Mối quan hệ hợp tác quốc phòng song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ trong những năm gần đây đang ngày càng được thắt chặt bởi sự trỗi dậy của Quân đội Trung Quốc đã và đang gây ra cho cả 2 quốc gia những e ngại thực sự trong việc bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của đất nước.
Nhằm tăng cường quan hệ hợp tác quốc phòng Việt-Ấn, mới đây nhất, Ấn Độ đã thông qua khoản vay tín dụng 100 triệu USD để giúp Việt Nam mua vũ khí, hiện đại hóa quân đội, đồng thời mở ra cơ hội để Việt Nam có thể trang bị một số loại vũ khí do Ấn Độ sản xuất.
Dưới đây là một số loại vũ khí Ấn Độ có thể cung cấp cho Việt Nam:
1. Tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos
Từ lâu, các nguồn tin giấu tên trong Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã tiết lộ, Việt Nam là một trong 14 quốc gia thân thiện được nước này liệt kê vào trong danh sách có thể xem xét bán loại tên lửa hành trình siêu thanh tiên tiến BrahMos do liên doanh hàng không Nga - Ấn Độ cùng hợp tác phát triển.
Trước đây, một số chuyên gia quân sự và giới truyền thông nước ngoài cho rằng, BrahMos là một sản phẩm ra đời trong khuôn khổ dự án mà New Delhi hợp tác phát triển cùng Moscow nên Ấn Độ sẽ không dễ gì có thể tự quyết quyền cung cấp tên lửa BrahMos cho một nước thứ ba nếu như phía Nga chưa đồng ý.
Mặc dù vậy, một số nguồn tin thân cận trong ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ hôm 3/12 đã tiết lộ với tờ Russia & India Reprot (RIR) rằng, Việt Nam đã tiến hành các cuộc đàm phán không chính thức về việc mua tên lửa BrahMos.
Nguồn tin này giải thích rằng, Việt Nam muốn có tên lửa BrahMos của Ấn Độ để có thể kịp thời đáp ứng những yêu cầu cấp thiết hiện nay, cũng như lấp chỗ trống trong thời gian chờ đợi phát triển biến thể tên lửa hành trình diệt hạm Kh-35 Uran EV cùng với đối tác Nga. Hiện chưa rõ phía Ấn Độ có thể cung cấp tên lửa BrahMos cho Việt Nam trong tương lai gần hay không, nhưng rõ ràng, nếu như Việt Nam thực sự cần tên lửa BrahMos và phía Nga cũng đồng thuận, sẽ không có lý do gì để New Delhi từ chối lời đề nghị của Việt Nam.
BrahMos là loại tên lửa hành trình được phát triển dựa trên tên lửa chống hạm Yakhont của Nga, có tầm bắn 290km, mang được đầu đạn thông thường nặng 300kg và tốc độ bay siêu thanh Mach 2,8- Mach 3. Trong quá trình bay, BrahMos có thể hạ thấp xuống độ cao khoảng 10m để tránh bị đánh chặn hoặc bị radar đối phương phát hiện.
Ấn Độ đã thử nghiệm thành công phiên bản tên lửa BrahMos trang bị trên tàu chiến mặt nước và trên đất liền, cũng như bắt đầu trang bị số lượng lớn các phiên bản tên lửa này cho quân đội.
2. Máy bay tuần tra Dornier DO-228
Hồi đầu năm nay, giới truyền thông Ấn Độ dẫn lời ông Kanpur D Balsubramaniyam - Giám đốc quản lý của công ty hàng không HAL cho biết Ấn Độ sẽ sản xuất 10 máy bay tuần tra Dornier DO-228 để tặng cho các quốc gia thân thiện, bao gồm Nam Phi, Afghanistan, Philippines, Thái Lan, Ecuador và Việt Nam.
Mặc dù số lượng máy bay DO-228 sẽ được Ấn Độ tặng cho Việt Nam không được tiết lộ, nhưng hành động trên của New Delhi đã cho thấy họ rất coi trọng Việt Nam và muốn gây dựng một mối quan hệ đối tác gắn bó, hữu nghị trên nhiều lĩnh vực, trong đó nhấn mạnh vào quốc phòng.
Dornier DO-228 là một loại máy bay được thiết kế để có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, bao gồm vận tải hàng hóa, hành khách, hoạt động trong các hãng hàng không, các công ty tư nhân, huấn luyện phi hành đoàn và phục vụ giám sát, tìm kiếm và cứu hộ cũng như quan sát và truyền thông.
DO-228 tiêu thụ ít nhiên liệu và mức độ bảo dưỡng bảo trì thấp, máy bay có thể bay được cự ly 2.500 km trong thời gian 5,5 giờ và chỉ cần đường băng chạy đà cất cánh 750 m. Dornier 228 sử dụng 2 động cơ cánh quạt Garrett TPE Engines với mức tiêu thụ nhiên liệu 2.859 lít khi bay ở tốc độ cực đại 428 km/giờ.
Về thực chất, DO-228 chính là một sản phẩm được công ty hàng không HAL của Ấn Độ đã mua giấy phép sản xuất từ nhà sản xuất máy bay Dornier GmbH của Đức. Máy bay được vận hành bởi một phi hành đoàn gồm 2 phi công và có thể chở được 15–19 hành khách.
(Còn tiếp)