Ấn Độ và kế hoạch chặn toàn bộ tàu Trung Quốc trên Ấn Độ Dương

Tờ Diplomat cho hay cuộc tranh luận mới đây của các nhà bình luận Ấn Độ hé lộ những chọn lựa chiến lược của quân đội nước này nếu xảy ra giao tranh với Trung Quốc. Ấn Độ sẽ phải chọn một trong hai chiến tuyến: Ấn Độ Dương hoặc biên giới với Trung Quốc trên bộ.

Tuần qua, Hải quân Ấn Độ bước sang một trang mới. Hôm 10/8, Ấn Độ kích hoạt lò phản ứng hạt nhân trên tàu ngầm hạt nhân Arihant, tàu ngầm hạt nhân đầu tiên do nước này tự thiết kế và chế tạo.

Bên cạnh đó, tàu sân bay sản xuất nội địa đầu tiên của nước này, tàu Vikrant, được chính thức hạ thủy hôm 12/8.  Đã từ lâu dư luận mặc định rằng một trong những mục tiêu hàng đầu của công cuộc hiện đại hóa và mở rộng hạm đội hải quân của Ấn Độ là nhằm gây sức ép tới Các tuyến đường vận tải biển (SLOCs) của Trung Quốc nếu hai nước có giao tranh.

Tàu INS Vikrant, tàu sân bay đầu tiên do Ấn Độ tự thiết kế và chế tạo, trong lễ hạ thủy hôm 12/8.

Cách đây vài tháng, tờ Economist cho rằng “năng lực hải quân của Ấn Độ có thể sẽ giúp nước này đạt được khả năng cản trở các chuyến tàu chở dầu tới Trung Quốc đi qua eo biển Malacca”.

Bài báo của tác giả David Scott trên tờ Tạp chí nghiên cứu chiến lược (Journal of Strategic Studies) cho rằng: “Ấn Độ có khả năng ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận Ấn Độ Dương qua eo biển Malacca”.

Ajai Shukla, một nhà báo quốc phòng dày dạn kinh nghiệm bình luận rằng: “Các nhà phân tích đều nhất trí rằng Hải quân Ấn Độ có thể chặn các tuyến đường vận tải trên Ấn Độ Dương bất kì khi nào họ muốn”. Nhà báo Ajai Shukla còn trích lời một vị tư lệnh hải quân Ấn Độ đã nghỉ hưu cho rằng: “Chỉ cần dùng tới 2 tàu ngầm và một phi đội chiến đấu cơ tới gần đảo Car Nicobar là có thể thực hiện được mục tiêu trên”.

Năm 2004, học thuyết hải quân chính thức đầu tiên của Ấn Độ đã có một tuyên bố khá “khoa trương” rằng việc “kiểm soát các khu vực “cổ chai” ở trên biển sẽ được sử dụng làm con bài để “mặc cả” trong cuộc chơi quyền lực quốc tế”.

Trên mục tranh luận của tờ Hindu, Raja Menon, một Chuẩn đô đốc hải quân đã nghỉ hưu và là nhân vật ủng hộ nhiệt tình việc phát triển năng lực đại dương của Ấn Độ, đã lên tiếng chỉ trích quyết định của chính phủ nước này đầu tư lớn vào việc xây dựng các quân đoàn bộ binh tấn công để điều động tới biên giới với Trung Quốc:

Trước hết, chúng ta dường như chưa đánh giá điểm mạnh và điểm yếu của Trung Quốc. Sức mạnh của họ là mạng lưới vận tải khổng lồ mà họ đã xây dựng tại khu vực Tây Tạng. Với việc thành lập các quân đoàn tấn công đơn lẻ, chúng ta đang đánh vào điểm mạnh của họ. Điểm yếu của Trung Quốc nằm ở khu vực Ấn Độ Dương, một thực tế mà ngay cả bản thân Trung Quốc cũng sẽ sẵn sàng thừa nhận.

Trung Quốc cần rất nhiều nguồn lực để tiến hành cải cách, giải quyết các vấn đề đối nội và Trung Quốc lệ thuộc ngày càng nhiều vào các nguồn tài nguyên ở châu Phi, đòi hỏi nước này phải sử dụng một lượng lớn các tuyến vận tải biển (SLOC) trên Ấn Độ Dương.  Ngày hôm nay, đó chỉ đơn giản là những tuyến đường vận tải biển nhưng ngày mai, đó sẽ là huyết mạch của Trung Quốc.

