Hãng tin Ấn Độ Hindustan Times dẫn lời Giám đốc Công ty liên doanh BrahMos Aerospace, Sushir Mishra đăng tải, công ty này sẽ thực hiện 4 vụ phóng thử tên lửa BrahMos phiên bản hàng không BrahMos-A trong 6 tháng tới.
Vụ phóng thử BrahMos-A đầu tiên được lên kế hoạch thực hiện trong tháng 11 này.
Trong giai đoạn thử nghiệm, hai máy bay Su-30MKI sẽ được hoán cải phục vụ các vụ phóng thử. Ngoài ra, năm 2012, Ấn Độ đã đặt hàng hai không đoàn Su-30MKI (42 máy bay) với kết cấu khung thân được gia cường và trang bị giá phóng mang tên lửa BrahMos-A.
Không quân Ấn Độ dự kiến trong tương lai sẽ mua tới 216 đạn tên lửa BrahMos-A.
Máy bay Su-30MKI với nguyên mẫu phiên bản tên lửa BrahMos-A.
Mô hình tên lửa BrahMos-NG.
Theo lời giới thiệu của ông S. Mishra, để phù hợp lắp đặt trên máy bay, chiều dài của phiên bản BrahMos-A được rút ngắn xuống còn 8 m (phiên bản tiêu chuẩn 8,5 m) và trọng lượng giảm còn 2.050 kg (giảm 500 kg so với bản tiêu chuẩn).
Tầm bắn của BrahMos-A vào khoảng 300 km với tốc đô siêu âm đạt Mach 2,8 (gấp 2,8 lần tốc độ âm thanh). Với vận tốc này và đầu đạn 300 kg, chiến hạm có rất ít cơ hội sống sót trước các đòn tấn công bằng tên lửa BrahMos-A
Ngoài Không quân Ấn Độ, BrahMos-A có tiềm năng xuất khẩu rất lớn, nhất là với quân đội các quốc gia đang sở hữu dòng máy bay Su-30MK.
Cùng với BrahMos-A, Cơ quan Nghiên cứu và thực nghiệm quốc phòng Ấn Độ (DRDO) đang phát triển thêm phiên bản BrahMos cỡ nhỏ có thể trang bị trên máy bay MiG-29 và BrahMos-2 có tốc độ tới Mach 5.