Mặc dù khẳng định việc ký kết trên không liên quan đến chuyến thăm Ấn Độ của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, dự kiến vào ngày 2-6, nhưng các nguồn tin cho hay, hai bên sẽ thảo luận các biện pháp tăng cường hợp tác quốc phòng và ký kết một số thỏa thuận quan trọng.
Thương vụ này đã bị gác lại từ năm 2009 mà nguyên nhân chính là do hai bên chưa tìm được tiếng nói chung trong vấn đề giá cả. Boeing đã từng kéo dài thời gian định giá ít nhất 2 lần sau khi quá trình thương lượng về chi phí được thống nhất vào năm 2013.
Một chiếc trực thăng tấn công AH-64A Apache. Ảnh: airlines.net
Trước đó, Boeing đã vượt qua các tập đoàn quốc phòng của Nga với mẫu trực thăng tấn công Mi-28N Night Hunter và trực thăng vận tải Mi-26 để giành hợp đồng mua sắm của Không quân Ấn Độ.
Dòng Apache và Chinook được cho là có ưu thế hơn hai đối thủ trên nhờ tính năng tiếp cận tầm thấp và tiết kiệm nhiên liệu, bảo dưỡng.
Hiện tại, Không quân Ấn Độ mới chỉ có 2 phi đội trực thăng Mi-35 và 3 trực thăng vận tải Mi-26.
Trong khi đó, lực lượng này đang rất cần những trực thăng tấn công như Apache nhằm triển khai nhanh tại khu vực dọc vùng núi biên giới hay Chinook để vận chuyển quân và vũ khí trang bị hiệu quả.
Cả hai loại trực thăng này từng chứng tỏ năng lực chiến đấu trên chiến trường Afghanistan và Iraq.
Washington cũng đang hối thúc các bên hoàn thành hợp đồng này nhằm tăng cường sự hiện diện của vũ khí Mỹ trên thị trường tiềm năng Ấn Độ.
Trong vòng 6 năm qua, Mỹ đã đạt được nhiều hợp đồng với Ấn Độ trị giá trên 10 tỉ USD bao gồm các máy bay tuần tra biển P-8I hay máy bay vận tải C-130J Super Hercules, C-17 Globemaster-III.