Hãng thông tấn Itar-Tass của Nga dẫn một nguồn tin thân cận từ Bộ quốc phòng Ấn Độ cho biết Công ty liên doanh Nga-Ấn Độ BrahMos Aerospace đã bắt đầu công việc thiết kế một biến thể nhỏ hơn của tên lửa siêu thanh BrahMos mang tên BrahMos-M.
“Tiểu BrahMos” sẽ có trọng lượng khoảng 1,5 tấn và dài gần 6m. Loại tên lửa này sẽ được trang bị các máy bay Su-30MKI và MiG-29, tuy nhiên, nó cũng thích hợp để trang bị cho các chiến đấu cơ khác hiện đang hoặc sẽ phục vụ trong lực lượng không quân của Ấn Độ như Mirage-2000, Rafale...
Ấn trang bị “Tiểu BrahMos” cho Su-30MKI, MiG-29 và Rafale...
Theo Itar-Tass, đây không phải là biến thể tên lửa BrahMos phóng từ trên không, loại tên lửa sẽ được thử nghiệm vào năm nay.
"Đây là một tên lửa khác”, Itar-Tass trích dẫn nguồn tin, “Nếu Su-30MKI chỉ có thể mang một tên lửa BrahMos-A thì sau này nó có thể mang tới 3 tên lửa BrahMos-M, còn MiG-29 có thể lắp đặt 2 tên lửa BrahMos-M".
Được biết, “Tiểu BrahMos” sẽ được thử nghiệm lần đầu tiên sau 1,5 đến 2 năm. Phạm vi hoạt động của loại tên lửa này cũng khoảng 290 km, giống như biến thể BrahMos-A.
"Tiểu BrahMos" hoàn toàn không phải biến thể tên lửa phóng từ trên không sẽ được thử nghiệm vào năm nay.
Theo hãng tin RIA Novosti của Nga, vào đầu tháng Một năm nay, Hải quân Ấn Độ đã thử nghiệm thành công phiên bản dễ điều khiển của tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos. Tên lửa được phóng từ một tàu chiến ở ngoài khơi bờ biển Vishakhapatnam thuộc Vịnh Bengal.
BrahMos được phát triển dựa trên sự hợp tác giữa NPO Mashinostroeyenia của Nga và Tổ chức nghiên cứu và phát triển bộ quốc phòng của Ấn Độ trong chương trình không gian mang tên BrahMos. Tên của loại tên lửa này viết tắt của tên hai con sông là: Brahmaputra của Ấn Độ và Moskva của Nga.
Tên lửa BrahMos có tầm bắn 290 km và có thể mang theo đầu đạn tiêu chuẩn với trọng lượng lên tới 300kg. Nó có thể đạt tốc độ tối đa gấp 2,8 lần tốc độ âm thanh và gấp 3 lần tốc độ của tên lửa hành trình cận siêu thanh Tomahawk do Mỹ sản xuất.