Theo như bình luận của các nhà phân tích chiến lược Trung Quốc thì mối đe dọa thực sự đến từ khoản tiền 600 tỷ rupee (khoảng 10 tỷ USD) mà Hải quân Ấn Độ chi cho việc tăng cường năng lực uy hiếp các tuyến đường vận tải biển trên Ấn Độ Dương. Năng lực đó sẽ giúp Ấn Độ bao vây các tuyến đường vận tải biển của Trung Quốc trên Ấn Độ Dương. Chúng ta có thể coi biên giới trên dãy Himalaya là vật thế chân cho sức mạnh của chúng ta trên Ấn Độ Dương với khoản đầu tư 600 tỷ rupee nói trên.

Tàu ngầm hạt nhân INS Arihant của Hải quân Ấn Độ.

Quan điểm của Menon không phải là mới mẻ. Tuy nhiên, điều thú vị là sự phản bác lại ý kiến của ông khá mạnh mẽ. Tác giả Zorawar Daulet Singh lập luận trên tờ Hindu rằng:

Ở đây, chúng ta cần phải đặt đòn bẩy của quyền lực vào đúng vị trí cân bằng: Trung Quốc phải đánh giá cao vai trò của các tuyến đường vận tải biển đến độ nào thì họ mới thay đổi các tính toán của mình ở khu vực biên giới. Việc chặn các tuyến đường vận tải biển cũng không hề đơn giản. Nếu sử dụng chiến lược chặn SLOCs thì thời gian để khiến Trung Quốc cảm thấy các nguồn cung tài nguyên của mình bị đe dọa sẽ khá dài, dài hơn rất nhiều so với một hoạt động trên bộ diễn ra nhanh chóng và không cần qui mô lớn, dù cho là phục vụ mục đích trả đũa hay thay đổi Đường kiểm soát thực tế (LAC).

Nếu kịch bản chặn các tuyến đường vận tải biển xảy ra, Trung Quốc cũng có thể sử dụng tới nguồn dự trữ xăng chiến lược của mình mặc dù mục đích của việc dự trữ này là nhằm bù đắp cho những lúc thị trường bị gián đoan. Thêm vào đó, Trung Quốc hiện đang theo đuổi các tuyến đường vận tải Á – Âu mới, ngày càng giao thương với Nga nhiều hơn trong lĩnh vực năng lượng và tăng cường các tuyến vận tải năng lượng qua Trung Á. Điều đó cho thấy Trung Quốc sẽ có thể giảm bớt sự phụ thuộc vào các tuyến đường vận tải biển trên Ấn Độ Dương ít nhất và đối với một số nguyên liệu chiến lược. Nói tóm lại, một lợi ích cốt lõi không thể được đảm bảo bằng chiến lược leo thang ở trên biển như vậy.

Trên tờ New India Express, tác giả Bharat Karnad cũng có một số quan điểm tương tự:

Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, một chiến lược hải quân chỉ có thể có tác dụng đối với một quốc đảo (giống như Nhật Bản trong thời kì Chiến tranh thế giới lần II) nhưng tự bản thân chiến lược đó chỉ có thể nhiều lắm là làm hư hại nặng chứ không thể tiêu diệt được các cường quốc trên lục địa có mạng lưới giao thông phát triển mạnh.

Trong “một cuộc chiến có giới hạn” do Quân đội giải phóng nhân dân PLA khởi xướng, nếu chỉ làm chìm một vài chiếc tàu chiến Trung Quốc ở phía đông eo biển Malacca, hay làm chìm hoặc bắt giữ các tàu buôn của Trung Quốc ở các hải phận quốc tế chắc chắn không thể bù đắp cho tổn thất về lãnh thổ quốc gia ở  Arunachal Pradesh và những nơi khác dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC) và ít có khả năng các lực lượng Trung Quốc sẽ rút lui như họ đã làm năm 1962. Vì thế, khôi phục được tình trạng kiểm soát đối với lãnh thổ sẽ khó hơn lãnh hải.

Tác giả Karnad cũng nghi ngờ liệu “lực lượng khoảng 50 tàu hải quân chiến lược vào năm 2030” của Hải quân Ấn Độ có đủ để chặn hoàn toàn các tuyến đường vận tải biển của Trung Quốc hay không. Ông cũng nêu ra vấn đề quan trọng là cùng một mục tiêu, chặn các tuyến đường vận tải biển của Trung Quốc sẽ tốn thời gian hơn các hoạt động trên bộ.

Trên thực tế, người Trung Quốc có thể nhanh chóng giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh hạn chế với Ấn Độ trước khi các tàu hải quân và tàu buôn của nước này bị (Hải quân Ấn Độ) phát hiện và đánh chìm. Thứ ba, không giống như Ấn Độ, Trung Quốc có kho dự trữ chiến lược xăng dầu, khoáng sản và kho dự trữ này giúp Trung Quốc có thể “trụ” qua được cuộc chiến tranh hạn chế và trước khi hành động của Ấn Độ trên biển có tác dụng.

Các binh sĩ Ấn Độ (phải) và Trung Quốc (trái) tại khu vực biên giới giữa hai nước.

Tác giả có tên Nitin Gokhale bình luận thêm:

SLOC không phải là của riêng Ấn Độ hay Trung Quốc và cộng đồng quốc tế chắc sẽ can thiệp để các tuyến vận tải biển được thông suốt, duy trì các hoạt động thương mại quốc tế diễn ra bình thường. Việc chặn các chuyến hàng của riêng Trung Quốc trên các tuyến đường hàng hải quốc tế khó thực thi hơn những tính toán trên giấy rất nhiều.  

Theo tờ Diplomat, đây là một cuộc tranh luận khá thú vị vì những lí do sau:

Trước hết, cuộc tranh luận này giống một cuộc tranh luận diễn ra ở Mỹ về tính khả thi của ý tưởng chặn các tàu Trung Quốc. Ấn Độ vẫn mặc định một cách cứng nhắc khi cho rằng mình sẽ đơn phương thực hiện kế hoạch này trong khi hải quân Ấn Độ và hải quân Mỹ ngày càng tương tác với nhau nhiều hơn và Ấn Độ ngày càng quan tâm tới các cuộc tranh luận về Trung Quốc trên qui mô toàn châu Á. Những kịch bản mà các tác giả tham gia tranh luận nêu ra chỉ phản ánh các cuộc tranh chấp song phương giữa Trung Quốc và Ấn Độ và hình dung ra rằng Ấn Độ sẽ chỉ hành động một mình mà không liên kết với hải quân của quốc gia nào khác chặn các SLOC của Trung Quốc.

Thứ hai, đánh giá của Ấn Độ về sức mạnh hàng hải của chính nước này sẽ là những nhân tố quan trọng hình thành cách hành xử của Ấn Độ trong khủng hoảng, đặc biệt trong trường hợp cuộc tranh chấp ở khu vực biên giới với Trung Quốc bùng phát thêm lần nữa. Việc Ấn Độ tin như thế nào vào năng lực hải quân của mình sẽ quyết định liệu nước này có cảm thấy đủ tự tin làm leo thang căng thẳng về vấn đề biên giới hay không.

Điều đặc biệt quan trọng về cuộc tranh luận này là vấn đề cụ thể được nêu ra ở đây là làm sao phân biệt được tàu Trung Quốc và tàu của các nước khác – một câu hỏi bị bỏ quên trong các cuộc thảo luận – và do đó khái niệm “chặn” các tuyến vận tải biển thực ra là “ngoa ngôn”.

Thứ ba, cuộc tranh luận này ám chỉ tới việc huy động các nguồn lực giữa các lực lượng vũ trang trong bối cảnh Hải quân Ấn Độ đang bị không quân và bộ binh bỏ lại phía sau. Trong kế hoạch chi tiêu 2013-2014, ngân sách dành cho Hải quân giảm nhiều nhất và chiếm phần nhỏ nhất (18% so với 28% của Không quân và 49% của Bộ binh).

Thêm vào đó, theo một báo cáo gần đây của Tổng cục quản lý và kiểm toán Ấn Độ, Hải quân nước này mới chỉ có được “61% số tàu chiến, 44% số tàu khu trục và 20% số tàu hộ tống so với nhu cầu tối thiểu của lực lượng này”. Cuộc tranh luận về liệu Trung Quốc mạnh hơn ở trên biển hay trên đất liền sẽ có tác động tới cách Ấn Độ sử dụng các nguồn lực của mình như thế nào trong tương lai và liệu nước này có tăng lượng tàu chiến (và đặc biệt là lượng tàu ngầm) về lâu dài hay không.

Thứ tư và cuối cùng, cuộc tranh luận về cách thức đáp trả Trung Quốc nói trên rất có ý nghĩa do nó ám chỉ tới “sự đánh đổi” và điều đó sẽ đặt ra câu hỏi về chiến tuyến nào sẽ được Ấn Độ ưu tiên hơn: Ấn Độ Dương hay vùng biên giới với Trung Quốc.

Sự đánh đổi và ưu tiên là tâm điểm trong chiến lược của Ấn Độ. Với một quốc gia từ lâu vẫn bị chỉ trích vì thiếu tư duy chiến lược, Ấn Độ sẽ có lợi nếu nước này buộc phải suy nghĩ về vấn đề hiện đại hóa quân sự với các lựa chọn liên quan tới mọi năng lực quân sự, cả năng lực trên bộ, trên biển và trên không chứ không chỉ là những lựa chọn rời rạc.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại