Ấn Độ là một đất nước đứng đầu trên thế giới về nhập khẩu vũ khí cộng với Chương trình tái vũ trang đầy tham vọng đã tạo ra một lợi thế không nhỏ trước những cuộc xung đột với Pakistan và “xưng hùng” với Trung Quốc.
Tên lửa Agni II của Ấn Độ mới đây đã ra mắt thành công trong Vịnh Bengal có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, phạm vi hoạt động lên đến 2.000 km và sử dụng động cơ đẩy nhiên liệu rắn. Điều đó có nghĩa là Agni II là một thành tố trong khả năng răn đe hạt nhân chiến lược của đất nước này, theo các quan chức Ấn Độ.
Theo tờ Tuần kinh tế, sức mạnh lực lượng vũ trang của Ấn Độ đang gia tăng một cách nhanh chóng. Trong năm qua, Ấn Độ đã trở thành nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất trên thế giới. Các cuộc đàm phán cung cấp 126 máy bay chiến đấu Rafale của Pháp đang đến hồi kết với giá trị lên đến 12 tỷ USD. Tuy nhiên Nga vẫn là nhà cung cấp lớn nhất trên thị trường vũ khí Ấn Độ. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế và Viện SIPRI (Stockholm), trong giai đoạn 2007-2011 Ấn Độ đã chi 17,3 tỷ USD để mua vũ khí và trang thiết bị quân sự.
Quân số chính quy ở quốc gia này lớn hơn bất kỳ quốc gia Châu Á nào, ngoại trừ Trung Quốc. Ngân sách quốc phòng của Ấn Độ tương đương khoảng 46,8 tỷ USD. Theo dự báo, đến năm 2020, chi tiêu quân sự của quốc gia này sẽ vượt quá nhu cầu quân sự của một trong ba quốc gia, Anh, Pháp và Nhật Bản.
Ngoài ra, Ấn Độ có kho vũ khí hạt nhân khoảng hơn 80 đầu đạn hạt nhân và con số này có thể tăng lên một cách nhanh chóng. Điều đáng nói là các tên lửa đạn đạo mà Ấn Độ đang sở hữu có thể tiếp cận tới bất cứ khu vực nào của Pakistan và hầu hết lãnh thổ Trung Quốc đại lục.
Thách thức đối với an ninh của Ấn Độ, được New Delhi cho là, có thể là một Pakistan không ổn định và một cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, Trung Quốc. Từ quan điểm vị thế quốc tế của Ấn Độ, Trung Quốc trở thành mối quan tâm đầu tiên của các nhà lãnh đạo Ấn Độ.
Không phải là vô cớ mà năm 2009, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ Arakaparambil Anthony nói rằng, các lực lượng vũ trang Ấn Độ phải xác định thực tế rằng mối đe dọa chính đối với Ấn Độ không phải chỉ đến từ Pakistan mà còn cả từ Trung Quốc.
Có điều là gần đây quan hệ Ấn-Pakistan đang ngày một ấm dần lên. Tuy nhiên, căng thẳng trên “đường biên giới” ở khu vực Kashmir có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Ngoài ra, Pakistan là một trong những “đồng minh” có mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc và Bắc Kinh có thể cổ xúy Islamabad cạnh tranh với Ấn Độ.
Tuy nhiên, trong những thông báo chính thức của mình, Trung Quốc đã phủ nhận điều này. Thế như trên thực tế, Trung Quốc đã từng cung cấp rất nhiều loại vũ khí cho Islamabad trong đó có cả việc giúp đỡ công nghệ hạt nhân cho Pakistan.
Theo các chuyên gia Ấn Độ, “đối với Trung Quốc, việc tranh chấp biên giới đối với họ không phải là vấn đề chính. Ở đó “bầu không khí” đã tạm lắng. Điều mà New Delhi quan tâm nhất đó là Trung Quốc đang tăng cường những tiền đồn mới xung quanh Ấn Độ, đặc biệt là trên Ấn Độ Dương. Các công ty Trung Quốc sẽ điều hành cảng biển Gwadar ở Pakistan, ngoài ra Trung Quốc mong muốn thành lập căn cứ Hải quân ở Sri Lanka”.
Chuyên gia Tatyana Shaumyan nhật xét rằng, khu vực Ấn Độ Dương là “khu vực chiến lược quan trọng, từ vùng này có thể kiểm soát tình hình ở Nam Á và Đông Nam Á, ở Trung Đông và trên bờ biển Châu Phi. Vì vậy, mỗi hành động nhằm củng cố vị thế của Trung Quốc trong khu vực đều gây ra mối lo ngại cho Ấn Độ”.
“Do đó, Ấn Độ đang cố gắng tăng cường lực lượng chiến đấu cho Hải quân. Đây không phải là về cuộc đối đầu trực tiếp với Trung Quốc, mà còn về cuộc đấu giành ảnh hưởng ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á”, các chuyên gia quân sự Ấn Độ kết luận.