Ấn Độ lắp tên lửa BrahMos trên tất cả tàu ngầm mới

Nhật Nam |

Truyền thông Nga vừa cho biết, tên lửa siêu vượt âm của liên doanh Nga - Ấn là “BrahMos” sẽ được lắp đặt trên các tàu ngầm mới của Hải quân Ấn Độ.

Siêu tên lửa BrahMos cơ bản đã phát triển hoàn thiện

Ngày 30-1, ông Alexandr Leonov, Tổng giám đốc Liên hiệp các nhà sản xuất khoa học công nghệ chế tạo máy NPO Mashinostroyenia của Nga cho biết:

Bộ Quốc phòng Ấn Độ dự định trang bị cho tất cả những tàu ngầm mới của mình các phiên bản phóng ngầm của tên lửa hành trình siêu vượt âm “BrahMos”.

BrahMos là sản phẩm của công ty BrahMos Aerospace (liên doanh Nga - Ấn thành lập năm 1998 tại New Dehli).

Liên doanh sản xuất tên lửa hành trình BrahMos được coi là một trong những dự án thành công nhất trong lịch sử hợp tác công nghiệp quốc phòng Nga - Ấn và trên toàn thế giới.

Liên doanh BrahMos Aerospace bao gồm 2 thành viên chủ chốt là NPO Mashinostroyenia (НПО Mашиностроения) - đại diện phía Nga và Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO), cùng một số doanh nghiệp khác của nước này.

BrahMos được chế tạo trên cơ sở loại tên lửa đối hạm siêu âm nổi tiếng P-800 Yakhont (phiên bản xuất khẩu của P-800 Onyx).

Cái tên “BrahMos” được ghép và viết tắt từ tên hai con sông: Brahmaputra của Ấn Độ và Moscow của Nga. Chính vì vậy, từ "Mos" trong chữ BrahMos luôn được viết hoa.


BrahMos hiện đã phát triển đủ các phiên bản phóng từ trên không, mặt đất, tàu nổi và tàu ngầm

BrahMos hiện đã phát triển đủ các phiên bản phóng từ trên không, mặt đất, tàu nổi và tàu ngầm

BrahMos là loại tên lửa được giới quân sự đánh giá là “độc nhất vô nhị” trên thế giới, không có đối thủ trong hàng ngũ tên lửa chiến thuật hiện đang sử dụng trên thế giới. Nó bắt đầu được thử nghiệm từ năm 2005, đầu tiên là phiên bản phóng từ trên tàu mặt nước.

Tên lửa có chiều dài 8,4 m, đường kính thân 0,6 m, tầm bắn 300 km, trọng lượng phóng 3 tấn, đầu đạn nặng 300 kg (phiên bản phóng từ trên không 2,5 tấn, đầu đạn 250 kg).

Tên lửa có thể phóng trên độ cao tối đa 14 km, thông thường 10 km với vận tốc siêu âm Mach 2,5, gấp hơn 3 lần vận tốc các loại tên lửa hành trình cận âm của Mỹ.

Hiện nay, Nga và Ấn Độ đã phát triển BrahMos thành 3 phiên bản, bao gồm Block I, Block II và Block III. Trong đó, phiên bản Block I đã có đủ 4 biến thể phóng từ trên không, trên mặt đất, trên tàu mặt nước và từ tàu ngầm.

Ngoài ra, nước này còn phát triển 1 phiên bản mini chuyên dụng cho máy bay chiến đấu là BrahMos-M, bởi BrahMos-A dùng cho tiêm kích Su-30MKI quá nặng (3 tấn) nên nó mang được chỉ 1 quả tên lửa.

Với phiên bản mới Su-30MKI sẽ mang được 3 quả, còn MiG-29K là 2 quả.


Tàu ngầm đầu tiên của lớp Scorpene mang tên INS Kalvari tại lễ hạ thủy đầu tháng 4-2015

Tàu ngầm đầu tiên của lớp Scorpene mang tên INS Kalvari tại lễ hạ thủy đầu tháng 4-2015

RIA Novosti dẫn lời ông Alexandr Leonov cho biết, liên doanh đã phóng thử nhiều lần tên lửa BrahMos vừa để thử nghiệm hoàn thiện tính năng mà còn để chứng tỏ cho các khách hàng thấy rằng. tên lửa này có khả năng phóng đi từ dưới nước rất đáng tin cậy.

Từ vài năm nay, tất cả các vụ phóng thử BrahMos của Ấn Độ đều thành công mỹ mãn, nghiệm chứng công nghệ rất đáng tin cậy và tính năng tiên tiến, nên cho đến thời điểm này, Nga-Ấn không còn nhu cầu phải thực hiện những vụ phóng bổ sung để xác nhận.

Ấn Độ sẽ lắp đặt BrahMos trên những tàu ngầm nào?

Trong các dự án tàu ngầm mới của mình, Bộ Quốc phòng Ấn Độ sẽ bố trí các tên lửa “BrahMos-S”. Tuy nhiên, hiện chỉ mới khẳng định được một điều là nó sẽ được sử dụng trên các tàu ngầm thông thường, còn tàu ngầm hạt nhân thì hiện chưa xác định được.


Tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo đầu tiên của Ấn Độ S-73 INS Arihant

Tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo đầu tiên của Ấn Độ S-73 INS Arihant

Các tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo nội địa thuộc lớp Arihant (chiếc đầu tiên mang tên INS Arihant đã hạ thủy vào năm 2009, chiếc thứ 2 mang tên INS Aridhama đang trong quá trình chế tạo) của nước này được xác định là sẽ mang tên lửa đạn đạo K5 và K15, cùng với tên lửa hành trình tấn công mặt đất Nirbhay.

Với lượng giãn nước khá nhỏ của mình (vào khoảng 6000 tấn), các tàu ngầm lớp Arihant có khả năng mang số lượng vũ khí hạn chế hơn so với các tàu ngầm hạt nhân cùng loại của Nga, Mỹ, Anh, Pháp… nên không rõ nó có thể được bố trí BrahMos hay không.

Tuy nhiên, hiện nước này đang thai nghén kế hoạch đóng 6 tàu ngầm hạt nhân tấn công chuyên mang tên lửa hành trình. Loại tàu ngầm này hoàn toàn có thể sử dụng cả tên lửa hành trình tấn công mặt đất Nirbhay và tên lửa hành trình chống hạm BrahMos.

Tuy nhiên, hiện kế hoạch này mới được hình thành trên giấy từ cuối năm ngoái, nên sớm nhất cũng phải hàng chục năm nữa các tàu này mới lộ diện hình hài. Tất cả những ước đoán về vũ khí của nó chỉ là lý thuyết.

Hải quân Ấn Độ hiện chỉ có 14 tàu ngầm thông thường, bao gồm 10 tàu ngầm diesel-điện lớp Kilo của Nga (Ấn Độ gọi là lớp Sindhughosh), nhưng 1 tàu đã bị cháy.

Ngoài ra, nước này còn có 4 tàu ngầm diesel-điện lớp Shishumar (Type 1500) do Nhà máy đóng tàu Horvath của Đức đóng.


Tàu ngầm thông thường lớp Kilo của Ấn Độ mang tên lửa chống hạm 3M-54E có tính năng tương đương BrahMos

Tàu ngầm thông thường lớp Kilo của Ấn Độ mang tên lửa chống hạm 3M-54E có tính năng tương đương BrahMos

Tuy nhiên, chắc chắn là những tàu này sẽ không trang bị BrahMos-S do các tàu ngầm của Đức thì khác chuẩn vũ khí, còn các tàu ngầm Kilo của Nga đã sử dụng tên lửa hành trình tấn công mặt đất 3M-14E và tên lửa hành trình chống hạm 3M-54E1 có tầm phóng và tính năng tương đương với BrahMos.

Khẳng định chắc chắn là tên lửa BrahMos sẽ được trang bị trên 6 tàu ngầm lớp Scorpene của Pháp, trong khuôn khổ kế hoạch P-75I, có kinh phí lên tới 230 tỷ rupee (3,38 tỷ USD).

Trong đó, 2 chiếc được đóng tại nhà máy đóng tàu của tập đoàn DCNS - Pháp và 4 chiếc còn lại đóng tại Ấn Độ.

Ngoài ra, vừa qua Bộ quốc phòng nước này còn mở một gói thầu đóng 6 tàu ngầm thông thường khác nhằm tăng cường sức mạnh tối đa cho lực lượng tác chiến ngầm, đối phó với lực lượng tàu ngầm rất mạnh của 2 đối thủ lớn nhất là Trung Quốc và Pakistan.

Tuy nhiên, kế hoạch này cũng mới chỉ đang trong giai đoạn tiền dự án nên cũng như kế hoạch đóng 6 tàu ngầm hạt nhân tấn công, chưa có cơ sở để kết luận về hệ thống vũ khí của chúng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại