Bộ quốc phòng Ấn Độ đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt đạn pháo cho các xe tăng T-90 mua của Nga, trong khi đó, New Delhi lại không có khả năng tự sản xuất các loại đạn pháo này nên buộc phải thỏa hiệp với Nga và mua đạn với mức giá tăng cao - Defense News dẫn một nguồn tin từ Bộ quốc phòng Ấn Độ cho biết.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã miễn cưỡng đồng ý thỏa thuận vào tháng trước mặc dù Nga đã tăng giá thêm 20% và từ chối thực hiện các nghĩa vụ đền bù.
Xe tăng T-90 của Lục quân Ấn Độ.
Nga sẽ nhận được hợp đồng trị giá 197 triệu USD để cung cấp đạn APFSDS cho Ấn Độ. Trong khi đó, vào năm 2011, giá của phía Nga đưa ra cho số lượng đạn tương đương chỉ là 163 triệu USD.
Cũng theo nguồn tin, bên cạnh việc tăng giá, Nga cũng từ chối chuyển giao công nghệ chế tạo đạn cho công ty nhà nước OFB của Ấn Độ, một yêu cầu mà phía Ấn Độ đã đặt ra trong 5 năm qua. Một nhân viên ngoại giao từ Đại sứ quán Nga chỉ tiết lộ rằng việc bán đạn pháo cho xe tăng T-90 cho Ấn Độ đã được thông qua nhưng từ chối cho biết thêm chi tiết.
Theo một sĩ quan Lục quân Ấn Độ, nước này buộc phải đồng ý các điều khoản của Nga do mọi nỗ lực của công ty OFB nhằm chế tạo loại đạn pháo trên đã hoàn toàn thất bại.
"Ấn Độ mua các xe tăng T-90 của Nga nhưng không hề được chuyển giao công nghệ chế tạo đạn pháo, điều này đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt đạn dược liên tục," ông này cho biết.
"Đã có rất nhiều vấn đề được ghi nhận trong việc mua sắm đạn pháo cho xe tăng T-90. Đạn pháo được sản xuất tại Ấn Độ không tương thích với hệ thống kiểm soát hỏa lực trên xe tăng và nó cần được sửa đổi. Tuy nhiên, Cơ quan nghiên cứu và phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) không thể giải quyết vấn đề này. Trong khi đó, lại không có bất kỳ phương án dự phòng nào nên các đơn đặt hàng đã được thực hiện với chỉ 1 nhà cung cấp duy nhất, dẫn tới việc tăng giá, từ đó làm trầm trọng thêm vấn đề" - ông Rahul Bhonsle, một Chuẩn tướng Lục quân Ấn Độ đã về hưu, đồng thời là chuyên gia phân tích quốc phòng cho hay.
Một quan chức DRDO cho biết công nghệ đạn pháo đã được cơ quan này phát triển và chuyển giao cho công ty OFB.
Tuy nhiên, quan chức quân đội Ấn Độ nói rằng đạn pháo do DRDO phát triển chỉ phù hợp với xe tăng T-72, không thể sử dụng trên xe tăng T-90.
"Công ty OFB đã thất bại trong việc sản xuất đạn pháo cho xe tăng T-90 bởi loại đạn này phức tạp hơn nhiều so với loại đạn của xe tăng T-72. Đạn pháo của T-90 có những liên kết phức tạp với máy tính điều khiển hỏa lực trên xe tăng," ông Bhonsle nói.
"Cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng đạn dược hiện nay là liên kết với các nhà sản xuất thiết bị của nước ngoài", chuyên gia phân tích quốc phòng Nitin Mehta nhận định, "việc gia tăng nhu cầu đạn pháo cho xe tăng T-90 sẽ là điểm thu hút các nhà sản xuất nước ngoài hợp tác với các công ty Ấn Độ để sản xuất loại đạn pháo yêu cầu".
Hiện tại, Lục quân Ấn Độ đang vận hành hơn 500 xe tăng T-90 và có kế hoạch tăng lên hơn 1.300 chiếc cho đến năm 2020 thông qua việc sản xuất theo giấy phép tại các nhà máy của Ấn Độ.
Trải nghiệm mới với Fanpage Thông tin Quân sự: Mới lạ, Hấp dẫn, Đa chiều