì vậy, trong thời gian qua, Trung Quốc đã nỗ lực cải thiện sự chênh lệch này bằng cả những biện pháp cấp bách lẫn lâu dài. Họ đã hỏi mua máy bay vận tải chiến lược thế hệ mới nhất của Nga là IL-476 nhưng Nga vẫn chưa chịu ký hợp đồng, làm kế hoạch này đang bế tắc.

Còn dự án phát triển máy bay vận tải chiến lược Y-20 của Trung Quốc hiện nguyên mẫu bay thứ 2 mới bắt đầu thử nghiệm. Để chúng được chấp nhận biên chế trong lực lượng không quân sau đó sản xuất hàng loạt còn một quãng đường khá dài.

Vì vậy, trong thời gian tới, khả năng cơ động đường không của Trung Quốc yếu thế hơn Ấn Độ rất nhiều trong tranh chấp biên giới.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại