Ấn Độ trang bị tàu Kolkata khi chưa hoàn thiện sức mạnh

Mỹ Đức |

Dù Kolkata được trang bị dàn hỏa lực ấn tượng, nhưng việc Ấn Độ vội biên chế khi lớp tàu này chưa hoàn thiện khiến sức mạnh của chúng bị ảnh hưởng.

Theo những thông tin được Hải quân Ấn Độ công khai, tàu Kolkata được trang bị hệ thống vũ khí rất mạnh, có khả năng công-thủ toàn diện, các hệ thống trang, thiết bị khác như radar, thiết bị tác chiến điện tử, sonar đều là những sản phầm hàng đầu về công nghệ của hãng Thales (Pháp) và IAI (Israel Aircraft Industries) và Elbit Systems, đều của Israel.

Tàu được trang bị 16 quả tên lửa hành trình chống hạm BrahMos, tốc độ 2,8Mach, tầm phóng 290km, độ cao bay 5-10m. Tên lửa được phóng từ 2 cụm ống phóng thẳng đứng, mỗi đơn nguyên 8 ống phóng.

Tàu được trang bị vũ khí phòng không rất mạnh với 3 lớp phòng không tích hợp 3 hệ thống tên lửa hạm đối không tầm xa, trung, gần, gồm 8 quả tên lửa ADD (do Ấn Độ chế tạo), 48 quả Barak-8 và 32 quả Barak-1, với tầm bắn lần lượt là 200km, 90km và 12km.

Ngoài ra, trong tương lai nó sẽ được trang bị tên lửa hành trình tấn công mặt đất Nirbhay, có tầm phóng hơn 1500km để biến thành 1 khu trục hạm thuộc loại mạnh nhất thế giới, có khả năng mạnh mẽ hơn so với các khu trục hạm Type 052C/D của Trung Quốc.

Về ngoại hình và chức năng, Nirbhay hoàn toàn tương đồng với loại tên lửa Tomahawk, đường kính thân đoạn lớn nhất là 0,5 m, chiều dài tên lửa 6m, trọng lượng phóng 1000kg, sử dụng động cơ phản lực xung áp thể tích nhỏ (động cơ ramjet) với tốc độ khoảng 0,7Mach, tầm bắn tối đa 1500km.


Khu trục hạm lớp Kolkata của Ấn Độ

Khu trục hạm lớp Kolkata của Ấn Độ

Các chuyên gia quân sự cho biết, loại tên lửa này có thể tích nhỏ, trọng lượng nhẹ, khả năng tàng hình cao, tính năng cơ động tốt nên không dễ để kẻ địch phát hiện và đánh chặn.

Với năng lực xuyên phá mạnh, độ chính xác cao, tầm bắn xa, triển khai linh hoạt trên nhiều bệ phóng, nó sẽ trở thành một loại tên lửa tấn công rất mạnh trong tương lai.

Tuy nhiên, con đường hoàn thiện sức mạnh của lớp tàu khu trục này còn rất gian nan bởi ngoài hệ thống phòng không Barak-1 và Barak-8 cùng hệ thống tên lửa chống hạm BrahMos ra, những hệ thống vũ khí khác của Kolkata đều chưa đáng tin cậy.

Mới đây nhất là hôm 29/12, Hải quân Ấn Độ đã phóng thử tên lửa hạm đối không tầm xa Barak 8 (LRSAM) từ tàu chiến INS Kolkata. Theo phát ngôn viên Hải quân Ấn Độ DK Sharma cuộc thử nghiệm sẽ tiếp tục được tiến hành trong hôm nay (ngày 30/12).

Hiện chưa có bất cứ thông tin gì về việc thử nghiệm hệ thống phòng không hạm ADD (một phiên bản của hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa tầm cao, tầm xa trên mặt đất của Ấn Độ).

Chương trình phát triển tên lửa hành trình Nirbhay cũng đang bộc lộ những thiết sót rất lớn và cần có thời gian khá dài để điều chỉnh những khiếm khuyết trong hệ thống điều khiển tên lửa.

Tên lửa hành trình Nirbhay được mệnh danh là “Tomahawk của Ấn Độ”, được phát triển với dầy đủ 4 phiên bản cho máy bay, phóng từ mặt đất, phóng từ tàu ngầm và tàu nổi, cho cả 3 quân chúng hải, lục và không quân.

Ngoài ra, nước này cũng ôm mộng phát triển một phiên bản tên lửa hành trình tầm xa chống hàng không mẫu hạm của Nirbhay. Tuy nhiên hiện chưa có nhiều thông tin về chương trình này

Tuy nhiên, cả 3 vụ phóng thử đầu tiên của tên lửa này đều không được như ý. Vụ phóng thử thứ nhất (hôm 12/3/2013) và thứ 3 (17/10/2015) đã thất bại hoàn toàn, còn vụ thứ 2 (17/10/2014) được coi là thành công nhưng tên lửa đã không thể duy trì hành trình bay với độ cao thấp.

Trước thực tế này có thể thấy rằng người Ấn sẽ phải mất một khoảng thời gian khá dài để hoàn thiện sức mạnh thực tế của các khu trục hạm lớp Kolkata này, mặc dù 2 chiếc đầu đã được trang bị cho hải quân nhưng chúng vẫn chưa có đủ tính năng mạnh nhất theo thiết kế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại